Fintech Tyme Group (Singapore) vừa trở thành kỳ lân công nghệ mới nhất của Đông Nam Á. Công ty đã huy động được 250 triệu USD trong vòng gọi vốn series D với mức định giá 1,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư lớn như Nubank từ Brazil, nền tảng ngân hàng số có giá trị nhất thế giới, cũng tham gia.
Tyme cho biết họ sẽ sử dụng nguồn vốn này để mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Indonesia.
Tyme đang vận hành hai ngân hàng số: TymeBank ở Nam Phi và GoTyme ở Philippines. Trong đó, GoTyme là liên doanh với tập đoàn Gokongwei tại Philippines.
TymeBank ra mắt vào năm 2019, hiện phục vụ 10 triệu khách hàng và là ngân hàng số đầu tiên tại Nam Phi có lợi nhuận. Trong khi đó, GoTyme, ra mắt vào năm 2022, đã thu hút được 5 triệu khách hàng bán lẻ.
Tyme là viết tắt của “Take your money everywhere” (mang tiền của bạn đến mọi nơi), thành lập vào năm 2011 như một dự án của Deloitte, được tài trợ bởi công ty viễn thông MTN ở Nam Phi. Đến năm 2012, Tyme trở thành một startup cung cấp dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Khi Tyme được Ngân hàng Commonwealth Bank (CommBank) của Australia mua lại vào năm 2015, Founder Coenraad Jonker chuyển đến Hong Kong để lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ của CommBank tại châu Á. Đến năm 2018, CommBank thoái vốn khỏi Tyme, tạo cơ hội cho Jonker và nhà đầu tư Rainbow Capital ở Nam Phi giành lại quyền kiểm soát công ty.
Jonker cho biết, ông đã quan sát thấy sự bất bình đẳng kinh tế ở Nam Phi, ngay cả sau khi đất nước này chuyển từ chế độ phân biệt chủng tộc sang dân chủ vào năm 1994. Đây chính là động lực khiến ông thành lập Tyme.
Mặc dù chế độ apartheid đã kết thúc, “những người nghèo trước đây vẫn nghèo, trong khi người giàu vẫn giàu”, ông chia sẻ.
Sau đó, ông từ bỏ vai trò luật sư sáp nhập và mua lại để làm việc tại Standard Bank, ngân hàng lớn nhất Nam Phi, nhằm “học hỏi về lĩnh vực ngân hàng”. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng những ngân hàng lớn với bộ máy cồng kềnh rất khó thực hiện các thay đổi cần thiết để thúc đẩy sự bao trùm kinh tế.
Trả lời trên Tech in Asia, Jonker nói để một ngân hàng số thành công, cần làm tốt bốn yếu tố. Đầu tiên là thu hút khách hàng nhanh chóng với chi phí thấp. Tiếp theo là giữ khách hàng gắn bó, làm họ hài lòng với dịch vụ. Cuối cùng là cân bằng giữa khối lượng cho vay và rủi ro.
Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu sản phẩm và dịch vụ của Tyme “rẻ hơn đáng kể” so với đối thủ và mang lại “trải nghiệm tốt hơn,” thì “mọi thứ còn lại sẽ tự vận hành”.
Tyme dự định thâm nhập thị trường Indonesia và Việt Nam bằng cách cung cấp dịch vụ ứng tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Tại Việt Nam, Tyme tiết lộ đang thử nghiệm một sản phẩm cho vay thông qua hợp tác với một đơn vị uy tín đã có giấy phép ngân hàng. Tuy nhiên, ông Jonker không chia sẻ thêm thông tin chi tiết.
Tương tự, tại Indonesia, Tyme đã hợp tác với Finfra - một nền tảng giúp các công ty công nghệ tích hợp dịch vụ tài chính vào hoạt động kinh doanh. Tyme cũng bày tỏ sẵn sàng mua lại một ngân hàng nhỏ ở Indonesia với mức giá phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng.
Cách tiếp cận của Tyme tại Việt Nam và Indonesia khác với chiến lược tại Philippines.
Ở Philippines, Tyme nhắm vào người tiêu dùng cá nhân, cung cấp các sản phẩm như tài khoản tiết kiệm, thẻ ghi nợ, và hỗ trợ các giao dịch như thanh toán, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, mua voucher trò chơi và các nhu cầu thiết yếu khác qua tài khoản GoTyme.
Ông Jonker cho biết việc bắt đầu với tài khoản tiết kiệm, như tại Philippines và Nam Phi, là cách tiếp cận “rủi ro thấp” để mở rộng tại một thị trường mới, nơi Tyme chưa hiểu rõ về khách hàng. Sau khi thu thập dữ liệu người dùng, ngân hàng có thể sử dụng dữ liệu đó để triển khai dịch vụ cho vay một cách “an toàn và bền vững”.
Tuy nhiên, tài khoản tiết kiệm thường có biên lợi nhuận thấp hơn các sản phẩm cho vay, đòi hỏi doanh nghiệp phải hoạt động “rất tiết kiệm chi phí” để đạt lợi nhuận, ông chia sẻ.
Trong khi đó, kinh nghiệm của Tyme trong việc cho vay các doanh nghiệp nhỏ tại Nam Phi, chiếm gần một nửa doanh thu tại thị trường này, đã mang lại sự tự tin để áp dụng chiến lược tương tự tại Việt Nam và Indonesia. Ông nhấn mạnh rằng nhóm SME không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn mà còn là nhóm khách hàng “thực sự cần vốn lưu động”.
Founder kiêm CEO cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ “thay đổi hoàn toàn ngành này trong 5 đến 10 năm tới” và nhiều người sẽ không đủ kỹ năng để theo kịp sự thay đổi đó.
Ông chia sẻ rằng hiện tại, 40% mã nguồn của Tyme được tạo ra nhờ sự hỗ trợ của AI. Công ty cũng đang sử dụng AI trong các lĩnh vực như tương tác trên mạng xã hội và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, ông tin rằng Tyme có thể làm nhiều hơn với AI tích hợp. Ví dụ, hiện nay khách hàng vẫn phải tự thực hiện các quy trình như thanh toán hóa đơn. Ông nhìn thấy tiềm năng của AI tự động hóa để hỗ trợ và làm những công việc này dễ dàng hơn.
Ngoài ra, AI còn có “nhiều tiềm năng chưa được khai thác” trong việc chấm điểm tín dụng, mà ông xem là một trong những ứng dụng lớn nhất của công nghệ này.
Ở các thị trường mới nổi, Jonker cũng chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng tài chính vẫn là một thách thức lớn. Điều này bao gồm cơ sở dữ liệu sinh trắc học quốc gia, các quy định về ngân hàng mở (open banking) và hệ thống thanh toán tức thời với chi phí hợp lý.
Theo ông, chất lượng cơ sở hạ tầng tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ bao trùm kinh tế. “Nhiều người nghĩ rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề bao phủ tài chính”, ông nói, “nhưng thực tế thì chưa”.
Gia nhập thị trường từ năm 2021, Cake by VPBank là cái tên đầu tiên trong mô hình ngân hàng thuần số tại Việt Nam. Khác với ngân hàng truyền thống, mọi dịch vụ của Cake đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến.
Ngoài hỗ trợ giao dịch cơ bản, dải sản phẩm tài chính của Cake còn gồm: Chuyển khoản, thanh toán, tiết kiệm, liên kết đầu tư, cho vay tiêu dùng, mua trước trả sau, thẻ tín dụng…
Cake cũng tích hợp sâu vào các hệ sinh thái lớn trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, viễn thông, giải trí, bán lẻ... Chẳng hạn việc hợp tác với Thế giới Di động, Cake triển khai mô hình vay tiêu dùng 100% số hóa, cho phép khách hàng đăng ký vay vốn ngay tại cửa hàng điện máy.
Chia sẻ với chúng tôi, Cake cho biết họ đã đạt gần 5 triệu khách hàng chỉ sau chưa đầy 4 năm. Năm 2024, giá trị giao dịch thanh toán trên nền tảng Cake đạt 4,7 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng, Cake tiếp nhận khoảng 400.000 hồ sơ vay tín dụng và mở thẻ tín dụng.
Theo nghiên cứu của McKinsey & Company vào tháng 11 năm ngoái, chỉ khoảng 25% ngân hàng số ở Đông Nam Á có lợi nhuận.
Về phía Tyme, hiện TymeBank đã đạt lợi nhuận ròng vào cuối năm 2023, nhưng GoTyme vẫn đang thua lỗ. Ngân hàng này dự kiến sẽ có lợi nhuận vào năm 2027. Tại Philippines, tính đến tháng 6/2024, GoTyme sở hữu tài sản trị giá khoảng 403 triệu USD, chỉ đứng sau Maya Bank.
Chứng khoán Vietcap dự báo, lượng bàn giao xe VinFast sẽ lần lượt tăng 105%, 24% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024 - 2025, đạt 68.000 xe và 85.000 xe, chủ yếu từ thị trường Việt Nam.
Ước tính kết quả kinh doanh quý cuối năm của Nam Long tăng trưởng đột biến so với các quý trước, được đóng góp từ hai dự án.
TikTok Shop đang khẳng định vị thế trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa (GMV) năm 2024 đạt 32,6 tỷ USD. Sự phát triển vượt bậc tại các thị trường lớn như Mỹ, Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, cho thấy sức hút mạnh mẽ của mô hình kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ngành thuế lập danh sách người nổi tiếng có doanh thu lớn từ livestream, tiếp thị liên kết thương mại điện tử để phân loại rủi ro và kiểm tra trong năm nay.