Kinh doanh & Thị trường 24/05/2025 15:29

Ngành gọi xe công nghệ: Grab vẫn là số một thị trường, Xanh SM vượt lên ở dịch vụ gọi taxi

Grab vẫn đang là vua khi chiếm 55% thị phần Gọi xe máy – Gọi taxi. Thị phần Gọi taxi của Xanh SM nhỉnh hơn Grab một chút, nhưng họ yếu hơn trong mảng Gọi xe máy. Về tổng thể, Be thua cả Grab lẫn Xanh SM, nhưng thị phần dịch vụ Gọi xe máy của họ đang hơn Xanh SM.

Gọi xe công nghệ là một trong những thị trường kinh doanh nóng nhất ở Việt Nam và trên cả thế giới. Báo cáo "e-Conomy SEA 2024" của Google, Temasek, Bain & Company ước tính quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Việt Nam đạt 4 tỷ USD vào 2024 và có thể đạt 9 tỷ USD năm 2030.

Riêng chở người, quy mô thị trường ước đạt 1,05 tỷ USD năm nay và mở rộng đến 2,56 tỷ USD vào 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 19,5% giai đoạn 2025-2030, theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ).

Trong khoảng vài tháng đầu năm 2025, đã có rất nhiều Báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Ví dụ như báo cáo độc lập của các DN chuyên về nghiên cứu thị trường như Mordor Intelligence, Q&Me, Rakuten Insight hay báo cáo của Cimigo làm theo đơn đặt hàng của Be Group.

Việc Gojek rời khỏi Việt Nam năm 2024 khiến thị trường gọi xe công nghệ phải định hình lại. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)

Với sự rời bỏ của GoJek cùng sự tăng tốc của Xanh SM, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đã có rất nhiều sự thay đổi trong năm 2024 cũng như quý đầu tiên của năm 2025. Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Xanh SM và Be Group, Grab vẫn giữ được ngôi vương, tuy nhiên khoảng cách với Xanh SM đang ngày càng bị thu hẹp.

Ở lĩnh vực Gọi taxi, trong quý III/2024, Grab lần đầu bị đối thủ vượt qua về thị phần, cụ thể ở đây là Xanh SM. Với lợi thế ‘của nhà trồng được’ khi tự sản xuất được ô tô điện, cũng như dịch vụ tốt và đi theo xu hướng ‘xanh’; Xanh SM vẫn không ngừng nới rộng khoảng cách với Grab.

Với định hướng trở thành một siêu ứng dụng, Be đang tập trung vào chiều rộng – có 12 dịch vụ, hơn là chiều sâu. Dịch vụ gọi xe công nghệ của Be đang chiếm giữ vị trí thứ ba trên các BXH thị phần của nhiều báo cáo; tuy nhiên nếu chỉ tính ở dịch vụ Gọi xe máy, thì Be đứng sau Grab nhưng đứng trước Xanh SM. 

Sau gần hai năm triển khai hợp tác, Be Group vừa thông báo sẽ ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện GSM (bao gồm Xanh SM Taxi và Xanh SM Bike) trên ứng dụng Be kể từ ngày 21/5/2025. Trong thông báo chính thức, Be cho biết việc ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe GSM xuất phát từ sự thay đổi trong định hướng giữa hai bên.

Tổng thể cả dịch vụ Gọi taxi và Gọi xe máy thì Grab vẫn đang dẫn đầu thị trường

Theo báo cáo “Toàn cảnh ứng dụng gọi xe tại Việt Nam 2025” của Rakuten Insight, app đặt xe mà người dùng Việt Nam sử dụng thường xuyên nhất là Grab, khi có 55% người dùng ở các thành phố lớn và 54% ở các khu vực khác lựa chọn. Grab mạnh ở cả hai dịch vụ Gọi taxi và Gọi xe máy.

Tiếp theo, có 32% người dùng đã chọn Xanh SM, trong đó tỷ lệ ở thành phố lớn là 33% và các khu vực khác là 30%. Đứng thứ ba là Be với 9% cùng các hãng taxi như Mai Linh 2%, Vinasun 1% và Maxim 1%. 

(Ảnh chụp mình hình)

Có 2 nguyên do chính khiến Grab chiến thắng trong lòng người dùng Việt: 26% người dùng chọn app Grab vì đặt xe nhanh và dễ dàng cho dù đó là lúc cao điểm, mưa hay sáng sớm hoặc đêm khuya; 17% yêu thích vì quá trình đặt các dịch vụ đơn giản. 

Xanh SM được 16% người dùng yêu thích vì dịch vụ tốt với tài xế lịch sự, xe mới và sạch sẽ khiến không khí trong xe dễ chịu. Thế mạnh của Be là giá rẻ: 24% người dùng chọn Be vì có khuyến mãi tốt nhất và 24% là vì mức giá cạnh tranh. 

Báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" từ Q&Me cho thấy: Grab vẫn đang dẫn đầu thị trường, tiếp theo là Be rồi mới đến Xanh SM. Tuy nhiên, thị phần Gọi xe máy của Grab không còn áp đảo đối thủ như trong năm 2021.

Thị phần người dùng của các ứng dụng xe công nghệ 2 bánh năm 2024 tại Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)

Và theo một khảo sát mới nhất khác của Q&Me: 83% khách hàng hài lòng với dịch vụ taxi điện của hãng Xanh SM, vượt qua Grab (80%) và Be (68%). Đặc biệt, tỷ lệ sẵn sàng giới thiệu dịch vụ của Xanh SM đạt mức cao nhất, với 84% đối với taxi điện và 77% đối với xe máy điện.

Báo cáo ‘Tiếng nói của khách hàng’ được thực hiện bởi Cimigo theo đơn đặt hàng của Be Group, để tìm hiểu thói quen và hành vi sử dụng các siêu ứng dụng Shopee, Grab, Be, Zalo, Be hay TikTok của người tiêu dùng Việt. Báo cáo này cho thấy: giá rẻ, thao tác nhanh và dịch vụ ổn định là ba lý do chính khiến người dùng trung thành với thương hiệu.

Tệp khách hàng chính của Grab là những người chịu chi tiêu nhất trên các siêu ứng dụng. (Ảnh chụp màn hình)

Be phổ biến hơn và được dùng nhiều ở tệp khách hàng là người dùng trẻ 18 - 24 tuổi, còn Grab được biết đến và được sử dụng nhiều hơn ở nhóm 25 - 44 tuổi. Be được sử dụng nhiều nhất để Gọi xe máy và Giao hàng nhanh, Grab được dùng phổ biến để Gọi taxi.

Nhóm người dùng 25 - 44 tuổi chi tiêu nhiều hơn ở hầu hết các dịch trừ Gọi taxi, với khoảng 3,4 triệu đồng. Nhóm người tiêu dùng từ 44 tuổi trở lên mới chính là tệp khách hàng dùng dịch vụ Gọi ô tô nhiều nhất. 

Từ những báo cáo và số liệu ở trên, chúng ta có thể rút ra hai kết luận: Grab vẫn giữ được vị trí số một của mình trên thị trường gọi xe công nghệ; tuy nhiên, họ đang bị Xanh SM phả hơi nóng sau gáy với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường.

Nhờ đâu Grab vẫn giữ được vị trí số một của mình dù đã từ bỏ chiến lược ‘đốt tiền’?

Sau nhiều năm miệt mài ‘đốt tiền’ để giành thị phần, thì khoảng 2 năm nay trở lại đây, Grab Việt Nam đã không còn làm thế nữa.

Đầu tiên, với thị phần hơn 50% cùng tệp người dùng trung thành giàu có, Grab Việt Nam biết rằng mình sẽ ổn kể cả khi không chạy theo cạnh tranh về giá. Thứ hai, những đối thủ mạnh nhất qua từng thời kỳ như Uber, Gojek, Beamin đều đã rời thị trường Việt Nam. Thứ ba, Grab tập trung vào vận hành và công nghệ để cạnh tranh về mặt tiện dụng - khả dụng của các dịch vụ.

Độ phủ lớn nhất thị trường là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng của Grab. (Ảnh: Grab)

Từ năm 2024, Grab đã không còn theo đuổi chiến lược siêu ứng dụng mà tinh gọn dịch vụ để tối ưu hóa chi phí vận hành, tập trung hơn vào 2 dịch vụ cốt lõi là gọi xe công nghệ và gọi thức ăn.

Grab cho biết mình đang có 15 dịch vụ sau 10 năm, tuy nhiên, nếu xét kỹ thì họ chỉ có 6 dịch vụ chính: Giao hàng, Đi chợ, Gọi xe máy, Gọi taxi, Gọi đồ ăn và Đặt phòng khách sạn liên kết với 2 OTT là Agoda/Booking.com. Còn những dịch vụ khác như Quà tặng hay Bán voucher đều để tăng tần suất mua hàng của khách hàng hoặc tăng giá trị của 6 dịch vụ cơ bản.

Thành quả là với đội xe có độ phủ thị trường lớn, app luôn hoạt động mượt mà và dễ thao tác; nên dù mức giá các dịch vụ gọi xe của Grab không rẻ nhất thị trường, song vẫn được khách hàng Việt Nam ưa chuộng nhất.

Ví dụ dễ hiểu hơn: với những khách hàng ở xa trung tâm TP.HCM, nếu phải gọi xe vào trung tâm, xác suất gọi được xe Grab sẽ cao hơn là gọi Xanh SM hay Be. Còn nếu chỉ tính về dịch vụ Gọi taxi, thì xác suất gọi thành công Grab và Xanh SM ngang nhau. 

Grab trước nguy cơ bị Xanh SM đuổi kịp

Mặt khác, sau khi Gojek chính thức từ bỏ thị trường Việt Nam vào tháng 9/2024, 9% thị phần của nền tảng đến từ Indonesia không rơi hết vào túi của Grab, mà chia đều cho cả ba tay đua chính trên thị trường. Cộng với dịch vụ tốt và xe điện thân thiện môi trường hơn, thị phần của Xanh SM còn phình to nhanh hơn cả Grab.

(Ảnh chụp màn hình)

Trong đó, màn trình diễn ấn tượng nhất của Xanh SM chắn chắn là ở mảng Gọi taxi. Theo báo cáo mới nhất từ Mordor Intelligence, Xanh SM tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành Gọi taxi tại Việt Nam, khi chiếm tới 39,85% thị phần trong quý I/2025, Grab đứng thứ hai với 35,57% và phần còn lại thuộc về Be, Vinasun hay Mai Linh.

Đây là quý thứ ba liên tiếp Xanh SM duy trì vị trí dẫn đầu ở thị trường Gọi taxi, đồng thời có sự tăng trưởng ổn định. Trong quý IV/2024, Xanh SM chiếm 37,41% thị phần Gọi taxi còn Grab chiếm 36,62%.

Theo đánh giá của Mordor Intelligence, lợi thế cạnh tranh của dịch vụ Gọi taxi của Xanh SM không chỉ đến từ đội xe điện hiện đại, mà còn nằm ở mô hình vận hành khép kín và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ – điều mà các nền tảng gọi xe truyền thống khó làm được với mạng lưới tài xế cộng tác viên.

Chiến dịch triển khai hệ thống giám sát an toàn S2S (Secure to Safe) của Xanh SM – sử dụng AI, camera thông minh và nút khẩn cấp – tạo ra ưu thế về chất lượng dịch vụ, cũng là một “giá trị cộng thêm”. Điều này quan trọng trong bối cảnh nhóm khách hàng nữ, người già và gia đình ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm người dùng taxi công nghệ.

Xanh SM đang cho thấy những bước tiến ấn tượng của mình ở mảng dịch vụ Gọi taxi. (Ảnh: Xanh SM)

Bên cạnh đó, tính đến hết quý I/2025, Xanh SM đã hợp tác với gần 100 đơn vị vận tải địa phương để cung cấp xe taxi điện, phủ sóng tại 61 tỉnh thành trên cả nước.

Mới đây, TP HCM cho biết đang hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện, quy mô khoảng 400.000 chiếc. 

Vậy nên, nếu không muốn bị Xanh SM bắt kịp, nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhất trong thời gian sắp tới của Grab là phải chuyển đổi xe điện cho cả dịch vụ Gọi taxi cũng như Gọi xe máy.

Mới đây, Grab Việt Nam đã triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các đối tác tài xế mua xe điện BYD thông qua hệ thống phân phối của hãng tại Việt Nam. Tài xế Grab tham gia chương trình có thể nhận được khoản thu nhập đảm bảo lên đến 25 triệu đồng cho mỗi kỳ kéo dài 30 ngày, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Trong tương lai, nhiều khả năng Grab Việt Nam sẽ tiếp tục công bố một đối tác sản xuất xe máy điện cho dịch vụ Gọi xe máy.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này của Grab Việt Nam chắc chắn không dễ dàng mà phải cần nhiều thời gian. Trong khi, xuất phát điểm của Xanh đã là xe điện, cả ở dịch vụ Gọi taxi và Gọi xe máy. Tức là, Xanh SM gia nhập đường đua Gọi xe công nghệ rất trễ, nhưng họ có xuất phát điểm tốt khi xe điện đang đang là đích đến trong tương lai của tất cả các hãng gọi xe công nghệ trên thế giới.

Quỳnh Như

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 24/05/2025 18:47
Kết quả Vietlott Power 6/55 ngày 24/5/2025: Jackpot 2 hơn 3,6 tỷ đồng đã có chủ

Cập nhật nhanh kết quả quay số mở thưởng sản phẩm Vietlott Power 6/55 hôm nay 24/5/2025, giải thưởng jackpot 2 đã tìm thấy chủ nhân may mắn đoạt giải.

Kinh doanh & Thị trường 24/05/2025 16:05
Đề xuất nhóm chính sách ưu tiên để công nhân, người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội

Sáng 24/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Kinh doanh & Thị trường 24/05/2025 14:38
Nghiên cứu đánh thuế đất hoang hóa, dự án chậm triển khai

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất chính sách thuế đối với các dự án bất động sản chậm triển khai, để hoang hóa gây lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, tài nguyên đất đai.

Kinh doanh & Thị trường 24/05/2025 13:40
Thành viên Hòa Phát đầu tư KCN hơn 4.000 tỷ tại Phú Yên

Khu công nghiệp Hòa Tâm - giai đoạn 1 có quy mô gần 492 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.188 tỷ đồng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO