Ngành tôm Việt Nam cần thay đổi chiến lược: Kinh nghiệm từ Ecuador

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động và rào cản thuế quan gia tăng, ngành tôm Việt Nam cần tái cơ cấu thị trường, đẩy mạnh giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu bền vững. Bài học từ Ecuador cho thấy đây là hướng đi hiệu quả để giữ vững và mở rộng vị thế xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, ngành tôm Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng các biện pháp thuế quan và hàng rào kỹ thuật. Để bảo vệ thị phần, tăng kim ngạch xuất khẩu và hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam cần chủ động tái cơ cấu thị trường, đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng và xây dựng hình ảnh tôm sạch, minh bạch.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện thành công của ngành tôm Ecuador thời gian qua mang đến những gợi ý thực tiễn và rất có giá trị tham khảo.

Trong bối cảnh ngành tôm toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức lớn, thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) cùng rào cản thương mại gia tăng từ Mỹ, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Ecuador vẫn đạt khoảng 326.400 tấn tôm, trị giá 1,7 tỷ USD,  tăng 20% về khối lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả khả quan trên của Ecuador là nhờ thay vì tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp tôm Ecuador đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường khác, nhất là châu Âu và Mỹ. Một số doanh nghiệp lớn của Ecuador giảm mạnh tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, từ mức 70-80% xuống còn 20-30%, đồng thời tăng tốc đẩy mạnh vào Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu tôm của Ecuador sang châu Âu trong quý I tăng 37%, đưa khu vực này vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn thứ 2 của Ecuador, chỉ sau Trung Quốc.

Cùng với đa dạng hóa thị trường, Ecuador còn đầu tư mạnh vào sản phẩm giá trị gia tăng như tôm bóc vỏ, nấu chín, đóng gói cao cấp, phù hợp thị hiếu tiêu dùng cao cấp tại Mỹ và EU. Kết quả là thị phần tôm lột vỏ của Ecuador tại Mỹ đã tăng từ 10% lên 24%, trong khi thị phần của Ấn Độ sụt giảm từ 64% xuống còn 55%.

Đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng là sự hỗ trợ từ chính phủ Ecuador với các chính sách miễn/giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với EU, Trung Quốc và đàm phán mở rộng thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương.

Chuỗi cung ứng ngành tôm được phát triển tích hợp theo chiều dọc từ giống - nuôi - chế biến - xuất khẩu, cùng với đầu tư vào di truyền, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ecuador cũng đặc biệt chú trọng tới thương hiệu tôm bền vững, nhấn mạnh chứng nhận quốc tế như ASC, BAP và truyền thông “tôm xanh”.

Từ kinh nghiệm của Ecuador, VASEP khuyến nghị ngành tôm Việt Nam cần khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào các thị trường lớn như Trung Quốc hay Mỹ do có những rủi ro cao về chính sách và giá cả.

Ngành tôm Việt cần tăng cường thâm nhập thị trường châu Âu - khu vực đang tăng nhập khẩu tôm và ít rào cản thuế quan hơn, cũng như tận dụng lợi thế mà hiệp định EVFTA mang lại, giúp giảm thuế từ 20% xuống 0%. Ngoài ra, ngành tôm cũng cần tập trung hơn nữa vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Nga.

Song song với việc tái cơ cấu thị trường, đầu tư vào công nghệ chế biến và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành tôm Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tập trung sản xuất sản phẩm chế biến sâu như tôm hấp, tôm bóc vỏ, tôm IQF phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Mỹ và EU.

Ngành tôm cũng cần chủ động chứng minh chuỗi cung ứng minh bạch, không vi phạm lao động, bảo vệ môi trường và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Tăng tỷ lệ sản phẩm đạt chứng nhận ASC, BAP sẽ là chìa khóa giúp tôm Việt Nam khẳng định uy tín tại các thị trường cao cấp.

VASEP cho rằng, kinh nghiệm từ Ecuador cho thấy sự chủ động thích ứng nhanh với thị trường, đa dạng hóa đầu ra, đầu tư vào chất lượng và giá trị gia tăng là phương thức hiệu quả để vượt qua thách thức thuế quan toàn cầu. Chỉ khi linh hoạt chuyển hướng chiến lược, tối ưu hóa chi phí và xây dựng thương hiệu bền vững, tôm Việt mới có thể tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị phần và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bảng giá vàng ngày 13/5: Vàng SJC rơi về mốc 120 triệu, nhẫn trơn và nữ trang lao dốc không phanh

Thị trường vàng trong nước trưa nay (13/5) tiếp tục chứng kiến đà sụt giảm mạnh ở nhiều mặt hàng. Giá vàng miếng SJC lao dốc về mốc 120 triệu đồng/lượng, trong khi nhẫn trơn và nữ trang 24K, 18K cũng giảm sâu, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp.

Giá lúa gạo hôm nay 13/5: Duy trì ổn định, riêng cám tiếp tục tăng nhẹ

Giá lúa gạo hôm nay tại thị trường trong nước nhìn chung ổn định, riêng cám tiếp tục tăng nhẹ 50 đồng/kg. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA) cho biết giá gạo Basmati tăng là do nhu cầu và không liên quan đến tình hình địa chính trị.

Giá thép hôm nay 13/5: Bật tăng sau quyết định giảm thuế của Mỹ - Trung

Giá thép và nguyên liệu quặng sắt đồng loạt bật tăng sau khi Mỹ - Trung nhất trí giảm thuế quan và hoãn áp thuế trong 90 ngày. Giá quặng sắt tiếp tục vượt 100 USD/tấn.

Giá thịt heo hôm nay 13/5: Sườn già heo chững giá tại mức 128.000 đồng/kg

Giá thịt heo tiếp tục lặng sóng tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền. Trong đó, sườn già heo đang có giá 128.000 đồng/kg.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO