Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Đồng Nai, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế địa phương.
Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 20/4, tỉnh Đồng Nai đã thu hút khoảng 1,16 tỷ USD vốn FDI, cao nhất kể từ năm 2021 đến nay và tăng 68,51% so với cùng kỳ.
Trong đó, tỉnh đã cấp mới cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký 454,3 triệu USD, tăng 15,32% và 45 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 701,26 triệu USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.
Tổng vốn FDI thu hút trong 4 tháng đầu các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Đồng Nai; Cục Đầu tư nước ngoài).
4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 dự ước tăng 3,13% so với tháng trước, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 7,92% so với cùng kỳ năm trước, với chỉ số sản xuất của cả 4 ngành công nghiệp cấp I đều tăng. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 4,21%, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 8,13%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,73; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,59%.
IIP 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Đồng Nai).
Theo lý giải của Chi cục Thống kê Đồng Nai, IIP tháng 4 và 4 tháng đầu năm tăng khá chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến tích cực, lạm phát được kiểm soát và ổn định. Đồng thời, đơn hàng các của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang có thuận lợi, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng đến hết cả năm, thị trường xuất khẩu ổn định, đặc biệt ngành sản xuất chế biến gỗ, sản xuất điện tử, da giày, may mặc...
Từ đầu năm đến ngày 15/4, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 22.973 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 1.325 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 11.345 tỷ đồng, tăng 27,83%; 330 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn là 11.628 tỷ đồng, giảm 23,69%.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 555 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận 211 doanh nghiệp giải thể, tăng 34,3% so với cùng kỳ; 268 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 22,9%; 1.360 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 23,6%.
Theo báo cáo, nhu cầu du lịch, mua sắm, dịch vụ vui chơi, giải trí của người dân tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ đã đẩy doanh thu thương mại, dịch vụ của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 28.102,5 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 4 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 114.185 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng khoảng 12,57%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 79.915,6 tỷ đồng, tăng 15,01%; doanh thu ngành lưu trú, ăn uống ước đạt 12.675,3 tỷ đồng, tăng 19,55%; doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt 111,4 tỷ đồng, tăng 25,8%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 21.482,6 tỷ đồng, tăng 19,7%.
Trong tháng 4, hoạt động xuất, nhập khẩu tại Đồng Nai tiếp tục khả quan khi doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu mới và đơn giá một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng. Tính riêng tháng 4, kim ngạch xuất nhập khẩu tại Đồng Nai ước đạt 3,91 tỷ USD.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại Đồng Nai ước đạt 14,37 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,38 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,99 tỷ USD, tăng 19,22% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu 2,39 tỷ USD.
Các yếu tố như giá một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình và thuốc chữa bệnh giữ mức ổn định so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas giảm nhẹ đã góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 4 tháng năm nay, CPI Đồng Nai tăng 3,8% so với cùng kỳ, với 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Trong đó, các nhóm tăng cao nhất bao gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 14,54%; nhóm giáo dục, tăng 7,82%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, tăng 6,99%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 4,5%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,8%, giao thông giảm 4,25%.
Tính đến ngày 22/4, tổng thu ngân sách Nhà nước (đã loại trừ hoàn thuế) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ước đạt 20.182,53 tỷ đồng, tăng 30,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 17.186,78 tỷ đồng, tăng 21,51%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.975,32 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 22/4 đạt 16.543,17 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 10.098,1 tỷ đồng, tăng 19,74%; chi thường xuyên đạt 6.443,32 tỷ đồng, tăng 21,8%.
Chính phủ trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026. Phương án này dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 121.740 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cùng 4 người bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, những "rồng con" từng được kỳ vọng ở Đông Nam Á cuối cùng cũng dần thất bại do cấu trúc tài chính sai lầm. Điều này cho thấy thể chế và chất lượng điều hành là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế.
Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không quy định hạn chế doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và bổ sung quy định quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp.