Tại Mục 321 trong Luật hải quan Mỹ, hay còn được gọi là "De Minimis", cho phép những món hàng nhập khẩu vào Mỹ nếu có giá trị dưới 800 USD sẽ không phải nộp thuế.
Điều khoản này được ban hành từ năm 1938 với mục tiêu hỗ trợ tăng tốc vận chuyển hàng hóa có giá trị nhỏ và chẳng thu được bao nhiêu tiền thuế, chủ yếu nhắm đến những khách du lịch mua hàng lưu niệm về nước. Chúng đã được điều chỉnh hạn mức nhiều lần và đến năm 2016 thì được tăng từ 200 USD lên 800 USD.
Sau khi Shein và Temu mở rộng kinh doanh sang Mỹ, thì dường như điều luật "De Minimis" sinh ra là để phục vụ mô hình kinh doanh của họ. Khách Mỹ chỉ cần lên 2 sàn này đặt hàng, hàng sẽ được chuyển từ kho ở Trung Quốc sang Mỹ và đến tận nhà người mua. Các đối tác ở Trung Quốc chỉ cần sản xuất, còn Temu và Shein sẽ phụ trách việc tập hợp đơn hàng sau đó vận chuyển sang Mỹ.
Với nguồn hàng được lấy tận gốc và không chịu thuế nhập khẩu khi đến Mỹ, các sản phẩm của Temu hay Shein thường rẻ hơn 1/3 so với trên Amazon. Sau khi nộp đơn phá sản, hãng thời trang Forever 21 đã đổ trách nhiệm lên Shein.
Tuần trước, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều khoản "De Minimis" đã bị bãi bỏ, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ - đặc biệt là hàng hóa đến từ Trung Quốc, đều phải đóng thuế. Tức là, sau này, khi Temu hay Shein nhập khẩu hàng vào Mỹ đều phải chịu mức thuế 120% hay mức cố định 100 USD – sẽ tăng lên 200 USD vào tháng 6 tới.
Theo Bloomberg, để thích nghi với những chính sách mới từ Tổng thống Trump, Temu bắt đầu chuyển dịch sang hình thức ‘hoàn thành đơn hàng ở địa phương’. Theo kế hoạch, Temu chỉ bán hàng hóa từ các nhà cung cấp ở Mỹ trong tương lai gần, để né trách thuế nhập khẩu.
Temu bắt đầu trưng bày nhiều sản phẩm tại các kho ở Mỹ hơn trong các ngành hàng bán chạy nhất, sau ngày 25/4. Nhờ có sự chuẩn bị, khi bắt đầu từ 30/4, nhiều sản phẩm trên các website/app của Temu đã hiển thị là đang sẵn sàng ở các kho trên khắp nước Mỹ; nên số lượng sản phẩm trên các nền tảng không giảm nhiều.
Doanh số của Temu và Shein giảm đáng kẻ trong tuần từ 25/4 đến 1/5. (Ảnh:Bloomberg)
Tuy nhiên, trước đó, Bloomberg đã thấy doanh số của cả Temu và Shein đều giảm hai chữ số trong tuần sau khi họ tăng giá bán lẻ để bù lại phần chi phí thuế tăng, một dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt thương mại của ông Donald Trump đã ảnh hưởng xấu đến chuyện kinh doanh của 2 nền tảng này.
Cụ thể: Shein đã công bố việc giảm 23% và Temu giảm 17% doanh thu trong tuần từ ngày 25/4 đến 1/5, so với tuần trước - khi giá chưa tăng, theo Bloomberg Second Measure. Điều này trái ngược với diễn biến trong tháng 3 và đầu tháng 4, khi doanh số của cả hai tăng đột biến, lúc người tiêu dùng Mỹ đang cố gắng tích trữ hàng hóa – từ đồ gia dụng cho đến áo quần, nhằm chuẩn bị cho đợt tăng giá mà họ biết chắc chắn sẽ đến.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%.
Hiện tại, chuỗi cung ứng của Temu và Shein hầu hết đều nằm ở Trung Quốc. Vậy nên, cả hai buộc phải điều chỉnh giá từ ngày 25/4 khi chi phí vận hành của họ tăng vọt bởi thuế quan. Và Temu đã chuyển gần như toàn bộ phần thuế nhập khẩu mới này cho người tiêu dùng Mỹ nếu họ vẫn chọn mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc, khiến một số mặt hàng trên các nền tảng của họ tăng giá gấp đôi.
Mức độ tăng giá của các ngành hàng chính trên sàn Shein ở Mỹ. (Ảnh:Bloomberg)
Mặt khác, hiện giá của Top 100 sản phẩm bán chạy nhất ở ngành hàng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe trên sàn Shein đã tăng hơn gấp đôi so với trước ngày 15/4. Còn mức giá trung bình của các sản phẩm trong danh mục đồ chơi đã tăng 60%, đồ gia dụng và nhà bếp tăng 40% và quần áo nữ giới tăng 10%.
Còn theo CNBC, đúng là Temu và Shein đang gặp khó ở thị trường Mỹ nhưng với tài năng của mình, họ sẽ xoay sở được và sống sót cuối cùng. Họ sẽ chấp nhận cả việc kinh doanh với biên lợi nhuận rất mỏng. Việc Forever 21 chết là bởi họ yếu kém cùng chủ quan, chứ không phải lỗi hoàn toàn tại Shein.
“Nhiều nhà bán hàng của Temu và Shein có trụ sở tại Trung Quốc và các nước lân cận nhưng không phải là tất cả. Các DN Mỹ đã tham gia vào 2 nền tảng này ngày càng một nhiều hơn”, Scott Miller, CEO của pdPlus, nói với CNBC.
Theo ông, mặc dù Temu sẽ có biên lợi nhuận thấp hơn khi bán hàng ở các nhà kho địa phương cũng như hợp tác với các DN Mỹ, nhưng họ vẫn có thể sống được. Trong trường hợp Temu, nền tảng này đang cung cấp cho các đối tác bán hàng nội địa những hỗ trợ hấp dẫn hơn Amazon, ví dụ như ở khía cạnh phí sàn, xây dựng kênh bán hàng, marketing...
Cũng theo các chuyên gia, dạo gần đây, Temu đã nhập rất nhiều hàng Trung Quốc vào Mỹ và mặc dù chúng vẫn chịu thuế quan mới, song Temu vẫn được hưởng lợi bởi số lượng hàng lớn. Song điều này cũng khiến chủng loại hàng hóa trên các sàn Temu bớt đa dạng hơn.
Một nhà sản xuất của Shein ở Trung Quốc. (Ảnh: Shein)
Cũng theo CNBC, Shein vẫn đang cố gắng mở rộng chuỗi cung ứng của mình sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Brazil và được cho là có kế hoạch chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam (theo Tech in Asia).
Bất chấp việc 2 sàn này đã tăng giá, nhiều chuyên gia về TMĐT của Mỹ vẫn tin tưởng rằng: Temu và Shein sẽ tiếp tục chứng minh được khả năng cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ. Theo đó, Temu từng chia sẻ với CNBC rằng: "Giá cho người tiêu dùng ở Mỹ vẫn không thay đổi khi chúng tôi chuyển đổi dần sang mô hình ‘hoàn thiện đơn hàng tại địa phương’".
Weinswig đến từ Coresight làm rõ thêm: trước đây hai sàn này có thể cung cấp sản phẩm với giá bằng 1/3 trên Amazon cho các mặt hàng tương đương. Vì vậy, ngay cả khi họ tăng giá gấp đôi dưới tác dụng của nhiều thuế phí mới, thì nhiều mặt hàng của cả hai vẫn có thể rẻ hơn so với các đối thủ bản địa.
Hơn nữa, các loại thuế quan thương mại của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, cũng ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ cũng như DN đang hoạt động trong lĩnh vực TMĐT của Mỹ như Amazon.
Năm nay, CEO Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.543 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 182 tỷ đồng, đều tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2024.
Sáng 7/5 – TTC AgriS (Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Mã: SBT) đã chính thức đưa vào vận hành Tòa nhà AgriS - biểu tượng công trình xanh đạt Chứng nhận LEED Gold tuân thủ quy trình và chỉ tiêu nghiêm ngặt về năng lượng, môi trường.
8 tháng sau khi Starbucks trả mặt bằng, địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên đã tìm được khách mới, đó là Adoré - World Coffee, một thương hiệu cà phê Việt Nam.
Nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu tiêu dùng đang chuyển hướng sang châu Âu và các thị trường khác, thay vì tập trung vào Mỹ để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump