Vĩ Mô 14/05/2025 14:09

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khai đã nhận 250 triệu đồng 'tiền cảm ơn' từ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khai nhận trong 4 lần đi cấp chứng nhận GMB, cấp lại cho hai nhà máy và một lần hậu kiểm, cấp dưới Cao Văn Trung đã đưa ông tổng cộng 250 triệu đồng và nói là "doanh nghiệp cảm ơn".

Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty Mediusa cầm đầu, Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 5 cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để điều tra về hành vi "nhận hối lộ".

Các đối tượng gồm: Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viênTrung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm và Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc.

Cơ quan điều tra cho biết Nguyễn Năng Mạnh đã thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền "lobby" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để được bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho hai Nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 Công ty, gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar.

Việc này đã giúp Nguyễn Năng Mạnh và đồng phạm sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Theo bản tin thời sự 19h ngày 13/5 của VTV, các đối tượng đã chi gần 3,2 tỷ đồng cho nhiều lãnh đạo cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hậu kiểm và nhằm được tạo điều kiện trong việc xin cấp phép công bố sản phẩm cho nhóm 9 công ty sản xuất, mua bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe 

Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khai nhận mỗi lần cấp dưới Cao Văn Trung đi hậu kiểm về đều đưa ông một phong bì bên trong có 50 triệu đồng và nói là "doanh nghiệp cảm ơn".

“Trong 4 lần đi cấp chứng nhận GMB, cấp lại cho hai nhà máy và một lần hậu kiểm, anh Cao Văn Trung đã đưa tôi tổng cộng 250 triệu đồng”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, tại cơ quan điều tra. (Ảnh chụp màn hình).

Đối diện với lực lượng chức năng, ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, cũng đã thừa nhận sai phạm khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật còn đang lỏng lẻo, chưa rõ ràng để làm giảm tính khách quan của công tác hậu kiểm.

Ông Định Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm, cũng cho rằng việc hoàn toàn dựa vào tài liệu của doanh nghiệp cung cấp khi tiếp nhận hồ sơ công bố để cấp chứng nhận cho những công dụng của sản phẩm như doanh nghiệp đề xuất là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Trước đó, cuối tháng 4, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã ban hành lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng là Giám đốc, kế toán và thủ quỹ của các công ty sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" hoặc "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Các đối tượng gồm: Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA, trụ sở tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; Đỗ Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty MediPhar; Khúc Minh Vũ; Giám đốc Công ty Việt Đức; Phạm Thị Hường, kế toán phụ trách 4 công ty; Lê Thị Toan, thủ quỹ 6 công ty.

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh cùng đồng phạm đã thành lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.

Nhóm đối tượng đã sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán (một nội bộ, một để kê khai thuế) nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thoát cho Nhà nước.

Các sản phẩm của nhóm đối tượng này thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường, sau đó nhãn mác nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu. Nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố chỉ tiêu chất lượng. 

Cơ quan điều tra cho biết ngay khi phát hiện có dấu hiệu bị điều tra, các đối tượng đã tẩu tán, tiêu huỷ nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, khi khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, công an đã thu giữ nhiều thực phẩm chức năng với khối lượng khoảng 100 tấn.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 14/05/2025 21:00
'Nên chuyển nguyên trạng thành phố thuộc tỉnh thành đơn vị hành chính cấp cơ sở'

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung đề xuất chuyển nguyên trạng thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố sang đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Vĩ Mô 14/05/2025 20:55
Bắt chủ tịch xã ở Phú Thọ vì làm ngơ cho khai thác đất rừng trái phép

Công an tỉnh Phú Thọ xác định ông Văn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn đã buông lỏng công tác quản lý, làm ngơ, không có biện pháp ngăn chặn dẫn đến hoạt động khai thác đất san lấp trái phép tại khu Chiềng Nội, xã Thạch Khoán.

Vĩ Mô 14/05/2025 19:45
Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có thể được đầu tư theo phương thức PPP

Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Vĩ Mô 14/05/2025 19:42
Các địa phương có thể giữ 70-80% số thu tiền sử dụng, thuê đất

Các địa phương có thể chỉ giữ lại 70-80% khoản thu từ tiền sử dụng và cho thuê đất, số còn lại nộp ngân sách trung ương, theo dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO