24/10/2024 07:20

Nhiều ngân hàng có lợi nhuận giảm trong quý III

Lợi nhuận giảm ở các ngân hàng phần lớn do tăng trích lập dự phòng và tăng chi phí nhân viên trong quý. Trong khi đó, với các ngân hàng nhỏ do nhiều hoạt động kinh doanh giảm sút.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 8 ngân hàng công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh sơ bộ. Một nửa trong số đó có lợi nhuận quý III giảm so với so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, lợi nhuận của những nhà băng này đạt 2.245 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía các ngân hàng nguyên nhân lãi giảm chủ yếu là do các nhà băng tăng cường trích lập dự phòng, tăng chi cho nhân viên, tăng cường các chính sách đãi ngộ, gia tăng thu nhập và ghi nhận một số hoạt động kinh doanh giảm sút. 

 Danh sách những ngân hàng lợi nhuận sụt giảm trong quý III/2024 tính đến ngày 22/10. (Tiếp tục cập nhật)

Saigonbank là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về lợi nhuận trong quý III với mức giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. 

Lý giải về điều này, Saigonbank cho biết việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng và kéo theo lợi nhuận tụt 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.

Tương tự tại các ngân hàng còn lại, lợi nhuận trước thuế giảm trong quý này đa phần là do hoạt động ngoài lãi giảm mạnh, tác động không nhỏ đến tổng thu nhập hoạt động ngân hàng. 

Theo báo cáo, BaoVietBank ghi nhận lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động giảm mạnh trong quý, giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ ghi nhận sụt giảm mạnh từ 403 tỷ đồng xuống còn 151 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,5% và một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận ngân hàng.

Cùng diễn biến, phần lớn mảng thu nhập ngoài lãi tại KienlongBank trong quý III đều có sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, mặc dù tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý III của ngân hàng tăng 44,9% nhưng do chi phí hoạt động tăng gần 80% cùng với đẩy mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ (tăng 50,7%) nên lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 12% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng dù giảm lợi nhuận nhưng nhìn chung vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch. (Nguồn: Minh Nguyệt tổng hợp)

Ước tính riêng trong quý III, lợi nhuận của VIB đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26%, quý lãi ít nhất kể từ giữa năm 2021. Chi phí hoạt động của VIB trong 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ, đến từ các hoạt động đầu tư vào con người, mở mới chi nhánh, đầu tư công nghệ, ngân hàng số và marketing. 

Sau 9 tháng, VIB mới thực hiện được 54,79% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua (12.045 tỷ đồng). Trong khi đó, KienlongBank thực hiện 95% kế hoạch lợi nhuận năm 2024. 

Ngoài việc báo cáo lợi nhuận sụt giảm, các nhà băng trong danh sách này cũng ghi nhận số dư nợ xấu gia tăng trong quý III, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát dưới mức 3%.

Trước đó,kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2024 cho thấy tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.

Có gần 16% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024, cao hơn tỷ lệ 11% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Về tình hình thanh khoản, các TCTD cho rằng quý III vẫn duy trì trạng thái “tốt”, tiếp tục cải thiện so với quý trước. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV. 

Về chất lượng tài sản, các TCTD cho biết trong quý III, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống chưa được kỳ vọng “giảm nhẹ” mà có xu hướng “tăng nhẹ”. Tuy nhiên, xu hướng này có biểu hiện thu hẹp hơn so với quý II. Các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024. 

Minh Nguyệt