08/07/2025 15:08

NHNN đang xây dựng lộ trình để bỏ hoàn toàn 'room' tín dụng

Đại diện NHNN cho biết đến năm 2025 chỉ còn các ngân hàng trong nước là được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các khối khác đã dỡ bỏ hoàn toàn.

"Bỏ room tín dụng" là một trong những chủ đề nóng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Mới đây, trong công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này tại họp báo sáng 8/7 do NHNN tổ chức, ông Phạm Chí Quang -Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho hay việc điều hành bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) đã được diễn ra kể từ năm 2012, là thời điểm có nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng nóng, bình quân 35%/năm cá biệt có những năm tăng tới 54%.

"Tốc độ tăng lớn vượt khả năng kiểm soát của các TCTD nên trong giai đoạn này nhiều tổ chức rơi vào bờ vực phá sản, lãi suất trên thị trường tăng rất cao, rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Để xử lý những vấn đề đó, kiểm soát lạm phát, duy trì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, từ 2012 NHNN đã triển khai việc điều hành bằng room tăng tín dụng.", ông chia sẻ.

 Ông Phạm Chí Quang chia sẻ về lộ trình bỏ room tín dụng trong thời gian tới. (Ảnh: SBV).

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết liên quan đến vấn đề này, NHNN đã tổ chức rất nhiều hội nghị trong và ngoài ngành lấy ý kiến các chuyên gia và nhận thấy rằng vai trò của công cụ điều hành bằng hạn mức tín dụng đã có hỗ trợ rất tích cực với việc hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, đặc biệt kiểm soát được sự an toàn của hệ thống.

Tuy nhiên không có công cụ nào là vĩnh viễn. Ông cho hay thời gian qua NHNN nhận thức được đây là một giải pháp hành chính và cũng có những biện pháp và lộ trình để cải tiến phương pháp điều hành chính sách tiền tệ.

Cụ thể từ năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm. Đến 2025, NHNN dỡ bỏ giao chỉ tiêu cho các nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các định chế phi ngân hàng tại Viết Nam. Đến nay chỉ còn các ngân hàng trong nước là NHNN còn giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các khối khác đã dỡ bỏ hoàn toàn.

Theo ông, đây cũng là lộ trình để bỏ room tín dụng hoàn toàn trong thời gian tới.

Tuy vậy, đại diện NHNN cho rằng khi những hệ luỵ của quá khứ vẫn còn tồn tại, những khó khăn của TCTD vẫn còn tồn tại, nên để đảm bảo có giải pháp xử lý tổng thể, toàn vẹn, hài hoà, NHNN cần có chính sách phù hợp với đặc thù của Việt Nam để đảm bảo vừa tăng tính tự chủ của các TCTD vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Do đó, để thực hiện mục tiêu này, các tổ chức quốc tế như IMF cũng đã đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam rằng nếu bỏ room thì NHNN cần có tính chủ động rất cao trong các quyết sách điều hành lãi suất. Bởi vì khi bỏ room tín dụng thì chắc chắn dư nợ tín dụng nhiều tổ chức sẽ tăng cao, lãi suất cũng sẽ tăng cao.

"Để thực hiện chỉ đạo trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu tác động chính sách rất kỹ lưỡng để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình dỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới.", ông Quang chia sẻ.

Diệp Bình
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO