Người Mỹ đang khó tìm kiếm việc làm hơn trước. (Ảnh minh họa: MarketWatch).
Thoạt nhìn, báo cáo việc làm tháng 6 do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất mạnh mẽ. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục, các chủ lao động tạo ra thêm hàng trăm nghìn việc làm và tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát.
Tuy nhiên, khi xem xét dữ liệu kỹ hơn, tờ CNN thấy rằng bức tranh kinh tế không thực sự hoàn hảo và các chính sách của Tổng thống Donald Trump là yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất.
Trong tháng vừa qua, nền kinh tế số một thế giới đã tạo thêm 147.000 việc làm, vượt xa mức dự báo 117.500. Mức tăng này tập trung trong những ngành vốn ổn định như chính quyền bang và địa phương, giáo dục, y tế, giải trí và khách sạn.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 2 và trái ngược với dự báo tăng nhẹ lên 4,3%.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tổng thể, báo cáo việc làm tháng 6 hé lộ những mảng tối trong bức tranh kinh tế.
Điều đáng chú ý đầu tiên là người Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Thời gian thất nghiệp trung bình tăng từ 21,8 tuần lên 23 tuần. Tỷ lệ người lao động không có việc làm từ 27 tuần trở lên tăng đến 23,3%, tiến gần đến mức cao nhất trong ba năm.
Thuế quan của Tổng thống Trump - và tính thất thường của chúng - khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn các quyết định hoặc khoản chi lớn, bao gồm tuyển dụng nhân viên.
Tiếp theo là việc làm trong ngành sản xuất sụt giảm. Trong tháng 6, ngành sản xuất của Mỹ mất 7.000 việc làm, tiếp nối xu hướng bắt đầu từ tháng liền trước. Trong khi đó, một trong những mục tiêu kinh tế chính của ông Trump là gia tăng việc làm trong các nhà máy.
Cùng với sản xuất, những ngành khác cũng chứng kiến việc làm sụt giảm, bao gồm khai thác gỗ và tài nguyên, bán buôn, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh.
Nhìn chung, tuy tổng số việc làm trong tháng 6 tăng mạnh, mức tăng không diễn ra đồng đều. Những ngành ghi nhận mức tăng mạnh nhất là những ngành ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan.
Những người có việc làm thì lại đang làm việc ít hơn. Trong tháng 6, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người Mỹ giảm 0,1 giờ xuống 34,2 giờ. Chuyên gia Dean Baker thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế nhận xét đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu dành cho lao động đang suy yếu.
Tiền lương tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Thu nhập trung bình theo giờ trong tháng 6 nhích lên 0,2% so với tháng 5. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tiền lương tăng thêm 3,7%.
Một điều đáng lưu ý khác là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm nhưng quy mô của lực lượng lao động cũng thu hẹp lại.
Theo tờ CNN, nguyên nhân chủ yếu là Mỹ mất hơn một triệu người lao động được sinh ra ở nước ngoài trong quý II. Điều này giúp cho tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giữ nguyên hoặc không đổi dù số người mất việc đi lên.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã nỗ lực trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, họ lại là lực lượng lao động cần thiết trong những lĩnh vực như nông nghiệp hay xây dựng.
Hiện tại, thị trường lao động Mỹ vẫn thể hiện sức mạnh vượt trội so với kỳ vọng của giới chuyên gia. Nhưng trong bối cảnh hạn chót đàm phán thuế quan đối ứng 9/7 đến gần, bầu không khí bất định vẫn đang bao trùm lên các doanh nghiệp và người lao động.
Các cuộc đình công tại châu Âu đang gây rối loạn hoạt động hàng không tại khu vực này khiến nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc hủy vào đúng mùa cao điểm du lịch.
Một thoả thuận thương mại toàn diện giữa Ấn Độ và Mỹ có thể thúc đẩy đáng kể lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất của quốc gia Nam Á.
Chính sách tiền tệ hiện là rào cản lớn nhất đối với đồng yen, sau khi BoJ ra tín hiệu không vội tăng lãi suất thêm trong năm nay, sau lần tăng hồi tháng 1/2025.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều căng thẳng, quy tắc xuất xứ đang trở thành khái niệm được nhiều người chú ý đến. Từ mức thuế ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do cho đến biện pháp phòng vệ như chống bán phá giá, xuất xứ là yếu tố quyết định liệu hàng hóa sẽ được hưởng ưu đãi hay phải chịu thêm gánh nặng thuế quan.