Kinh doanh & Thị trường 07/07/2025 15:34

Ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Thị trường nội địa Trung Quốc đang xuất hiện cuộc khủng hoàng thừa trong ngành ô tô, buộc các hãng xe phải tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngày 4/7 vừa qua, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự xuất hiện của một mẫu xe điện BYD mới từ Trung Quốc. Đây là một phần trong làn sóng ra mắt sản phẩm ngày càng dồn dập, diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa cung và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường toàn cầu.

Làn sóng này thể hiện rõ qua số lượng xe ra mắt. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, đã có 6 mẫu xe từ các hãng Trung Quốc như BYD, Jaecoo, MG, Geely, Haval được giới thiệu tại Việt Nam.

Nửa cuối năm dự kiến sẽ có thêm sự xuất hiện của Omoda C7, Lynk & Co 08 và một loạt xe điện từ TMT Motors. Các thương hiệu như Wuling, Chery, GAC AION, Haima cũng đã tung ra nhiều sản phẩm trong hai năm qua.

Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng mẫu mã lại đi cùng một thực tế kinh doanh được mô tả là “èo uột”. Hầu hết các hãng xe Trung Quốc đến nay đều có doanh số bán thấp, thậm chí đã có trường hợp phải rút lui khỏi thị trường.

 Màn ra mắt xe mới của BYD cuối tuần trước (4/7). (Ảnh: BYD cung cấp).

Khủng hoảng thừa cung

Nguyên nhân sâu xa của làn sóng này đến từ áp lực tại chính thị trường nội địa Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại nước này, lượng xe du lịch tồn kho tính đến tháng 4/2025 đã lên đến 3,5 triệu chiếc, một con số kỷ lục. 

Các nhà máy tại Trung Quốc có thể sản xuất tới 40 triệu ô tô mỗi năm, nhưng hiện tại chỉ khoảng một nửa công suất này được sử dụng trên thực tế.

Tình trạng này đã buộc các nhà sản xuất phải hành động. BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã phải cắt giảm sản xuất, bỏ ca đêm và giảm 1/3 sản lượng ở một số nhà máy. Hãng Geely cũng đã quyết định dừng xây dựng nhà máy mới. 

Áp lực tồn kho nghiêm trọng đến mức các đại lý ô tô Trung Quốc đã phải phát đi cảnh báo về việc bị ép doanh số phi thực tế và yêu cầu các nhà sản xuất giảm sản lượng.

Khủng hoảng thừa đã châm ngòi cho một “cuộc chiến” giá khốc liệt. Từ đầu năm 2025, 100 mẫu ô tô điện đã lao vào cuộc đua giảm giá. Điều này khiến biên lợi nhuận giảm thấp, nhiều hãng xe thua lỗ và buộc phải chuyển dịch tầm nhìn ra thị trường quốc tế, nơi họ có thể bán xe với biên lợi nhuận cao hơn.

Xuất khẩu bằng mọi cách

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giờ đây tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho. Ngoài xe mới, một số hãng còn “hô biến” xe mới thành xe cũ để xuất khẩu. Những chiếc xe này được mang đi đăng ký tại Trung Quốc để trở thành xe đã qua sử dụng, dù thực chất chưa hề lăn bánh, sau đó được xuất khẩu để nhận hỗ trợ từ nhà nước.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng tăng nhanh, từ 275.000 xe năm 2023 lên 436.000 xe năm 2024, tăng 58,5%.

Các thị trường mục tiêu bao gồm châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Tại Brazil, xe điện và hybrid giá rẻ từ Trung Quốc đang đổ bộ nhờ mức thuế nhập khẩu thấp (10%), làm dấy lên lo ngại về việc làm suy yếu ngành sản xuất ô tô nội địa.

Tại Đông Nam Á, một số thương hiệu Trung Quốc đã có doanh số vượt qua các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc lâu đời.

Tại Việt Nam, cuộc đổ bộ này không chỉ mang đến nhiều lựa chọn hơn mà còn đi kèm với những màn trình diễn công nghệ. Trong một sự kiện gần đây, các thương hiệu cao cấp thuộc hệ sinh thái của một nhà sản xuất Trung Quốc đã trình diễn những mẫu xe đặc biệt. 

Cụ thể là mẫu SUV Yangwang U8 với khả năng xoay vòng 360 độ tại chỗ và mẫu xe thể thao Denza Z9 GT có khả năng đánh lái chủ động cả 4 bánh. Điều này cho thấy các hãng không chỉ đưa xe phổ thông, mà còn giới thiệu các công nghệ cao cấp để xây dựng hình ảnh.

Hay BYD sau một năm ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 7/2024, đã giới thiệu tới 7 mẫu xe và xây dựng hệ thống hơn 30 showroom trên cả nước.

Đi cùng với đó là một “cuộc chiến” giá đã manh nha. Hàng loạt mẫu xe Trung Quốc vừa mở bán đã vội vàng giảm giá hàng chục triệu đồng. Điển hình là hãng MG, với các mẫu xe đã giảm giá nhiều lần, cộng dồn sau hơn một năm có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Thực tế này gây ra hai hệ quả trực tiếp cho người tiêu dùng và nhà đầu tư. Thứ nhất, thiệt hại cho người mua sớm. Những khách hàng mua xe khi giá còn cao phải chịu thiệt hại tài chính, dẫn đến mất lòng tin về thương hiệu.

Thứ hai là mất giá nhanh. Giá xe mới giảm liên tục khiến giá trị xe đã qua sử dụng trên thị trường thứ cấp sụt giảm, làm người bán lại xe chịu thêm một lần thiệt hại nữa.

Các chuyên gia cảnh báo, những mẫu xe vừa ra mắt đã giảm giá có thể sẽ tiếp tục giảm thêm nếu không bán được hàng. Do đó, khi mua ô tô Trung Quốc, khách hàng cần cẩn thận và xem xét các cam kết về giá từ nhà phân phối.

Có thể thấy, “cuộc chiến” giá đang ở mức tồi tệ nhất tại Trung Quốc và hậu quả của nó bắt đầu được cảm nhận trên toàn thế giới. Ô tô giá rẻ của Trung Quốc chưa hẳn đã mang lại những điều tốt đẹp, và các nhà đầu tư cùng đơn vị kinh doanh tại Việt Nam cần có một cái nhìn thận trọng trước khi đưa ra quyết định.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 07/07/2025 19:37
Bảng giá đất mới: Cần kiểm soát để tránh gây 'sốc' cho thị trường

Khi các địa phương triển khai xây dựng bảng giá đất mới, giá đất sẽ biến động với biên độ lớn tùy từng vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà ở và thị trường bất động sản nói chung.

Kinh doanh & Thị trường 07/07/2025 16:43
Honda giảm đầu tư vào xe điện

Nhiều hãng xe khác cũng đang đánh giá lại chiến lược xe điện của mình.

Kinh doanh & Thị trường 07/07/2025 16:05
Chiến lược đằng sau mỗi tấm vé concert

Không còn là những ưu đãi giảm giá quen thuộc, các thương hiệu F&B đang viết lại luật chơi bằng cách đổ tiền vào đại nhạc hội. Đây không phải là một trào lưu giải trí đơn thuần, mà là một cuộc dịch chuyển chiến lược sang “kinh tế trải nghiệm”.

Kinh doanh & Thị trường 07/07/2025 14:56
Kinh Bắc được duyệt thêm khu công nghiệp 675 ha ở Thái Nguyên

Kinh Bắc liên tục mở rộng quỹ đất công nghiệp kể từ đầu quý II. Gần đây nhất, doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp 148 ha ở Hải Dương và khu công nghiệp 675 ha ở Thái Nguyên.