Quả thực, cuộc đua tổng thống giữa hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đã ngã ngũ với chiến thắng thuộc về chính trị gia 78 tuổi. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa phải là Tổng thống Mỹ đời thứ 47.
Theo luật định, sau khi giành đủ từ 270 phiếu bầu đại cử tri, ông Trump chỉ mới trở thành Tổng thống đắc cử. Ông cần phải trải qua một vài quy trình mang tính thủ tục trước khi chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Vào ngày 17/12 tới, đại cử tri đoàn trên toàn quốc sẽ bỏ phiếu bầu cho ông Trump. Sau đó, đến ngày 6/1/2025, Chủ tịch Thượng viện (bà Harris) sẽ chủ trì cuộc họp kiểm phiếu đại cử tri và thông báo kết quả.
Và mãi đến ngày 20/1/2025, ông Trump mới nhậm chức, chính thức tiếp quản chính phủ từ người tiền nhiệm Joe Biden.
Một số người nghĩ tổng thống Mỹ là nhân vật quyền lực nhất thế giới nên các đề cử nội các của ông Trump sẽ được phê duyệt mà không gặp phải trở ngại nào.
Có lẽ vì vậy nên khi ông Trump tuyên bố lập thêm Bộ Hiệu quả Chính phủ và bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo cơ quan mới, một số nền tảng truyền thông Việt Nam đã nhanh chóng gọi CEO Tesla là “Bộ trưởng”.
Tuy nhiên, quá trình phê duyệt đề cử nội các diễn ra phức tạp hơn rất nhiều và siêu cường số một thế giới vẫn chưa có một vị bộ trưởng nào tên là Elon Musk.
Bài viết này được thực hiện nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn quy trình phê duyệt nội các tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ lãnh đạo chính phủ liên bang với sự giúp đỡ của một nhóm cố vấn thân cận và người đứng đầu các cơ quan liên bang như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Lầu Năm Góc,.... Các cá nhân này được gọi là thành viên nội các.
Một số thành viên nội các, như phó tổng thống và chánh văn phòng Nhà Trắng, không cần sự chấp thuận của Thượng viện. Song, hầu hết đều cần phải được Thượng viện tán thành.
Một số vai trò như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc hay Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) từng thuộc cấp nội các trong chính quyền của một vài tổng thống nhưng không phải tất cả.
Nội các hiện tại của đương kim Tổng thống Joe Biden có 26 thành viên.
Trên thực tế, tổng thống Mỹ có thể là người quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ lại có những quy định để hạn chế quyền lực của cả ba nhánh chính phủ gồm tổng thống (hành pháp), quốc hội (lập pháp) và toà án liên bang (tư pháp).
Trong trường hợp bổ nhiệm các vị trí hàng đầu trong nhánh hành pháp và tư pháp, Hiến pháp Mỹ phân chia trách nhiệm cho tổng thống và Thượng viện.
Điều II, Mục 2 trao quyền cho tổng thống đề cử thành viên nội các - “bằng và với sự tư vấn cũng như đồng thuận của Thượng viện”.
Đầu tiên, Nhà Trắng sẽ chọn ứng viên tiềm năng và gửi đề cử chính thức tới Thượng viện.
Tiếp theo, Thượng viện quyết định có xác nhận đề cử hay không.
Cuối cùng, tổng thống trao quyết định cho đề cử đã được Thượng viện thông qua. Người này sẽ tuyên thệ nhậm chức và nắm quyền thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan tương ứng.
Ứng viên cho nội các hoặc các vị trí cấp cao sẽ phải điền nhiều tờ khai khác nhau, chẳng hạn như bảng câu hỏi về an ninh quốc gia hoặc báo cáo công khai tình hình tài chính cá nhân.
Văn phòng Đạo đức Chính phủ sẽ hướng dẫn ứng viên hoàn thành thủ tục giấy tờ và xem xét báo cáo tài chính. Nếu phát hiện xung đột lợi ích, cơ quan này sẽ hỗ trợ ứng viên.
Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra lý lịch ứng viên và nộp một báo cáo riêng.
Dù các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã thúc đẩy một số thay đổi vào năm 2013, khoảng thời gian cần thiết để phê duyệt các đề cử nội các vẫn lâu hơn trước đây.
Khi ông George H. W. Bush (Bush cha) nhậm chức vào tháng 1/1989, Thượng viện đã xác nhận 7 trong tổng cộng 15 đề cử của vị tổng thống này, theo tổ chức phi lợi nhuận Partnership for Public Service.
Khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016, 2 trong số 26 đề cử đã được phê duyệt. Khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021, các thượng nghị sĩ chỉ mới xác nhận 1 trong 36 đề cử.
Lần duy nhất một ứng viên nội các của một tổng thống mới bị Thượng viện bác bỏ là vào năm 1989, khi ông Bush cha lựa chọn cựu thượng nghị sĩ John Tower làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông Tower mất điểm vì những bê bối xoay quanh chứng nghiện rượu và hành vi quấy rối tình dục, theo cuộc điều tra của FBI.
Quay trở lại thời điểm hiện tại, một số đề cử của ông Trump cũng đang đối mặt với áp lực tương tự. Hạ nghị sĩ Matt Gaetz, đề cử cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp, từng là đối tượng của một cuộc điều tra liên bang về tội buôn bán tình dục.
Các đồng nghiệp cũ tại Hạ viện từng tiết lộ ông Gaetz đã khoe khoang về việc quan hệ tình dục với một cô gái vị thành niên.
Ông Gaetz đã nhiều lần phủ nhận có hành vi sai trái và khẳng định bản thân vô tội. Song, các hồ sơ của FBI, vốn chưa bao giờ được công bố, có thể sẽ được tiết lộ tại phiên điều trần xác nhận đề cử Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đã rất lâu kể từ lần cuối cùng Thượng viện bác bỏ đề cử nội các của một tổng thống. Tuy nhiên, đề cử lần này của ông Trump có thể sẽ thách thức chuỗi thành tích đó.
Một rủi ro khác là ông Robert F. Kennedy Jr., lựa chọn của ông Trump cho chức Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Ông Kennedy là một trong những nhà thuyết âm mưu chống vắc xin nổi tiếng nhất trong nhiều năm qua. Ông thường xuyên truyền bá các thuyết âm mưu được cho là sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Bên cạnh đó, ông Kennedy còn có tiền sử sử dụng ma tuý, dù điều này hiếm khi được đề cập trong những năm gần đây.
Thay vì chấp nhận bẽ mặt tại Thượng viện, các ứng viên nội các trong quá khứ thường chủ động rút lui khi cơ hội được phê chuẩn của họ trở nên mong manh.
Mọi tổng thống kể từ thời ông Bill Clinton đều rút lại ít nhất một đề cử nội các ban đầu. Chẳng hạn, đề cử ban đầu cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp của ông Clinton là bà Joe Baird đã rút lui sau khi thừa nhận bà đã thuê những người nhập cư trái phép để trông con mình.
Trong một số trường hợp, tổng thống có thể tạm thời lấp đầy các vị trí khuyết trong nội các. Chẳng hạn, tổng thống có thể bổ nhiệm nội các trong thời gian Thượng viện ngừng họp và ông Trump từng nói ông muốn sử dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm sẽ hết hạn vào cuối phiên họp tiếp theo của Thượng viện. Và không phải chủ nhân Nhà Trắng nào cũng đều dùng đến biện pháp đó.
Các tổng thống như Ronald Reagan, Bill Clinton và Bush cha đều từng bổ nhiệm nhân sự trong thời gian Thượng nghỉ tạm nghỉ, nhưng chủ yếu là cho các vị trí dưới cấp nội các.
Theo Văn phòng Lịch sử Thượng viện, kể từ năm 1900 chỉ có ba bộ trưởng được bộ nhiệm trong thời gian Thượng viện nghỉ ngơi. Người gần đây nhất là ông Mickey Kantor, Bộ trưởng Bộ Thương mại dưới thời ông Clinton.
Có một điều khoản khác trong Hiến pháp Mỹ mà một số đồng minh của ông Trump đang cân nhắc, theo CNN.
Hạ viện và Thượng viện đều có quyền hoãn phiên họp (adjourn), nhưng nếu thời gian hoãn họp kéo dài hơn ba ngày, Hạ viện sẽ cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện hoặc ngược lại.
Nếu hai bên không thể nhất trí, Hiến pháp quy định như sau về vai trò của tổng thống: “... trong những trường hợp bất thường, tổng thống có thể triệu tập cả hai viện hoặc một trong hai viện, và trong trường hợp có bất đồng giữa hai viện, liên quan đến thời gian hoãn phiên họp, tổng thống có thể trì hoãn đến thời gian mà ông cho là phù hợp...”
Vì vậy, nếu các đảng viên Cộng hoà tại Thượng viện không muốn từ bỏ quyền lực, về mặt kỹ thuật Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có thể kêu gọi Hạ viện thông qua một nghị quyết hoãn phiên họp mà Thượng viện không dĩ nhiên sẽ đồng ý.
Sau đó, ông Trump có thể hoãn phiên họp tại Thượng viện trong 10 ngày để bổ nhiệm thành viên nội các.
Trong lịch sử, chưa tổng thống nào tận dụng lỗ hổng này. Văn phòng Lịch sử Thượng viện cho biết họ chưa bao giờ ghi nhận một cuộc thảo luận nghiêm túc liên quan điều khoản này kể từ những năm 1930.
Theo chuyên gia, nếu tân Tổng thống Donald Trump loại bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD, nhu cầu xe điện ở Mỹ có thể giảm tới 27% trong tương lai.
Một số nguyên thủ quốc gia đã nhân hội nghị thượng đỉnh G20 để gửi thông điệp tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đặc biệt là về vấn đề thương mại.
Ông Trump coi thị trường chứng khoán là thước đo thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu thị trường phản ứng dữ dội với các chính sách có nguy cơ gây lạm phát, ông Trump có thể sẽ chùn bước hoặc từ bỏ những kế hoạch đó.
Nhiệm vụ khống chế lạm phát của Fed có thể sẽ sớm gặp phải một số trở ngại và theo Charles Schwab, có một số dấu hiệu mà giới đầu tư nên chú ý để xác định xem giá cả có tăng trở lại hay không.