Tổng thống Donald Trump cho biết ông có kế hoạch áp thuế quan lên tới 25% đối với Mexico và Canada vào ngày 1/2. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh hai nước láng giềng đang cho phép người di cư bất hợp pháp và ma tuý đi vào Mỹ.
“Chúng tôi đang cân nhắc mức thuế 25% đối với Mexico và Canada vì họ đang cho phép một lượng lớn người nhập cư vào Mỹ”, ông Trump trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào đêm 20/1. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ hành động vào ngày 1/2”.
Mexico và Canada là hai nhà cung ứng quan trọng của Mỹ về năng lượng và ô tô. Kế hoạch áp thuế của ông Trump có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại giữa ba nước tham gia Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Hiệp định USMCA được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của nhà lãnh đạo 78 tuổi và kiểm soát dòng chảy của 1.800 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ giữa ba nước, theo dữ liệu năm 2022.
Cả Canada và Mexico đều tuyên bố sẽ trả đũa hàng hoá Mỹ nếu ông Trump áp thuế quan lên sản phẩm của hai nước. Thoả thuận USMCA sẽ được đánh giá lại vào năm 2026, theo Bloomberg.
“Canada là kẻ lạm dụng tồi tệ”, ông Trump chia sẻ, phàn nàn về lượng fentanyl (một chất ma tuý nguy hiểm) và dòng người di cư qua biên giới phía bắc của Mỹ.
Đồng USD bật tăng so với hầu hết các đồng tiền lớn sau phát biểu của tân Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, đồng đô la Canada và peso Mexico giảm hơn 1% so với đồng bạc xanh.
Trong một lưu ý vào tháng 11, các nhà phân tích của Bernstein cảnh báo đề xuất thuế quan của ông Trump sẽ gây ra “thảm hoạ” cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ và “thủ phủ ô tô” Detroit vì họ đang nhập khẩu lượng lớn xe từ Canada và Mexico.
Bernstein cho biết vào thời điểm đó rằng Stellantis nhập khẩu khoảng 40% lượng xe mà hãng này bán tại Mỹ từ hai nước láng giềng, trong khi tỷ lệ tương ứng của General Motors và Ford Motor là khoảng 30% và 25%.
Một phân tích khác của Wolfe Research lưu ý đề xuất thuế quan sẽ ảnh hưởng đến khoảng 97 tỷ USD phụ tùng ô tô và 4 triệu xe hoàn chỉnh nhập khẩu từ Canada và Mexico vào Mỹ. Và giá xe hơi mới tại siêu cường số một thế giới có thể tăng trung bình khoảng 3.000 USD.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, Tổng thống Trump tiết lộ ông vẫn đang cân nhắc áp thuế quan phổ quát đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Song, chủ nhân Nhà Trắng cho biết ông “chưa sẵn sàng cho điều đó”.
“Tôi sẽ áp thuế quan phổ quát đối với bất kỳ ai kinh doanh tại Mỹ vì họ đến đây và đánh cắp tài sản của chúng tôi”, ông cho hay. Vị tổng thống nói thêm rằng việc thực hiện thuế quan có thể diễn ra “nhanh chóng”.
Trong bài đăng ngày 25/11 trên nền tảng Truth Social, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế quan 25% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu từ Mexico và Canada, là “một trong nhiều sắc lệnh hành pháp đầu tiên” của ông khi nhậm chức.
Lời đe doạ đó đã gây hỗn loạn tại hai nước láng giềng. Chính phủ Mexico và Canada phải cố chứng minh với ông chủ Nhà Trắng rằng hai nước đều đang giải quyết những lo ngại của ông.
Trong vòng vài ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau (người vừa tuyên bố từ chức không lâu) đã bay đến Florida để gặp ông Trump. Nhà lãnh đạo Canada nhấn mạnh lượng người vượt biên từ Canada vào Mỹ rất nhỏ và Canada cũng đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để ngăn nạn buôn lậu ma tuý.
Chính quyền Ottawa cũng lập danh sách ban đầu gồm khoảng 150 tỷ đô la Canada (tương đương 105 tỷ USD) hàng hoá do Mỹ sản xuất mà họ dự định sẽ áp thuế quan trả đũa.
Sang tháng 12, chính phủ của ông Trudeau đệ trình một kế hoạch mới, trong đó dự kiến chi khoảng 1 tỷ USD cho các biện pháp bổ sung như thêm trực thăng và máy bay không người lái gần biên giới với Mỹ.
Mexico cũng tìm cách tránh bị áp thuế quan bằng các động thái xoa dịu ông Trump như giảm lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thực hiện một vụ thu giữ fentanyl kỷ lục.
Chính phủ của Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết thuế quan có thể ảnh hưởng đến 800 tỷ USD thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Mexico. Bà cảnh báo thuế quan còn có khả năng kéo lạm phát tại Mỹ đi lên.
Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã sa thải 4 quan chức cấp cao trong chính quyền tiền nhiệm, đồng thời cảnh báo hàng nghìn nhân sự khác cũng sẽ trong diện này.
Chính sách thương mại, năng lượng và nhập cư là những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thượng nghị sĩ Marco Rubio là quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Donald Trump được phê chuẩn.