Tổng thống Mỹ Donald Trump làm việc tại Nhà Trắng. (Ảnh: Nhà Trắng).
Vào ngày 12/7, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế quan 30% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, bắt đầu từ ngày 1/8.
Theo CNBC, ông Trump tiết lộ mức thuế mới trong hai lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum. Hai lá thư được ông Trump đăng tải trên mạng xã hội Truth Social.
“Mexico đã giúp tôi bảo vệ biên giới, nhưng những gì Mexico đã làm là chưa đủ”, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh trong lá thư gửi bà Sheinbaum.
Trong lá thư gửi bà von der Leyen, ông Trump cho biết Washington sẽ không áp thuế hàng hoá EU nếu khối kinh tế chung “hoặc các công ty trong EU quyết định xây dựng [nhà máy] hoặc sản xuất sản phẩm tại Mỹ”.
Ông Trump cảnh báo nếu EU hoặc Mexico trả đũa bằng cách tăng thuế quan lên hàng hoá Mỹ, “thì bất kể các bạn tăng bao nhiêu, Mỹ sẽ cộng dồn mức thuế tương ứng vào thuế suất 30% mà chúng tôi đang áp dụng”.
EU đang tìm kiếm một thoả thuận sơ bộ để tránh nhận thư từ ông Trump. Tuy nhiên, họ vẫn nhận được một lá thư nêu mức thuế mới dù hai bên gần đây báo hiệu có tiến triển trong các cuộc đàm phán, sau khi ông Trump rút lại lời đe doạ áp thuế 50% lên khối này.
“Áp đặt mức thuế 30% lên hàng hoá EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bờ Đại Tây Dương”, bà von der Leyen cảnh báo trong một tuyên bố.
Theo CNBC, nhà lãnh đạo châu Âu lưu ý EU vẫn “sẵn sàng tiếp tục nỗ lực nhằm hướng tới một thoả thuận trước ngày 1/8”.
“Cùng lúc, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm việc áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng khi cần”, bà cũng nhấn mạnh trong tuyên bố.
Xuất khẩu hàng hoá từ EU sang Mỹ hiện cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, vào năm 2022, tổng kim ngạch hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu từ EU đã vượt quá 533 tỷ USD.
Trong tuần này, ông Trump cũng gửi những lá thư tương tự đến 23 đối tác thương mại khác, bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil. Trong thư, ông áp đặt mức thuế đối ứng trong khoảng từ 20 đến 50%.
Ở diễn biến khác, vị tổng thống còn phát tín hiệu sẽ tăng thuế đối ứng tối thiểu từ 10% lên 15% hoặc 20%.
“Tất cả các quốc gia còn lại đều sẽ trả thuế quan, dù là 20% hay 15%. Chúng tôi sẽ xác định con số chính xác bây giờ”, ông Trump chia sẻ qua điện thoại với đài NBC News hôm 10/7.
Vào ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố chính sách thuế đối ứng mà ông ấp ủ từ lâu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá cũng như khôi phục ngành sản xuất của Mỹ.
Theo đó, ông Trump áp mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn.
Đến ngày 9/4, ông thông báo tạm hoãn các mức thuế cao hơn trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các nước đàm phán. Trong thời gian này, hàng hoá của gần 60 đối tác thương mại lớn sẽ chịu mức thuế 10%. Sau đó, đến ngày 7/7, ông ký một sắc lệnh dời hạn chót sang ngày 1/8.
Sau các vòng đàm phán, giới chức Mỹ đã đạt thoả thuận thương mại với Anh và đồng ý đình chiến thương mại với Trung Quốc.
Tài sản ròng của CEO Nvidia Jensen Huang đang bám đuổi sát nút với huyền thoại đầu tư Warren Buffett trên các bảng xếp hạng.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần với kết quả tiêu cực khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới lên Canada và đe dọa nâng thuế đối ứng tối thiểu lên 15 - 20%.
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết vào ngày 10/7, tổng nợ công tính đến tháng 5 là 1.217.800 tỷ won, tăng 19.900 tỷ won so với tháng 4 và 61.700 tỷ won so với tháng 1.
Việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một lựa chọn khả thi với nhiều công ty Mỹ, bất chấp mức thuế nhập khẩu cao.