Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 11/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 279 điểm, tương đương 0,63% và đóng cửa ở mức 44.372 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,33%, chốt phiên với 6.260 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,22%, kết thúc ở mức 20.586 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm. Dow Jones mất 1%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt đi xuống 0,3% và 0,1%.
Sau khi thị trường đóng cửa hôm 10/7, Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn fentanyl là lý do để tăng thuế lên 35% đối với hàng hóa từ Canada. Đồng thời, ông cảnh báo mức thuế này sẽ còn tăng thêm nếu Canada có động thái trả đũa.
“Nếu Canada hợp tác với tôi để ngăn chặn dòng chảy fentanyl, có lẽ chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh bức thư này”, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social. Sau đó, Tổng thống Mỹ nói với NBC News rằng ông đang lên kế hoạch áp thuế đối ứng tối thiểu từ 15 - 20% với các quốc gia còn lại, cao hơn so với 10% hiện tại.
“Tôi nghĩ rằng thuế quan đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Thị trường chứng khoán đã đạt đỉnh mới hôm nay”, Tổng thống Trump trả lời NBC News hôm 10/7.
S&P 500 đã chạm đỉnh mới trong tuần qua.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều lập kỷ lục mới trong phiên 10/7 khi nhà đầu tư gạt bỏ mối lo ngại xung quanh diễn biến thương mại mới nhất, bao gồm việc Mỹ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu và 50% với hàng hóa của Brazil.
Đến ngày 11/7, các nhà giao dịch đã chờ đợi thông tin cập nhật từ ông Trump về thuế quan lên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, không có thông tin nào được công bố trong giờ giao dịch. Không rõ liệu Tổng thống Mỹ sẽ gửi thư và ấn định mức thuế mới như cách đã làm với Canada và hơn 20 quốc gia khác, hay chỉ đơn giản là cập nhật tiến độ các cuộc đàm phán đang diễn ra.
“Những lời lẽ gay gắt về thương mại không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong tuần qua. Các nhà đầu tư có thể vượt qua lo ngại ở một mức độ nào đó, nhưng việc một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ bị gạt ra chỉ sau một đêm khiến thị trường phải chú ý”, ông Art Hogan, chiến lược gia thị trường trưởng tại B. Riley Wealth Management, cho biết.
Đồng quan điểm, các nhà phân tích của Barclays cho rằng tin tức về thuế quan trong tuần này đã gây thiệt hại tương đối nhẹ với thị trường chứng khoán, nếu so sánh với những đợt bán tháo hồi tháng 4 khi Tổng thống Trump lần đầu công bố thuế đối ứng.
“Thay vào đó, cổ phiếu tiếp tục tăng nóng, chỉ số biến động VIX giảm và giá vàng đi xuống. Như vậy, thị trường đang dần trở nên ít nhạy cảm hơn với các mối đe dọa thuế quan và không còn mặc định rằng các mức thuế cao sẽ được áp dụng”, Barclays nhận định.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng cảnh báo rằng diễn biến tích cực trên không đồng nghĩa với việc thị trường cổ phiếu đã hoàn toàn vững vàng do những rủi ro từ lạm phát, tăng trưởng và diễn biến về thương mại.
Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo tài chính quý II cũng như một số dữ liệu lạm phát quan trọng.
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết vào ngày 10/7, tổng nợ công tính đến tháng 5 là 1.217.800 tỷ won, tăng 19.900 tỷ won so với tháng 4 và 61.700 tỷ won so với tháng 1.
Việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một lựa chọn khả thi với nhiều công ty Mỹ, bất chấp mức thuế nhập khẩu cao.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng CEO Jamie Dimon của JPMorgan cảnh báo nhiều khả năng điều ngược lại sẽ xảy ra.
Mức thuế đối ứng tối thiểu mà ông Trump ấn định vào đầu tháng 4 là 10%. Vị tổng thống mới đây cho biết ông có ý định tăng thuế lên cao hơn.