Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý của PGBank trong hành trình tái cấu trúc và định hình vị thế trên thị trường tài chính. Giữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động, ngân hàng đã chủ động điều chỉnh chiến lược, nâng cao năng lực vận hành, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối với khách hàng để giữ vững đà tăng trưởng với nhiều con số biết nói.
Ban chủ tọa Đại hội. (Ảnh: PGBank).
Kết thúc năm 2024, tổng tài sản ngân hàng đạt 115% kế hoạch (tăng trưởng 32% so với năm 2023); dư nợ đạt 103% kế hoạch (tăng trưởng 15,8% so với năm 2023); tổng huy động vốn đạt 66.685 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch, tăng 33,9% tương đương tăng 16.888 tỷ đồng so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu đạt 2,07% (giảm 0,5% so với 2023); lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch (tăng 21% so với năm 2023).
Về kế hoạch kinh doanh 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 135,3% so với 2024; tổng tài sản đạt 91.226 tỷ đồng tăng 24,9%, tương đương tăng 18.211 tỷ đồng so với cuối năm 2024; tổng dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng tăng 17,1% so với năm 2024; tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng tăng 17,6% so với năm 2024. Nợ xấu trên tổng dư nợ dự kiến được kiểm soát dưới 2% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Ông Nguyễn Văn Hương TGD PGBank phát biểu tại đại hội. (Ảnh: PGBank).
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, PGBank đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tinh gọn hiệu quả bộ máy tổ chức để nâng cao năng suất lao động; chuyển đổi số mạnh mẽ để gia tăng trải nghiệm khách hàng; cải tiến quy trình vận hành, tối ưu hóa hiệu suất toàn hệ thống; quản trị rủi ro và kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, ngân hàng chú trọng kiểm soát chi phí hiệu quả, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động.
Tại đại hội, PGBank cũng thông qua báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, nhiệm kỳ 2020-2025, và định hướng hoạt động năm 2025, nhiệm kỳ 2025-2030 của HĐQT.
Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu trọng yếu của PGBank đều tăng trưởng mạnh mẽ: tổng tài sản tăng gấp đôi: từ 36.153 tỷ năm 2020 lên 73.015 tỷ năm 2024; vốn chủ sở hữu đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 32% so với 2020; lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 425 tỷ, tăng gấp 2 lần so với năm 2020; cho vay khách hàng tăng gần 62% trong 5 năm (2020: 25.675 tỷ, 2024: 41.533 tỷ); tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt, dưới 3%; hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì trên 10–12%, luôn cao hơn chuẩn Ngân hàng Nhà nước.
Không chỉ tập trung vào chỉ tiêu tài chính, PGBank còn triển khai các chiến lược mang tính nền tảng và lâu dài. (Ảnh: PGBank).
PGBank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và hoàn tất chào bán cổ phần ra công chúng lên 4.200 tỷ đồng vào tháng 3/2025, đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ vào quý II/2025, và hoàn tất tăng vốn gấp đôi lên 10.000 tỷ vào cuối năm 2025.
Ngân hàng cũng ra mắt diện mạo thương hiệu mới vào năm 2024, hiện đại, năng động hơn, phản ánh đúng tinh thần đổi mới và hội nhập.
Giai đoạn 2025-2030, HĐQT đặt mục tiêu đưa PGBank trở thành Top 15 các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất; tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng vào năm 2030; tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 25% - 30%; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập dưới 40%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tìm kiếm cổ đông chiến lược trong nước và quốc tế; luôn tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN và pháp luật.
Đại hội cũng thông qua cơ cấu thành viên HĐQT, BKT nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu nhân sự dự kiến giữ chức danh thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025-2030 theo quy định pháp luật, quy định tại Điều lệ của PGBank.
Theo đó, bà Cao Thị Thúy Nga - Thành viên độc lập HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ trở thành tân Chủ tịch HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2025-2030; ông Trần Ngọc Dũng tiếp tục được bầu là Trưởng Ban kiểm soát PGBank. PGBank sẽ bổ sung thêm Thành viên HĐQT và BKS theo quy định Luật Tổ chức Tín dụng 2024 vào kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời gian quy định.