Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: VGP).
Chia sẻ tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8" ngày 3/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng, tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 25/3 đã tăng 2,5% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,26%.
Đây là tín hiệu khởi sắc, phản ánh hiệu quả của các giải pháp điều hành từ NHNN. Đặc biệt, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng đạt 103%, cho thấy nguồn vốn đã được tối ưu hóa để hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc cho hay.
Riêng tại Khu Vực 8 (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), dư nợ tín dụng đến cuối tháng 2/2025 đạt 535.700 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2024, chiếm 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đại diện NHNN cũng lưu ý một số vấn đề còn tồn tại ở khu vực ba tỉnh. Cụ thể, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 85% nhu cầu vốn trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng bình quân của khu vực năm 2024 đạt gần 11%, mặc dù cao hơn mức tăng trưởng bình quân của khu vực Bắc Trung Bộ nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn quốc. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mức bình quân chung của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ;...
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp SME phản ánh vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do yêu cầu khắt khe về tài sản đảm bảo và lịch sử tín dụng. Họ đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong thẩm định, đồng thời có chính sách hỗ trợ lãi suất hoặc giãn nợ cho các khoản vay quá hạn.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao năng lực quản trị và minh bạch tài chính từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ kêu gọi chính quyền địa phương hỗ trợ cải thiện hạ tầng và giảm thiểu rủi ro thiên tai để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, NHNN đã đề ra các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn; ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong các ngành nhạy cảm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được khuyến khích mở rộng chương trình kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (SME), để tháo gỡ khó khăn về tài sản thế chấp và nợ xấu.