Đây là một trong những nội dung được nêu tại Thông báo số 230 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề xuất đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của CTCP Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed hôm 12/5, theo Báo Đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ chủ trương mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia; khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, quan trọng quốc gia như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn,...
Tại cuộc họp, các bộ, cơ quan đã có ý kiến ban đầu là cơ bản ủng hộ, hoan nghênh đối với đề xuất của công ty VinSpeed việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, cần báo cáo cấp có thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của Quốc hội về đề xuất chuyển hình thức đầu tư và đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án.
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát kỹ các đề xuất của nhà đầu tư, tiếp thu ý kiến của Ban thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành để hoàn thiện. Bộ Xây dựng cần báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội trước ngày 20/5.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng tổng hợp, trình Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ về ý kiến của các bộ, cơ quan với đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của công ty VinSpeed trước ngày 22/5. (Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư).
Đối với đề xuất cụ thể của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì tổng hợp trên cơ sở đề xuất, ý kiến góp ý của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Thường trực Chính phủ, Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ xem xét trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách, đặc thù áp dụng riêng để thực hiện dự án.
Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá kỹ lưỡng các nội dung gồm: đánh giá tính khả thi của việc chuyển hình thức từ đầu tư công sang đầu tư trực tiếp; đánh giá tính khả thi, khả năng cân đối nguồn vốn của Nhà nước để cho doanh nghiệp vay theo đề xuất của nhà đầu tư.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần đánh giá về các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt riêng cho dự án (việc Nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân vay không tính lãi suất với thời hạn vay 35 năm; về thời gian hoạt động của dự án là 99 năm; mức giá vé tối thiểu theo từng hạng và việc được hưởng các ưu đãi đầu tư khác quy định của luật…).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá và góp ý hoàn thiện đối với chính sách tổng dư nợ vay của dự án không tính vào tổng dư nợ các khoản vay của tập đoàn VinGroup theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng như ý kiến của Bộ Tài chính.
Về tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng giao các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến, đề xuất các nội dung và gửi văn bản đến Bộ Xây dựng trước ngày 19/5.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo ý kiến của các đơn vị về Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Xây dựng, trình Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ trước ngày 22/5 và báo cáo cấp có thẩm quyền và Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Về phía doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao công ty VinSpeed chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa hai phương án đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư…, từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư như: nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu VinSpeed thực hiện đúng cam kết về các nội dung đề xuất, đồng thời nghiên cứu, có kế hoạch để xây dựng hệ thống công nghiệp đường sắt, đóng vai trò dẫn dắt để chuỗi công nghiệp đường sắt phát triển trường hợp được cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngày 14/5, công ty VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,56 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng).
Theo đề xuất, công ty VinSpeed sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỷ đồng, khoảng 12,27 tỷ USD. Với 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), doanh nghiệp đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
So với phương án đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 172 của Quốc hội, đề xuất của VinSpeed sẽ giảm tải đáng kể áp lực cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh đa số các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới đều chậm hoặc không thể hoàn vốn và bù lỗ kéo dài.
VinSpeed cho biết doanh nghiệp mong muốn tập trung nguồn lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12 năm nay và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030.Tại cuộc gặp mới đây, Thủ tướng đề nghị World Bank dành hỗ trợ nguồn vốn cho cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh hơn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như: cơ sở hạ tầng, chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo,...
Vinspeed – một cái tên khá mới mẻ trong hệ sinh thái Vingroup gây chú ý khi đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD. Vậy động lực nào để một doanh nghiệp được cho là “non trẻ” đưa ra quyết định như vậy?
Chính phủ vừa hoàn thiện tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội thông qua vào 17/5.
Dù gặp một số khó khăn trong tháng 4 do chính sách thuế đối ứng của Mỹ nhưng cán cân thương mại của Bình Dương vẫn giữ vững trạng thái thặng dư, với mức xuất siêu 3,57 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm.