Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Hải Phòng, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) của TP Hải Phòng mới ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,84%; khu vực dịch vụ tăng 9,89%; khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 4,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,95%.
Trong đó, GRDP TP Hải Phòng cũ ước tăng 11,04% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,24%, đóng góp 6,68 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 10,26%, đóng góp 3,79 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,16%, đóng góp 0,55 điểm %.
GRDP tỉnh Hải Dương ước tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,65%, đóng góp 0,72 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,26%, đóng góp 7,8 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 8,62%, đóng góp 2,16 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,65%, đóng góp 0,9 điểm %.
GRDP 6 tháng đầu năm của Hải Phòng trước và sau khi sáp nhập. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng).
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP Hải Phòng cũ ước tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 25,78%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,17%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 8,9%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,91%.
IIP tỉnh Hải Dương 6 tháng đầu năm ước tăng 14,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,39%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,51%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 7,93%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%.
Chi cục Thống kê Hải Phòng đánh giá hoạt động thương mại và dịch vụ của thành phố đã có sự khởi sắc đáng kể trong nửa đầu năm nay, với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng của TP Hải Phòng mới ước đạt 179.931,3 tỷ đồng, tăng 14,42% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của TP Hải Phòng cũ ước đạt 124.142,3 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 103.788,8 tỷ đồng, tăng 14,39% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 14.330,8 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 135,1 tỷ đồng, tăng 15,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 5.887,5 tỷ đồng, tăng 7,76%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tỉnh Hải Dương ước đạt 55.789 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 45.719 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.963 tỷ đồng, tăng 12,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 6.107 tỷ đồng, tăng 10%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo báo cáo, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI TP Hải Phòng cũ tăng 2,88%, CPI tỉnh Hải Dương tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước.
Chi cục Thống kê Hải Phòng cho biết, luỹ kế 6 tháng vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Hải Phòng cũ đạt 77.319 tỷ đồng, bằng 65,48% dự toán HĐND và tăng 27,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 38.647,3 tỷ đồng, tăng 29,42%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 38.077 tỷ đồng, tăng 26,9%. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng ước đạt 17.418 tỷ đồng, tăng 39,53% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương tính đến hết tháng 6 đạt 19.723 tỷ đồng; bằng 71,5% dự toán năm và tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.997 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 2.217 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 21.733 tỷ đồng; tăng 118,4% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 11.256 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 10.443 tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của TP Hải Phòng mới đạt 97.042 tỷ đồng.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng tiếp tục duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Tính từ đầu năm đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn TP Hải Phòng cũ ước đạt 373.984 tỷ đồng, tăng 6,85% so với cuối năm 2024 và tăng 12,36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại Hải Dương, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh ước đạt 227.500 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng nguồn vốn huy động tại TP Hải Phòng mới trong nửa đầu năm ước đạt 601.484 tỷ đồng.
Về dư nợ tín dụng, tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ tại TP Hải Phòng mới ước đạt 449.447 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay tại TP Hải Phòng cũ ước đạt 286.447 tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm 2024 và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tại tỉnh Hải Dương ước đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 15,7%.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê Hải Phòng, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút tại TP Hải Phòng cũ đạt 711,66 triệu USD, bằng 60,35% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 43 dự án đăng ký cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đạt 449,16 triệu USD, chiếm 92,98%; 36 dự án đăng ký cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, đạt 33,92 triệu USD, chiếm 7,02%
Tại Hải Dương, tính đến ngày 26/6, tỉnh đã thu hút 29 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 194,7 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực thu hút vốn cao vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo với 23 dự án đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: VinFast).
Việc sáp nhập TP Hải Phòng với tỉnh Hải Dương không chỉ tạo nên một siêu đô thị ven biển với quy mô dân số và kinh tế vượt trội mà còn bất ngờ đưa Hải Phòng trở thành "thủ phủ ô tô" của Việt Nam với hai cơ sở sản xuất ô tô quy mô lớn là VinFast và Ford Việt Nam.
Trước khi sáp nhập, Hải Phòng đã là một trung tâm công nghiệp lớn, sở hữu tổ hợp sản xuất ô tô VinFast đặt tại Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Được xem là biểu tượng cho khát vọng xe hơi "Made in Vietnam", sự ra đời của VinFast đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hàng chục nghìn việc làm chất lượng cao cho địa phương cũng như khu vực.
Trong khi đó, ở Hải Dương, sau gần 30 năm hoạt động, nhà máy ô tô Ford Hải Dương đã trở thành một "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Năm 2020, Ford Việt Nam đã thực hiện dự án mở rộng nhà máy trị giá 82 triệu USD, nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm. Nhà máy tại Hải Dương được xem là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Ford, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách Nhà nước, đồng thời giải quyết việc làm cho địa phương và khu vực.
Có thể thấy việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho TP Hải Phòng trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Sau khi sáp nhập, nhà máy của Ford tại Hải Dương có thể sủ dụng hệ thống cảng nước sâu Lạch Huyện của Hải Phòng để xuất khẩu xe và nhập khẩu linh kiện, giảm đáng kể chi phí và thời gian logistics. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng linh kiện phụ trợ đã hình thành xung quanh VinFast nay có thể mở rộng để phục vụ cho cả Ford và ngược lại.
Ngoài ra, việc sáp nhập tỉnh cũng tạo ra một thị trường lao động chuyên môn hoá khổng lồ, bao gồm nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực cơ khí, tự động hoá, kỹ thuật ô tô từ cả hai địa phương.
Vụ cháy tại hai căn hộ chung cư Độc Lập, đường Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP HCM làm 8 người chết. Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra, làm rõ.
Ông Daniel Lopes, Phó Chủ tịch Công ty FS (Brazil) đề xuất muốn hợp tác chiến lược với Việt Nam về nhiên liệu sinh học.
Trong 6 tháng đầu năm, có 19/34 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Trong đó, có 6 địa phương có mức tăng trưởng trên 10%, gồm Quảng Ngãi đạt 11,51%, Hải Phòng 11,20%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47% và Phú Thọ 10,09%.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm nhờ niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.