Kinh tế Quốc tế 25/04/2023 09:58

Tài phiệt được mệnh danh ‘Warren Buffett của Trung Quốc’ bán hàng tỷ USD tài sản để cứu lấy công ty

Tỷ phú Guo Guangchang từng được so sánh với huyền thoại Warren Buffett vì sự nhạy bén khi lựa chọn các khoản đầu tư chất lượng. Tập đoàn Fosun của ông từng bị dự đoán là sẽ vỡ nợ và đã gặp khó khăn lớn khi Trung Quốc khởi động chiến dịch giảm đòn bẩy của doanh nghiệp.

Tỷ phú Guo Guangchang. (Ảnh: Bloomberg). 

Thanh lý loạt tài sản

Tỷ phú Guo Guangchang là Chủ tịch kiêm đồng sáng lập tập đoàn đầu tư Fosun International. Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng tại Trung Quốc, lợi nhuận của Fosun lao dốc 95% vào năm ngoái, và tập đoàn đã phải thanh lý khoảng 4,8 tỷ USD tài sản kể từ tháng 5, bao gồm cả cổ phần trong công ty mẹ của nhà sản xuất thép Nanjing Iron & Steel.

Trong thời gian tới, Fosun sẽ còn phải nói nhiều lời chia tay hơn nữa, bởi tập đoàn đang tìm kiếm người mua cho các tài sản trị giá hàng tỷ USD, bao gồm doanh nghiệp tài chính ở châu Âu và hãng dược phẩm ở Ấn Độ.

Thông thường, việc bán tài sản ở quy mô lớn như vậy có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp sắp sụp đổ. Song, chiến lược bán đi các công ty từng là niềm tự hào của tập đoàn có vẻ đang phát huy tác dụng.

Fosun từng bị cho là chắc chắn sẽ vỡ nợ, nhưng giờ giá cổ phiếu và trái phiếu đã phục hồi kể từ đáy thiết lập hồi tháng 9 năm ngoái, tờ Bloomberg cho biết.

Tại một hội thảo doanh nhân hồi tháng 3, ông Guo cho hay: “Việc chúng tôi bán tài sản không phải là điều thảm hại hay đáng thương. Thảm hại là khi không ai muốn mua những gì chúng tôi chào bán”.

Vững tay chèo

Ông Guo từng được ca tụng là Warren Buffett của Trung Quốc vì sự nhạy bén khi lựa chọn các tài sản chất lượng và đa dạng hóa các khoản đầu tư. Ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực vực dậy tập đoàn.

Nhiều tỷ phú công nghệ và bất động sản Trung Quốc đã bước sang một bên hoặc nghỉ hưu khi tình hình trở nên khó khăn, nhưng ông Guo vẫn ngồi trên ghế nóng khi Fosun đối mặt với “bão tố khủng khiếp”. Ông tham dự các sự kiện công bố kết quả kinh doanh, tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp và thường xuyên đăng tin lên mạng xã hội.

Ngược lại, các nhà sáng lập của hãng công nghệ ByteDance và nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đều đã rời khỏi công ty. Jack Ma, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc, tránh xa ánh mắt của công chúng sau khi lớn tiếng chỉ trích cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.

Ông Guo, một vị doanh nhân đã ở trên thương trường hơn 30 năm, cũng từng gặp phải rắc rối với chính quyền. Năm 2015, ông từng biến mất trong một thời gian ngắn và lý do đưa ra là để hỗ trợ một cuộc điều tra.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hỗn loạn hiện thời, Fosun đã tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với chính quyền. Hồi tháng 9, phó giám đốc của tập đoàn đã đến thăm một giám sát viên địa phương của các doanh nghiệp nhà nước để thảo luận về các lĩnh vực hợp tác.

 

Ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty tài chính Kaiyuan Capital ở Hong Kong, nhận xét: “Ông Guo Guangchang có vẻ như đã trụ vững qua sóng gió từng khiến cho nhiều đồng nghiệp cũ của mình thất bại.

Thành công của ông Guo đến từ một số lý do, bao gồm việc Fosun đã sử dụng nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn để tạo ra các hoạt động kinh doanh khả thi. Khi chính phủ bắt đầu chiến dịch giảm đòn bẩy, Fosun có thể dễ dàng tuân thủ các quy định hơn”.

Người sống sót tài ba

Ông Guo thành lập Fosun cùng ba người bạn đại học hồi năm 1992. Từ một ngôi nhà nhỏ ở Thượng Hải, ba người đạp xe để gặp khách hàng và cung cấp dịch vụ tư vấn.

Fosun là một trong những gã khổng lồ đầu tiên ở Trung Quốc tận dụng thời kỳ đi vay ngân hàng dễ dàng để nhanh chóng mở rộng. Khi chào sàn ở Hong Kong năm 2007, Fosun là tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Fosun sở hữu gần 50 đơn vị kinh doanh lớn, bao gồm hãng bảo hiểm Fidelidade, các resort trên khắp toàn cầu, các hãng dược phẩm và nhà sản xuất kim loại.

Rắc rối xuất hiện khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch giảm đòn bẩy trong khu vực kinh tế tư nhân. Tháng 10 năm ngoái, Fosun cho biết họ sẽ bán ra tới 11 tỷ USD tài sản trong năm tiếp theo để tập trung lại vào ba ngành chính: dược phẩm, bán lẻ và du lịch.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Natixis, đánh giá: “Fosun đã đúng khi ra quyết định cải thiện tình hình tài chính bằng việc thoái bớt vốn khỏi một số lĩnh vực”. Bà nói thêm rằng việc Bắc Kinh nới lỏng một số chính sách trong thời gian gần đây cũng giúp ích cho tập đoàn.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 01/11/2024 07:37
'Lá bài' có thể thay đổi đế chế công nghệ của tỷ phú Elon Musk

Tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Elon Musk là một sự đánh cược với những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng đối với tương lai của ngành công nghệ Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 01/11/2024 06:55
Chứng khoán Mỹ cắm đầu khi báo cáo tài chính của Microsoft và Meta gây thất vọng

Màn báo cáo tài chính gây thất vọng của Microsoft và Meta đã khiến cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10.

Kinh tế Quốc tế 31/10/2024 21:55
Goldman Sachs: Thời kỳ 'hốt bạc' của giới đầu tư chứng khoán đã qua

Goldman Sachs dự báo lợi nhuận hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ trong thập kỷ tới chỉ ở mức 3% đã dấy lên nhiều lo ngại - trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 13% của thập kỷ trước.

Kinh tế Quốc tế 31/10/2024 19:48
Fed đón tin vui: Thước đo lạm phát ưa thích tăng 2,1% vào tháng 9, gần sát mức mục tiêu

Theo báo cáo mới của Bộ Thương mại Mỹ, lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed chỉ tăng nhẹ vào tháng 9 và tiến gần sát mức mục tiêu của ngân hàng trung ương này.