Cách đây ít phút, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 9.
Kết quả cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 0,2% so với tháng liền trước và 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.
Các quan chức Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Có thể thấy, lạm phát tính theo PCEPI toàn phần đã về gần sát mức mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Dù vậy, khi không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi đã tăng 0,3% so với tháng liền trước và 2,7% so với một năm trước. Mức tăng so với cùng kỳ cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo.
Báo cáo của Bộ Thương mại còn cho thấy thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn vững vàng trong tháng 9.
Theo đó, thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 0,3%, cao hơn một chút so với con số của tháng 8 và phù hợp với dự báo. Chi tiêu của người tiêu dùng đi lên 0,5%, vượt dự báo 0,1 điểm %.
Bản báo cáo được công bố vào thời điểm các nhà đầu tư tin chắc Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới. Hồi tháng 9, Fed đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps), một động thái hầu như chưa từng có khi nền kinh tế vẫn đang mở rộng.
Biểu đồ dot plot công bố sau cuộc họp cho thấy các quan chức dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 50 bps vào cuối năm nay, 100 bps vào năm 2025 và 50 bps vào năm 2026. Tính chung, chi phí đi vay liên ngân hàng sẽ giảm khoảng 200 bps và cuối cùng lùi về mức 2,9% vào cuối năm 2026.
Các quan chức Fed tự tin rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu, nhưng đồng thời lại bày tỏ nỗi lo về thị trường lao động dù hầu hết các số liệu cho thấy hoạt động tuyển dụng vẫn tiếp tục và tình trạng sa thải ở mức thấp.
Cùng ngày Bộ Thương mại công bố báo cáo PCEPI, Bộ Lao động cũng phát hành một thước đo về thị trường lao động. Báo cáo đó chứng thực rằng các chủ doanh nghiệp nhìn chung vẫn đang giữ chân người lao động.
Cụ thể, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 26/10 là 216.000 yêu cầu, giảm 12.000 so với tuần trước và thấp hơn ước tính 230.000 của các nhà kinh tế.
Vào ngày 1/11, Bộ Lao động sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 10. Đây sẽ là dữ kiện quan trọng cuối cùng mà các quan chức Fed nhận được trước khi tổ chức họp chính sách vào ngày 6 - 7/11.
Giới chuyên gia ước tính các doanh nghiệp đã tạo ra 110.000 việc làm mới trong tháng 10.Trước đó, vào tháng 9, nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 254.000 việc làm, cao hơn rất nhiều so với dự báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước, nhà kinh tế nổi tiếng Jeremy Siegel cảnh báo Fed có thể gây bất ngờ cho thị trường tài chính bằng cách giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo nếu số liệu việc làm tháng 10 một lần nữa gây bất ngờ.
Goldman Sachs dự báo lợi nhuận hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ trong thập kỷ tới chỉ ở mức 3% đã dấy lên nhiều lo ngại - trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 13% của thập kỷ trước.
Tại nhiều cuộc vận động cử tri, ông Trump tuyên bố tăng mạnh thuế quan sẽ buộc các nhà sản xuất phải chuyển nhà máy đến Mỹ.
Với việc thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine đã chấm dứt, liệu "lục địa già" có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới hay không?
Các chính trị gia và nhà hoạch định chính châu Âu đang bận rộn chuẩn bị cho khả năng xung đột thương mại với Mỹ, bất kể ai trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.