Đây là thông tin được công bố tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia được Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương và Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) công bố chiều 25/11 tại Hà Nội.
Theo VBA, những thay đổi này, tuy mang lại nguồn thu ngắn hạn cho ngân sách nhà nước, có thể dẫn đến những hệ quả sâu rộng cho nền kinh tế, từ tăng trưởng GDP đến việc làm và thu nhập lao động.
Theo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt sửa đổi, mức thuế TTĐB với bia có thể tăng từ mức hiện tại là 65% lên 90% hoặc 100% vào năm 2030, tùy thuộc vào lộ trình được lựa chọn.
Dự thảo đề xuất hai phương án từ Bộ Tài chính, trong đó Phương án 1 (PA1) tăng dần 5% mỗi năm từ năm 2026, và Phương án 2 (PA2) tăng mạnh hơn, với mức tăng 15% ngay từ năm 2026 và tiếp tục tăng 5% mỗi năm.
Cả hai phương án này đều đặt ra mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng và tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, theo báo cáo, tác động tiêu cực của chúng, đặc biệt với PA2, có thể lan tỏa sâu rộng hơn dự đoán.
Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, giá trị gia tăng của ngành bia (VA) sẽ giảm mạnh, kéo theo giảm sản xuất ở 21 ngành công nghiệp liên kết khác.
Với kịch bản tăng trưởng GDP mục tiêu 6,5% của Quốc hội, các phương án tăng thuế được dự báo sẽ làm chậm lại động lực tăng trưởng chung. PA2, với tác động mạnh nhất, có thể khiến GDP giảm tới 32.526 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030, tương đương 0,08% GDP. PA1 cũng không mấy khả quan, với mức giảm 14.276 tỷ đồng.
Trong khi đó, Phương án 3 (PA3), do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đề xuất, có lộ trình tăng thuế chậm hơn (từ năm 2027 và đạt 80% vào năm 2031), được đánh giá ít ảnh hưởng tiêu cực hơn, chỉ làm giảm GDP khoảng 8.590 tỷ đồng.
Một trong những tác động đáng lo ngại nhất là giảm thu nhập của người lao động. Ngành bia hiện đóng góp việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu người trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối.
Báo cáo chỉ ra rằng PA2 có thể làm giảm thu nhập lao động tới 4.585 tỷ đồng, trong khi PA1 giảm 2.468 tỷ đồng. PA3, với mức giảm nhẹ hơn ở mức 2.215 tỷ đồng, được xem là phương án ít gây tổn thương đến người lao động.
Bên cạnh đó, việc giảm thu nhập không chỉ giới hạn ở lao động ngành bia mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế liên ngành. Chuỗi cung ứng từ sản xuất bao bì, vận chuyển, nhà hàng, đến bán lẻ đều chịu tác động khi nhu cầu sản phẩm giảm.
Báo cáo đánh giá trong ngắn hạn, cả ba phương án đều giúp tăng nguồn thu từ thuế gián thu. PA2 được dự báo mang lại mức tăng cao nhất, với thuế gián thu tăng 8.559 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu này không bền vững, vì sự sụt giảm sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ kéo theo giảm thu từ các loại thuế trực thu, như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Hơn nữa, sự giảm sút trong sản xuất ngành bia có thể làm giảm tổng giá trị tăng thêm (GVA) của nền kinh tế. Với PA2, GVA dự kiến giảm 13.546 tỷ đồng, trong khi PA1 và PA3 lần lượt làm giảm 10.169 tỷ đồng và 6.577 tỷ đồng.
“Sự mất cân bằng giữa tăng thu ngắn hạn và tổn thất dài hạn này đặt ra câu hỏi về tính khả thi của chính sách thuế trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cần duy trì động lực phục hồi sau đại dịch”, báo cáo nêu nhận xét.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, cho biết bà đồng tình với quan điểm của Quốc hội, Chính phủ cần phải điều chỉnh tăng thuế để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách,…
Theo bà Cúc, PA2 quá cao và sốc, PA1 tăng 5% là tương đối hợp đối hợp lý, “lộ trình tăng thế nào hai năm một lần hay một năm một lần cần lưu đến. Thời điểm áp dụng thế nào thì cần cân nhắc. Tôi nghĩ đưa ra thêm một PA3 nữa là khó” - trích ý kiến của bà Cúc.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế nhấn mạnh cần kết hợp các biện pháp khác nữa để đảm bảo hài hòa. Dựa trên các phân tích, Hiệp hội nhận định rõ ràng dù mang lại lợi ích ngắn hạn về ngân sách, nhưng các tác động lâu dài đến sản xuất, việc làm, và tăng trưởng kinh tế không thể bị xem nhẹ. Chính sách thuế cần phải cân bằng giữa yêu cầu quản lý nhà nước, mục tiêu tăng thu và sự bền vững của nền kinh tế.
Ngày 27/11 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt (sửa đổi).
Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất đối với mức giảm trừ gia cảnh và số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân tại Tờ trình gửi Chính phủ về xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Tính đến ngày 15/11, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% tương ứng tăng 92,28 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 23,28 tỷ USD.
Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18, quyết định sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo báo cáo mới của hãng tư vấn Aon, mức lương của người lao động Đông Nam Á vào năm 2025 sẽ tăng cao hơn năm 2024.