Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I công bố mới đây, Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) cho biết tổng đầu tư tài chính của Tập đoàn tính đến cuối quý là hơn 236.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm trước.
Xét về cơ cấu các khoản đầu tư, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 229.000 tỷ đồng, trong đó hơn 128.000 tỷ đồng là tiền gửi (cả ngắn hạn và dài hạn), hơn 96.000 tỷ là trái phiếu.
Bảo Việt cũng dành 3.328 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán kinh doanh gồm các cổ phiếu (cả niêm yết và chưa niêm yết), chứng chỉ quỹ và trái phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất hơn 3.200 tỷ (chiếm 97%).
Những cổ phiếu niêm yết được Bảo Việt đầu tư có thể kể đến như: ACB (813 tỷ đồng); CTG (387 tỷ đồng); VNM (416 tỷ đồng);...Các cổ phiếu chưa niêm yết như MBland, CTCP Thuỷ sản Cà Mau,...Chứng chỉ quỹ (tổng 291 tỷ đồng) của BVPF; BVBF; BVFED, E1VFVN30; Trái phiếu của HDBank (50 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC quý I/2025 của Tập đoàn Bảo Việt.
Theo thuyết minh của BCTC, các khoản tiền gửi ngắn hạn (96.754 tỷ đồng) có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và thời gian đáo hạn không qua 1 năm hưởng mức lãi suất đến 9%/năm. Các khoản tiền gửi dài hạn có lãi suất từ 4,8% - 6,4%/năm.
Trái phiếu chính phủ (gần 67.000 tỷ) có kỳ hạn từ 10 - 30 năm; trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn từ 7-10 năm, có lãi suất cao nhất đến 8,9%/năm.
Nguồn: BCTC quý I/2025 của Tập đoàn Bảo Việt.
Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác của Tập đoàn cũng ở mức khiêm tốn với hơn 3.700 tỷ đồng. Bảo Việt đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết như: BaoViet Bank (1.560 tỷ), Trung Nam Phú Quốc (431 tỷ), Tokio Marine Việt Nam (147 tỷ), PLT (97 tỷ), Bảo Việt SCIC (70 tỷ) và Long Việt (hơn 29 tỷ) (giá trị được lấy vào ngày 31/3/2025).
Ngoài ra, Tập đoàn cũng góp vốnv ào CTCP Tập đoàn SSG (225 tỷ); CMC (144 tỷ), Dự án Thép Tài chính Quốc tế (170 tỷ) và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (293 tỷ đồng).