Kinh tế Quốc tế 11/11/2024 15:23

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới sắp cán mốc chưa từng có trong lịch sử

Thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc đang trên đà xác lập một kỷ lục mới trong năm nay, có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa đất nước tỷ dân và một số nền kinh tế hàng đầu thế giới xấu đi.

Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Theo tính toán của Bloomberg, thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc sắp sửa xác lập một kỷ lục mới trong năm nay.

Điều này dễ khiến tình trạng mất cân bằng trong hoạt động thương mại toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và làm căng thẳng giữa Trung Quốc với một số nền kinh tế hàng đầu thế giới xấu đi.

Cụ thể, mức chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc sẽ đạt gần 1.000 tỷ USD nếu hoạt động xuất khẩu của quốc gia tỷ dân tiếp tục mở rộng với tốc độ tương tự như từ đầu năm đến nay.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới đã nhảy vọt lên 785 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, mức cao nhất từng được ghi nhận trong cùng giai đoạn và tăng gần 16% so với năm 2023.

 

Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định: “Trong bối cảnh giá xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nước này là rất lớn”.

“Câu chuyện khái quát ở đây là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại nhở xuất khẩu”, ông Setser nhấn mạnh.

Trong năm nay, Trung Quốc đã phải dựa vào hoạt động xuất khẩu để bù đắp cho sự yếu kém của nhu cầu trong nước. Mãi đến gần đây, Bắc Kinh mới bắt đầu hỗ trợ nhu cầu bằng cách bơm kích thích vào nền kinh tế.

Bức tranh thương mại mất cân bằng đã khiến ngày càng nhiều quốc gia bức xúc. Gần đây, nhiều nước từ Nam Mỹ cho đến châu Âu đã tăng cường rào cản thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc như xe điện và thép.

Và sắp tới, khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, chính quyền mới nhiều khả năng sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc. Ông Trump đe doạ sẽ áp thuế quan đến 60%.

Các công ty nước ngoài cũng đang rút tiền khỏi Trung Quốc. Theo dữ liệu chính phủ Trung Quốc công bố cuối tuần trước, một thước đo về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm trong 9 tháng đầu năm nay.

Nếu doanh nghiệp tiếp tục rút tiền trong những tháng cuối năm, đây sẽ là lần đầu tiên FDI ròng của Trung Quốc chuyển sang mức âm kể từ năm 1990, khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu.

Cho đến nay, phản ứng chính của Bắc Kinh là hứa hẹn hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp. Hôm 8/11, chính phủ tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho nhiều lĩnh vực công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng thương mại quốc tế, phát triển kinh tế và ổn định việc làm.

 

Các công ty Trung Quốc đã tăng cường hiệu quả xuất khẩu trong vài năm qua. Trong khi đó, nền kinh tế chững lại, điện khí hoá ngày càng mạnh mẽ và xu hướng thay thế hàng hoá nước ngoài bằng sản phẩm nội địa đang kìm hãm nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Mức thặng dư thương mại vào tháng 10 là kết quả cao thứ ba trong lịch sử và chỉ thấp hơn một chút so với kỷ lục vào tháng 6.

Thặng dư thương mại hàng hoá tính bằng đồng nhân dân tệ tương đương 5,2% GDP danh nghĩa trong 9 tháng đầu năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2015 và trên mức trung bình trong thập kỷ qua.

Thặng dư với Mỹ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư với Liên minh châu Âu (EU) đi lên 9,6% và với 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhảy vọt gần 36%.

Không chỉ xảy ra với các nền kinh tế lớn, tình trạng mất cân bằng cũng gia tăng với nhiều quốc gia khác. Giá trị hàng hoá mà Trung Quốc xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và nền kinh tế hiện cao hơn giá trị hàng hoá mà nước này nhập khẩu từ các đối tác. 

Một cuộc chiến tiền tệ cũng có thể đang nhen nhóm. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cho biết họ sẵn sàng để đồng rupee suy yếu nếu Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá để chống lại thuế quan của Mỹ.

Đồng nội tệ giảm sẽ giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và có thể làm gia tăng thặng dư thương mại với Ấn Độ. Trong 9 tháng đầu năm nay, thặng dư với Ấn Độ đạt 85 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023 và gấp đôi mức của 5 năm trước.

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 13/11/2024 23:41
Nhật Bản có thể can thiệp thị trường tiền tệ để vực dậy đồng yen

Đồng yen Nhật giảm xuống dưới mức 155 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024, làm tăng khả năng Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm chậm đà mất giá của đồng tiền này.

Kinh tế Quốc tế 13/11/2024 22:17
Đồng USD dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh

Đồng USD đang tăng mạnh cùng với những lo ngại về chính sách áp thuế mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, khiến các nhà chiến lược tiền tệ tin rằng đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng.

Kinh tế Quốc tế 13/11/2024 20:40
Lạm phát Mỹ nóng trở lại: CPI tháng 10 tăng như dự đoán nhưng cao hơn tháng trước 0,2 điểm %

Lạm phát tại Mỹ đã bật tăng mạnh vào tháng 10, dù số liệu khá tương thích với kỳ vọng của Phố Wall.

Kinh tế Quốc tế 13/11/2024 15:58
Nước nào nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới và ai mạnh tay gom vàng trong 10 năm qua?

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu leo thang, chính phủ các nước sử dụng lệnh trừng phạt thường xuyên hơn và một số nước bắt đầu thảo luận về việc phi đô la hoá, nhu cầu thu mua vàng đang gia tăng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO