Trong quý III/2024, Techcombank đã ghi nhận 11.800 tỷ thu nhập hoạt động, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chủ yếu của tăng trưởng thu nhập hoạt động đến từ thu nhập lãi thuần tăng 22,8%, trong đó tăng trưởng tín dụng trong cơ cấu tài sản sinh lãi đạt 26% so với cùng kỳ năm trước và 17,4% so với cuối năm 2023.
Về chi phí, Techcombank đang kiểm soát theo đúng kế hoạch phần chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong quý III/2024 có tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của thu nhập hoạt động, đạt gần 24% so với cùng kỳ. Từ đó lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt mức 22.800 tỷ, bằng với mức lợi nhuận trước thuế của năm 2023 và tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đi chi tiết vào cơ cấu tín dụng của Techcombank, bên cạnh việc tiếp tục phát huy những thế mạnh hiện có thì ngân hàng đang thực hiện đúng chiến lược đa dạng hóa danh mục tín dụng giúp tăng trưởng tín dụng của khách hàng cá nhân so với quý II/2024 đạt 6%.
Trong phần tăng trưởng của khách hàng doanh nghiệp, mức tăng trưởng đến từ rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau như vật liệu xây dựng, xây dựng, tiện ích, du lịch, nghỉ dưỡng hay đầu tư công. Trong khi đó, dư nợ của bất động sản đang đi ngang so với quý II/2024 và có tỷ trọng giảm dần.
Tại sự kiện gặp mặt nhà đầu tư quý III, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc cao cấp Quản trị Tài chính Doanh nghiệp, Khối Tài chính kế hoạch Techcombank nhấn mạnh rằng: “Đa dạng hóa danh mục tín dụng sẽ tiếp tục là ưu tiên của Techcombank trong quý IV/2024. Ngân hàng kỳ vọng sẽ có những kết quả rõ rệt hơn nữa trong thời gian tới”.
Thực tế, việc đa dạng hóa danh mục cho vay, đa dạng hóa nhóm đối tượng đã giúp Techcombank có sự tăng trưởng ổn định, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng và quản trị tốt rủi ro diễn ra từ cuối 2022 và đầu năm 2023, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cũng như duy trì chất lượng tài sản tốt.
Những nỗ lực của Techcombank cũng đã được tổ chức FiinRatings ghi nhận khi nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn từ A+ lên ‘AA-’, triển vọng “Ổn định”, trong bối cảnh mức xếp hạng cơ bản cho ngành ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức “a-”.
“Những nỗ lực đa dạng hóa của Ngân hàng cũng được thể hiện qua hoạt động tín dụng doanh nghiệp, với việc cho vay vào các ngành ngoài bất động sản trở thành động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023-2024, và dự kiến sẽ là chiến lược ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trong trung hạn” – FiinRatings đánh giá.
Năm 2024, GDP Việt Nam được dự báo có thể đạt mức 6.8% từ động lực đầu tư công, tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch được phục hồi. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank, với môi trường kinh doanh thuận lợi, triển vọng kinh doanh 2024 của TCB cũng được dự báo tiếp tục có nhiều cải thiện.
Thứ nhất mức tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho Techcombank, đến tháng 9 ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng 17,4%. Với việc quản trị rủi ro tốt, Techcombank cũng tin tưởng khả năng nhận được hạn mức cao hơn từ NHNN trong 2 tháng cuối năm.
Thứ hai, về chi phí vốn, với khả năng quản lý chi phí thận trọng và tối ưu hóa thanh khoản tốt thì chi phí vốn sẽ luôn dưới 3,5% trong 2024.
Tỷ lệ CASA bao gồm số dư tài khoản Sinh lời tự động của TCB hiện đạt 40,5%, mức cao nhất toàn ngành, giúp hỗ trợ chi phí vốn và biên lãi ròng trong dài hạn, từ đó có khả năng cạnh tranh cao. Đặc biệt khi Techcombank tiếp tục có rất nhiều các hành động, sáng kiến nhằm tăng dòng tiền mới và từ đó tăng trưởng CASA, điển hình là giải pháp sinh lời tự động.
Thứ ba, về biên lãi thuần (NIM), Techcombank luôn luôn đặt mức trên 4%, cao hơn trung bình của ngành. Về thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI), sau mức tăng trưởng 17% trong 9 tháng, Techcombank cũng đặt kỳ vọng là mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục phát huy trong 2025, thời điểm ra mắt những mô hình kinh doanh đột phá liên quan đến mảng bancassuarance cũng như mảng thẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để đạt được những chỉ số và triển vọng như trên, ba hoạt động kinh doanh nổi bật của Techcombank trong trong thời gian qua phải kể đến:
Đầu tiên là Techcombank Merchant – thường gọi là giải pháp tài chính cho các tiểu thương, hộ kinh doanh. Sau 9 tháng triển khai, Techcombank đã có 1,1 triệu khách hàng đang sử dụng các giải pháp. Đặc biệt là số lượng khách hàng mới đăng ký tăng trưởng trung bình khoảng 37% trong 9 tháng 2024.
Giải pháp liên quan đến Merchant đều hướng đến đa dạng và thuận tiện về mặt thanh toán cho các hộ kinh doanh và các tiểu thương. Trước đây để có một điểm chấp nhận thanh toán thì thường chỉ thực hiện áp dụng được cho các giao dịch về thẻ qua một máy POS, còn hiện nay đã có giải pháp về công nghệ NFC giúp các hộ tiểu thương đăng ký điểm chấp nhận thanh toán QR dễ dàng và an toàn.
Hoạt động nổi bật thứ hai là Auto-earning hay còn gọi là sinh lời tự động, một tính năng trên tài khoản thanh toán của Techcombank. Ra mắt sản phẩm sinh lời từ cuối tháng 1/2024, đến nay Techcombank đã ghi nhận có 1,3 triệu khách hàng đăng ký, trung bình 19.000 khách hàng đăng ký một ngày, số dư tài khoản sinh lời tự động cũng đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Tiếp theo đó là Techcombank Rewards – nền tảng khách hàng thân thiết giúp khách hàng càng giao dịch nhiều càng có nhiều lợi ích. Techcombank đã có khoảng 9,1 triệu hội viên mới triển khai trong vòng chưa đầy 9 tháng và số lượng khách hàng tích điểm cũng lên đến hơn 350 triệu giao dịch.
Trước câu hỏi” Nếu thị trường bất động sản phục hồi trở lại thì kết quả kinh doanh của TCB sẽ tăng trưởng như thế nào?”, ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư Techcombank nhận định: “Đây không còn nếu, tôi nghĩ là thị trường đã, đang bắt đầu hồi phục. Và Techcombank rõ ràng sẽ càng hưởng lợi thêm”.
Đối với mảng cho vay mua nhà, Techcombank đang dẫn đầu thị trường, đặc biệt phân khúc mua nhà mới dành cho phân khúc trung và cao cấp.
“Chúng tôi đánh giá đây là một mảng rất hiệu quả cũng như rủi ro thấp vì Ngân hàng cho vay hàng chục ngàn nhà đầu tư cá nhân khác nhau với những người có công việc ổn định hay nguồn thu nhập ổn định”, ông Minh nói thêm.