Theo báo cáo mới từ Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), đề xuất đánh thuế đối với mọi hàng hoá nhập khẩu của ông Donald Trump có thể khiến giá quần áo, đồ chơi, đồ nội thất, đồ gia dụng, giày dép và đồ dùng du lịch tăng vọt.
Báo cáo được công bố vào đêm trước ngày bầu cử chính thức 5/11. Đây là một trong nhiều phân tích cảnh báo về rủi ro lạm phát mà các chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump gây ra.
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% hoặc 20% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, ông cũng đe doạ nâng mức thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc lên 60% hoặc 100%.
Trong cả hai trường hợp, NRF nhận thấy thuế quan của ông Trump sẽ khiến giá của gần như toàn bộ 6 danh mục hàng hoá bán lẻ mà tổ chức này theo dõi “tăng mạnh” ở mức hai chữ số.
Ví dụ, chi phí quần áo có thể tăng từ 12,5% đến 20,6%. Điều đó đồng nghĩa rằng một chiếc quần jeans nam trước kia có giá 80 USD giờ sẽ tiêu tốn của người tiêu dùng từ 90 đến 96 USD.
Giá cả tăng cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến túi tiền của người Mỹ, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, các hộ gia đình có thu nhập thấp thường phải chi gấp ba lần ngân sách hàng tháng cho quần áo so với các hộ gia đình có thu nhập cao.
Báo cáo của NRF còn phát hiện nhóm hàng hoá tăng giá mạnh nhất có thể là đồ chơi, từ 36,3% đến 55,8%. Giá của một chiếc cũi 200 USD theo đó sẽ tăng lên mức 213 USD đến 219 USD.
Ở cấp độ vĩ mô, đà tăng của giá cả cũng sẽ làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Theo báo cáo, trong kịch bản ông Trump triển khai cả hai kế hoạch áp thuế quan, hàng hoá bán lẻ đắt tiền hơn sẽ khiến sức mua giảm 46 tỷ USD.
“Thuế quan phổ quát áp dụng trên quy mô lớn như cựu Tổng thống Trump đề xuất sẽ khiến các gia đình Mỹ phải đóng thêm thuế vì họ phải trả nhiều tiền hơn cho tất cả hàng hoá nhập khẩu...
...điều đó làm giảm sức mua và gây áp lực nặng nề lên chi tiêu cũng như nền kinh tế nói chung”, ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cảnh báo với CNBC.
Báo cáo của NRF chưa tính đến đề xuất mới của ông Trump. Tại cuộc mít tinh ở bang North Carolina hôm 4/11, vị cựu tổng thống đe doạ sẽ áp thuế quan 25% đối với Mexico nếu nước này không siết chặt các quy định biên giới.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã tận dụng những phân tích về thiệt hại kinh tế mà thuế quan gây ra để chỉ trích đối thủ. Trái ngược với ông Trump, bà Harris ưu tiên sử dụng thuế quan một cách có mục tiêu hơn.
Tuy nhiên, nhiều cử tri phản ứng tích cực với các đề xuất của ông Trump. Họ cảm thấy nhiều năm thương mại tự do đã tàn phá các thị trấn công nghiệp trên khắp nước Mỹ.
Song, chính sách thuế quan mà ông Trump ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên đã không giúp số việc làm trong những lĩnh vực công nghiệp liên quan tăng lên, theo một báo cáo mới đây của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Bà Mary Lovely, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý: “Nếu Mỹ áp thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dây chuyền sản xuất sẽ chuyển từ đó sang các quốc gia kém phát triển hơn”.
Theo vị chuyên gia, do mức lương của lao động Mỹ tương đối cao nên “rất khó để thúc đẩy việc làm trong những lĩnh vực công nghiệp này”. Điều đó có nghĩa là người Mỹ không có thêm việc làm nhưng sẽ thấy giá cả tăng cao hơn.
Ngày bầu cử đã đến. Cử tri tại nhiều địa điểm đã bắt đầu bỏ phiếu lựa chọn tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Các cuộc khảo sát ngay trước ngày bầu cử vẫn cho thấy cơ hội chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris ngang ngửa nhau. Tuy nhiên, trên thực tế bà Harris có thể có ưu thế lớn hơn ông Trump nhờ vào các cử tri nữ.
Trước Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thuế như một công cụ để hạ giá nhà.
Warren Buffett có thể đang tích trữ tiền mặt để mua cổ phiếu giá hời khi nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ sa sút.