Kinh tế Quốc tế 31/12/2024 14:07

[Nhìn lại 2024] Một năm đi tàu lượn của nhà đầu tư toàn cầu

Trái với dự đoán dè dặt của nhà đầu tư, chứng khoán toàn cầu đã có một năm thành công rực rỡ, chủ yếu nhờ vào sức mạnh vượt trội của thị trường Mỹ.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Bước vào năm 2024, nhà đầu tư những tưởng đà tăng của thị trường chứng khoán thế giới sẽ hụt hơi, các đợt cắt giảm lãi suất nhanh chóng của Mỹ sẽ khiến đồng USD suy yếu và củng cố tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, thực tế diễn ra khác xa với kỳ vọng đó.

Thị trường chứng khoán toàn cầu sắp ghi nhận năm thứ hai liên tiếp có tỷ suất lợi nhuận hơn 17%, mặc cho chiến sự hoành hành ở Trung Đông và Ukraine, nền kinh tế Đức sụt giảm và chính phủ sụp đổ, Pháp rơi vào khủng hoảng ngân sách và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Thành tích của chứng khoán thế giới chủ yếu đến từ đà tăng vượt trội của các cổ phiếu Phố Wall trong bối cảnh cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh hút tiền từ khắp nơi trên thế giới về Mỹ.

Sức hấp dẫn của các tài sản tài chính Mỹ tăng vọt sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Các nhà đầu tư kỳ vọng lớn về kế hoạch cắt giảm thuế và dỡ bỏ bớt quy định quản lý của vị tổng thống đắc cử. Và cũng nhờ sức ảnh hưởng của ông Trump, giá bitcoin đã tăng hơn 128% trong một năm.

Tuy nhiên, mặt trái là các thị trường thế giới sẽ ngày càng dễ bị tổn thương bởi những xu hướng diễn ra ở Mỹ. Điều này đã được thể hiện rõ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khiến các thị trường náo động với việc hạ ước tính số đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Vào đầu tháng 8, chứng khoán toàn cầu còn trải qua một đợt bán tháo nặng nề sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm thấp hơn dự kiến và Nhật Bản tiến hành một đợt tăng lãi suất bất ngờ.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trái phiếu đang lo ngại rằng kế hoạch thuế quan mang tính kích thích lạm phát của ông Trump và hoạt động vay nợ quá mức của Nhà Trắng có thể làm rung chuyển thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ quy mô 28.000 tỷ USD. Khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ nói chung cũng có nguy cơ gặp gián đoạn.

Ông Julien Lafargue, Giám đốc cấp cao của Barclays, bình luận: “Trong trường hợp chứng khoán Mỹ thoái lui, nhà đầu tư sẽ rất khó tìm ra chỗ trú ẩn”.

Số liệu hàng tuần và tới ngày 18/12. 

Các gã khổng lồ Phố Wall

Chỉ số S&P 500 bật tăng khoảng 24% trong năm nay sau khi cú cú nhảy cao tương tự vào năm 2023, ghi nhận chuỗi thành tích hai năm tốt nhất kể từ năm 1998.

Cổ phiếu nhà sản xuất chip Nvidia tăng vọt 172%, công ty xe điện Tesla của Elon Musk đi lên 69%. Trong khi đó, tỷ lệ phân bổ danh mục của nhà đầu tư thế giới cho cổ phiếu Mỹ đã leo lên mức cao kỷ lục trong tháng 12.

Công ty quản lý tài sản Schroders cho biết tổng giá trị 7 cổ phiếu công nghệ hàng đầu nước Mỹ - bao gồm Nvidia, Tesla, Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Meta - chiếm khoảng 20% tỷ trọng chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI.

Điều này có nghĩa là chứng khoán toàn cầu sẽ gặp mối nguy lớn nếu báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm Magnificent Seven hoặc công nghệ AI gây thất vọng.

Nỗi khổ của châu Âu

Đồng euro mất giá 5,5% so với USD trong năm nay. Chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận kết quả tồi tệ nhất so với chứng khoán Mỹ trong vòng ít nhất 25 năm.

Số liệu tính tới ngày 18/12.  

Tờ Reuters cho biết tỷ suất lợi nhuận hàng năm của chứng khoán châu Âu thua kém Mỹ 25 điểm % trong năm nay. Đây là cách biệt lớn nhất giữa hai thị trường này dựa trên dữ liệu từ năm 2004.

Nhìn chung, khả năng một thị trường cổ phiếu quốc tế bật tăng nếu chứng khoán Mỹ mất đà thường rất nhỏ. Giá vàng thế giới bật tăng 27% trong năm 2024 trong bối cảnh các nhà đầu tư chật vật tìm cách đa dạng hóa danh mục khỏi cổ phiếu Mỹ.

Đồng USD hùng mạnh

Nỗi lo về thuế quan của Mỹ và sức mạnh của đồng bạc xanh gây ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đến tiền tệ các thị trường mới nổi. Đồng tiền của Ai Cập và Nigeria lao dốc 40% so với USD, đồng real của Brazil sụt hơn 20%.

Ringgit của Malaysia là một trong số ít những đồng tiền mạnh lên so với USD, tăng nhẹ 2%. Những đồng tiền có diễn biến tích cực nhất trong năm 2024 có thể kể đến rand của Nam Phi, đô-la Hong Kong và shekel của Israel - tỷ giá của chúng hầu như không đổi so với USD.

Ông Arif Joshi, đồng trưởng bộ phận nợ của các thị trường mới nổi tại Lazard Asset Management, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với tiền tệ các thị trường mới nổi, lý do chính là nguy cơ chiến tranh thương mại do Mỹ châm ngòi”.

 

Biến động điên cuồng của thị trường Trung Quốc

Chứng khoán Trung Quốc trải qua một năm đầy những đợt tăng sốc giảm sâu. Chỉ số chứng khoán chính của nước này từng tăng gần 16% trong một tuần vào tháng 9 sau khi Bắc Kinh ra hiệu sẵn sàng kích thích nền kinh tế. Nhưng sau đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng trải qua nhiều tuần giảm điểm mạnh.

Dẫu vậy, những nhà đầu tư gắn bó với Trung Quốc trong năm 2024 vẫn được hưởng tỷ suất sinh lời 14,5%. Nhiều chuyên gia dự kiến các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, gây ảnh hưởng đến các thị trường ở châu Á và châu Âu, cho đến khi Bắc Kinh có động thái trực tiếp.

 

Trái phiếu gặp khó khăn

Các nền kinh tế lớn lần lượt hạ lãi suất trong năm nay nhưng các trái chủ vẫn chịu thua lỗ vì dự đoán sai lầm về mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ lần lượt tăng 60, 100 và 16 điểm cơ bản (bps) trong năm 2024. Lợi suất trái phiếu di chuyển ngược chiều so với giá.

Tại Nhật Bản, nơi ngân hàng trung ương tăng lãi suất hai lần trong năm nay, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 45 bps, mức cao nhất kể từ năm 2003.

2025 có vẻ sẽ là năm đầy thách thức đối với các thị trường trái phiếu do các ẩn số xung quanh chính sách của ông Trump và phản ứng của Fed. Đà bán tháo trái phiếu Pháp tháng trước cũng báo hiệu rằng các nhà đầu tư sẵn sàng trừng phạt những chính phủ vay nợ quá tay.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 03/01/2025 14:39
Hai thước đo đáng tin cậy báo hiệu chứng khoán Mỹ sẽ sập trong năm 2025

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ vừa có một năm 2024 thành công nhưng chưa chắc năm 2025 sẽ khiến họ hài lòng.

Kinh tế Quốc tế 03/01/2025 10:14
Sự thật về 'bẫy thu nhập trung bình'

Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đang phải vật lộn để gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế phát triển.

Kinh tế Quốc tế 03/01/2025 07:59
Liệu châu Âu có an toàn khi Nga cắt nguồn cung khí đốt qua Ukraine?

Hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine đã chính thức dừng lại vào ngày 1/1/2025.

Kinh tế Quốc tế 03/01/2025 07:24
Nvidia dẫn đầu tăng trưởng vốn hóa toàn cầu năm 2024

Giá trị thị trường của Nvidia đã tăng hơn 2.000 tỷ USD trong năm qua, đạt mức 3.280 tỷ USD vào thời điểm kết thúc năm 2024, đưa công ty này trở thành công ty niêm yết có giá trị thứ hai trên thế giới.