Sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là thứ cần được bảo vệ. (Ảnh minh hoạ: Axios).
Hôm 15/7, trong một cuộc họp tại Nhà Trắng với các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng ông có thể sẽ sớm tìm cách loại bỏ Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Lời chia sẻ của vị tổng thống là bước leo thang mới trong cuộc xung đột đã kéo dài nhiều tháng giữa bản thân ông và ngân hàng trung ương, xoay quanh vấn đề Fed duy trì lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Một ngày sau, ông Trump phủ nhận thông tin trên. Ông nhấn mạnh với các phóng viên: “Chúng tôi không có kế hoạch sa thải ông Powell. Tôi không loại trừ bất cứ khả năng nào, nhưng tôi nghĩ điều đó rất khó xảy ra...”
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên ông Trump ẩn ý về khả năng loại bỏ ông Powell. Và giờ đây, lời đe doạ của vị tổng thống đang đặt ra một câu hỏi cấp bách nhưng khó có lời giải cho các nhà đầu tư.
Câu hỏi đặt ra là, nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu sẽ ra sao nếu không có một ngân hàng trung ương Mỹ độc lập?
Không chịu sự ảnh hưởng của Nhà Trắng, “Fed độc lập” đã trở thành mỏ neo quan trọng cho thị trường toàn cầu và nhiều lần can thiệp để ổn định con tàu kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, đại dịch COVID-19 năm 2020 và nhiều cú sốc khác trong những năm gần đây.
Giới chuyên gia cho rằng khả năng ổn định thị trường và nền kinh tế của Fed phần lớn bắt nguồn từ việc cơ quan này có thể thực hiện các động thái mà họ cho là cần thiết, bất chấp áp lực chính trị.
Bây giờ, họ lo sợ rằng một khi ngân hàng trung ương chịu sự kiểm soát của Nhà Trắng, các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể hành động một cách nhanh chóng cũng như đáng tin cậy trước những mối đe doạ tài chính.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal gần đây, ông Alan Blinder, hiện là nhà kinh tế tại Đại học Princeton và từng là Phó Chủ tịch Fed, lưu ý: “Các chính trị gia hầu như luôn nghĩ rằng lãi suất nên thấp hơn mức hiện tại. Đây chính là lý do chúng ta cần một ngân hàng trung ương độc lập”.
Ngân hàng trung ương Mỹ thường xuyên tham gia giải cứu thị trường tài chính quốc tế, chẳng hạn như khi Mexico lâm vào khủng hoảng nợ vào các năm 1982 và 1995, hoặc như khi Nga khủng hoảng nợ vào năm 1998.
Trong những cuộc khủng hoảng như vậy, Fed thường duy trì các thoả thuận hoán đổi tiền tệ (swap lines). Khi đó, Fed sẽ cho các ngân hàng trung ương nước ngoài vay USD, sau đó các ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ cho các ngân hàng thương mại trong nước vay khi họ gặp khó khăn.
Fed cũng hợp tác với chính phủ các nước để ngăn chặn những định chế tài chính lớn sụp đổ. Mục đích của cơ quan này khá đơn giản: ngăn cản tâm lý hoảng loạn lây lan, gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong một nghiên cứu, nhà kinh tế Jeremy Stein của Đại học Harvard cho biết Fed có thể đóng vai trò giải cứu trong các cuộc khủng hoảng một phần là nhờ khả năng duy trì dòng tín dụng khi thị trường đóng băng.
Điều đó đòi hỏi hàng nghìn nhân viên của Fed phải có khả năng ứng phó nhanh chóng. Ông Stein lo ngại rằng các mối đe doạ đối với sự độc lập của Fed theo thời gian sẽ làm xói mòn năng lực và kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ nhân sự Fed.
“Điều đó - và tất nhiên là cả chất lượng lãnh đạo - có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong một cuộc khủng hoảng”, ông Stein, Thống đốc tại Fed trong giai đoạn 2012 - 2014, nhấn mạnh.
Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm 4,25 - 4,5% kể từ tháng 12/2024.
Fed thường làm việc với chính quyền đương nhiệm để đưa ra biện pháp giải cứu khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
Không rõ nếu Fed nằm dưới quyền kiểm soát của ông Trump, họ có sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực giải cứu, hoặc có đưa ra các điều kiện nào đó liên quan đến những ưu tiên của chủ nhân Nhà Trắng hay không.
Căng thẳng hiện nay giữa chính quyền ông Trump và Fed chủ yếu xoay quanh câu chuyện lãi suất, chính sách thuế quan và tác động của thuế quan đến lạm phát.
Chiến dịch gây áp lực buộc Fed hạ lãi suất của ông Trump đã diễn ra công khai suốt vài tháng qua. Đôi lần, ông Trump chế giễu ông Powell là “quý ngài muộn màng” hoặc là “kẻ ngu ngốc” vì không giảm lãi suất.
Trong khi đó, giới chức Fed vẫn đang thận trọng quan sát tác động của thuế quan. Tại một hội thảo ngay đầu tháng 7, ông Powell từng nhấn mạnh Fed đáng lẽ đã hạ lãi suất bây giờ nếu không có thuế quan.
Tuần trước, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy lạm phát đã tăng nhẹ trong tháng 6 - một phần do tác động của thuế quan, ông Trump lại cho rằng Fed nên hạ lãi suất khoảng 3 điểm %.
“Nếu bạn kể chuyện đó với bất kỳ nhà kinh tế nào, họ đều sẽ không biết nên cười hay nên khóc”, ông Blinder bình luận.
Vào tháng 6, lạm phát tại Mỹ đã nhích tăng do ảnh hưởng của thuế quan.
Lãi suất thấp thường khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng đi vay cũng như đầu tư nhiều hơn, qua đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thấp cũng có nguy cơ kéo lạm phát lên cao hơn đáng kể.
“Nếu bạn không muốn tăng lãi suất để khống chế lạm phát, lạm phát sẽ thắng”, nhà kinh tế Blinder cảnh báo.
Lãi suất thấp cũng có thể thổi phồng thị trường tài chính. Các nhà đầu tư không thể tạo ra lợi nhuận tốt từ các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn, nên họ sẽ chuyển sang các tài sản rủi ro có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng đi kèm với nguy cơ thua lỗ lớn hơn.
Chưa kể, lãi suất thấp có thể bơm phồng bong bóng tài sản nhưng chúng cũng khiến Fed gặp khó khăn hơn khi chèo lái nền kinh tế sau khi bong bóng vỡ tung. Nguyên nhân là bởi, khi lãi suất đã ở mức thấp, dư địa để Fed nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ thu hẹp.
Một lập luận khác của ông Trump là Fed nên hạ lãi suất để giúp giảm chi phí lãi vay khổng lồ của chính phủ Mỹ. Song, lãi suất mà Fed ấn định là lãi suất ngắn hạn, khác với chi phí đi vay dài hạn gắn với khối nợ của chính phủ Mỹ.
Nếu ông Trump tiếp tục thúc ép Fed và thị trường tin rằng đây là kịch bản cơ sở cho tương lai, lãi suất dài hạn rất có thể sẽ tăng và tăng rất mạnh. Đây chính là lời cảnh báo của nhà kinh tế Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ từ năm 2013 đến 2016.
Các nhà đầu tư đã thấy trước phản ứng của thị trường tài chính nếu ông Trump thực hiện lời đe doạ sa thải ông Powell. Trong phiên 16/7, các nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài, kéo lợi suất lên cao đáng kể. Lợi suất chỉ hạ nhiệt sau khi ông Trump phủ nhận kế hoạch loại bỏ ông Powell.
Lợi suất tăng hàm ý trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo và giá trái phiếu giảm.
Suy cho cùng, nếu Fed mất đi sự độc lập và không tiếp tục vai trò giải cứu như trước, thị trường tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với những tác động khó đoán ở những thời điểm khó lường.
Trong một chương trình của CNBC vào cùng ngày 16/7, CEO David Solomon của gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs đã có một phát biểu đáng nhớ. Ông bày tỏ rằng sự độc lập của Fed là “điều chúng ta nên đấu tranh để bảo vệ”.
“Tôi nghĩ sự độc lập của ngân hàng trung ương, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, đã mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta”, ông Solomon nói.
Và trước đó một ngày, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo tổng tài sản JPMorgan Chase cũng phát đi thông điệp tương tự.
Trêu đùa Fed có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, hoàn toàn trái ngược với những gì bạn đang mong đợi,
CEO Jamie Dimon chia sẻ tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh quý II của JPMorgan.
Theo bình luận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent, hạn chót cho thoả thuận đình chiến thuế quan với Trung Quốc có thể sẽ được điều chỉnh.
Một quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua trước hạn chót 1/8 để thuyết phục Mỹ hạ thuế quan, nhưng cũng vạch ra "lằn ranh đỏ" trong đàm phán.
Phát biểu mới của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho thấy ông không coi ngày 1/8 là một hạn chót để ký kết thoả thuận.
Sau cơn sốt giá trứng gây chấn động hồi đầu năm nay, người tiêu dùng Mỹ giờ đây lại phải đối mặt với một mặt hàng khác đang tăng giá phi mã - thịt bò.