Kinh doanh & Thị trường 18/09/2024 08:14

Thời hoàng kim đã mất của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc

Chuyên gia dự báo dòng chảy đầu tư toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và sự sụt giảm lớn trong định giá của các công ty Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến động lực đổi mới của quốc gia này.

Khu công viên khoa học BioBay ở Tô Châu, phía tây Thượng Hải, được lập ra để thúc đẩy việc nghiên cứu cơ thể con người, nhưng hiện nay ít thấy dấu hiệu của "sự sống", tờ Financial Times đưa tin.

Trong một toà nhà 5 tầng, tập trung nhiều các công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học và dược phẩm, âm thanh duy nhất là tiếng máy phát điện vang lên từ dưới tầng sâu của tòa nhà. Nhiều doanh nghiệp đã rời đi hoặc đóng cửa, trong khi cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực này khiến nhiều văn phòng bỏ trống.

Các tay cơ hội đã xuất hiện để mua lại những chiếc máy tính và thiết bị phòng thí nghiệm với giá rẻ để bán lại ở Malaysia hoặc Indonesia, để lại danh thiếp của họ rải rác khắp nơi. Nhiều văn phòng phủ đầy bụi, và BioBay đang hy vọng có thể cho thuê lại không gian trống cho các công ty mới.

 Những văn phòng bị bỏ hoang ở phía Tây Thượng Hải. (Ảnh: Financial Times).

Tuy nhiên, sự vắng vẻ tại công viên khoa học thuộc sở hữu nhà nước này, từng được ca ngợi là một ví dụ điển hình về bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến, là hình ảnh thu nhỏ của một xu hướng rộng hơn trong ngành đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc.

Theo một giám đốc điều hành tại Bắc Kinh, Trung Quốc từng là điểm đến hấp dẫn nhất cho các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) sau Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sáng lập và nhà đầu tư giờ đây không còn hy vọng quay lại những năm tháng vàng son trước đại dịch COVID-19, khi các công ty như Alibaba và Tencent hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự bùng nổ của Internet di động để trở thành những tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

“Cả ngành này đã chết trước mắt chúng tôi,” một giám đốc điều hành chia sẻ. “Tinh thần khởi nghiệp đã chết. Thật đáng buồn khi chứng kiến điều đó.”

Tâm trạng ảm đạm này phản ánh rõ qua các con số. Theo dữ liệu của IT Juzi, vào năm 2018, ở đỉnh cao của làn sóng đầu tư mạo hiểm, có 51.302 công ty khởi nghiệp được thành lập tại Trung Quốc. Đến năm 2023, con số này giảm mạnh còn 1.202 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Keyu Jin, phó giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho biết ngành này “đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy động lực khởi nghiệp của Trung Quốc”. Bà cảnh báo rằng dòng chảy đầu tư toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và sự sụt giảm lớn trong định giá của các công ty Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến động lực đổi mới của quốc gia này.

Cuộc khủng hoảng trong ngành đầu tư mạo hiểm phản ánh rõ ràng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa kéo dài do đại dịch COVID-19, vỡ bong bóng bất động sản và sự đình trệ của thị trường chứng khoán. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, khiến các nhà đầu tư Mỹ phần lớn rút khỏi thị trường. 

Desmond Shum, tác giả của cuốn sách "Red Roulette" và từng là một trùm bất động sản, nhận xét rằng khu vực tư nhân của Trung Quốc đã gặp khó. Các doanh nhân thành công ở Trung Quốc giờ đây bị kiểm soát chặt chẽ, không thể chuyển tiền ra nước ngoài và các giao dịch cũng như phát ngôn công khai của họ đều bị kiểm soát. Một số nhà đầu tư cho biết việc mất kiểm soát tài chính đối với công ty mình đầu tư đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm trở thành “quái vật săn nợ”.

Nhiều công ty khởi nghiệp đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư với cam kết rằng nếu không niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc không bị mua lại trước một thời điểm nhất định, họ sẽ mua lại những cổ phần đó. Tuy nhiên, làn sóng thất bại gần đây đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm phải đưa những công ty đang gặp khó khăn của mình ra tòa để cố gắng thu hồi tài sản.

Các quỹ đầu tư giờ đây phải giải trình với nhà nước về việc tại sao công ty của họ thất bại và tại sao họ đã mất tiền của quốc gia. Trong một động thái nghiêm trọng hơn, nhiều quỹ đầu tư yêu cầu các nhà sáng lập doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các khoản nợ, bao gồm cả việc đặt tài sản cá nhân như nhà cửa và xe cộ làm đảm bảo. Điều này khiến một số quỹ phải từ chối đầu tư vào những công ty tiềm năng chỉ vì nhà sáng lập từ chối chịu trách nhiệm cá nhân.

Trong khi đó, các nhà đầu tư quốc tế, các cá nhân giàu có và các nhà đầu tư doanh nghiệp đã rút khỏi hoặc giảm dần việc tiếp xúc với Trung Quốc, khiến các quỹ nhà nước chiếm lĩnh thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn hứng thú với các quỹ Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư trong nước phải chật vật tìm kiếm các nguồn vốn mới.

Khu tài chính Lujiazui của Thượng Hải chứng kiến các nhà đầu tư đã thoái vốn hoặc giảm mức độ tiếp xúc với Trung Quốc, để lại những người chơi được nhà nước hậu thuẫn với vai trò quá lớn. (Ảnh: Bloomberg).

Việc thắt chặt kiểm soát tài chính của nhà nước cũng đã làm giảm động lực cho các khoản đầu tư mạo hiểm có rủi ro cao nhưng tiềm năng sinh lợi lớn. Theo các giám đốc điều hành của các quỹ đầu tư được định giá bằng nhân dân tệ, các quỹ nhà nước yêu cầu các nhà quản lý quỹ đảm bảo mức lợi nhuận hàng năm từ 6 đến 8%. Điều này dẫn đến xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro thấp hơn, chẳng hạn như sản xuất tiên tiến.

Nhiều quỹ đầu tư lớn như Source Code Capital, HongShan (trước đây là Sequoia Capital China) và Hillhouse đã cắt giảm nhân sự hoặc thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc. Sự co rút nhanh chóng của ngành đầu tư mạo hiểm từng giúp Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ sẽ cản trở sự đổi mới trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, vẫn có những lĩnh vực được Chính phủ Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ, như robot hình người và các phương tiện bay điện. Nhưng con đường thương mại hóa các lĩnh vực này vẫn còn nhiều thách thức.

Trong khi đó, một số quỹ đầu tư đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Mỹ và châu Âu. Cuối cùng, ngành đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc, từng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, giờ đây đang dần rơi vào tình trạng ảm đạm. Các nhà đầu tư và doanh nhân đều lo ngại rằng ngành này có thể không bao giờ quay lại thời kỳ hoàng kim.

Thành Vũ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 10/10/2024 23:35
Công bố danh mục mời gọi đầu tư 702 dự án

Ngày 10/10, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và TP HCM đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ năm 2024.

Kinh doanh & Thị trường 10/10/2024 23:25
Đầu tư hơn 9.686 tỷ đồng xây dựng Khu đô thị mới Kiến Giang

Chiều 10/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án phát triển nhà ở Khu đô thị mới Kiến Giang (TP Thái Bình).

Kinh doanh & Thị trường 10/10/2024 17:18
Người dùng đã có thể đăng ký gói cước 5G

Người dùng có thể đăng ký gói 5G và trải nghiệm kết nối tốc độ cao tại các khu vực có sóng, trước ngày dịch vụ chính thức ra mắt.

Kinh doanh & Thị trường 10/10/2024 17:15
Duy trì sức hút với Foxconn, Apple, Nike…

Làn sóng các “ông lớn” sản xuất toàn cầu đổ về Việt Nam chưa dừng lại. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với thách thức về năng lượng để có thể giữ chân những “đại bàng” này.