Vĩ Mô 07/10/2024 14:40

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV từ 7,5-8%, cả năm trên 7%

Đây là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại khi kết luận Phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương.

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.

Nhấn mạnh tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu đạt tốc độ tăng trưởng quý IV từ 7,5 - 8%, cả năm 2024 khoảng trên 7% và chỉ rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết thời gian tới.

Thủ tướng đánh giá khái quát, tình hình kinh tế- xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với các kết quả cụ thể mà các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra.

Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TP HCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TP HCM đóng góp 25,45%; một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa và đặc biệt là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Bên cạnh đó, còn có sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức; trong đó nổi bật là bão số 3 gây thiệt hại lớn; hậu quả COVID-19 vẫn còn; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cùng kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là nông nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản vẫn còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 140.000 tỷ có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu....

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 - 8%.

Cũng như, tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi). 

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm khoảng 15%; kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí. Phấn đấu tăng thu cả năm vượt ít nhất 10% dự toán.

Khai thác hiệu quả dư địa chính sách tài khoá; Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương ngay sau phiên họp. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chip bán dẫn, AI, điện toán đám mây…). Các cơ quan sớm trình ban hành nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư.

Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài, các ngân hàng yếu kém, phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án nêu trong Đề án 153.

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 07/10/2024 17:02
Bộ Công an đề xuất cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch dữ liệu

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào đối với việc xây dựng sàn dữ liệu. Vì vậy, Bộ Công an đề nghị cần có cơ sở pháp lý để góp phần xác lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm và dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Vĩ Mô 07/10/2024 16:28
Bộ Xây dựng chỉ ra ba nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, có ba nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao, gồm: Cầu lớn hơn cung quá nhiều, đẩy giá, thổi giá và chi phí đầu vào của bất động sản tăng.

Vĩ Mô 07/10/2024 14:17
Phó chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng xin thì không làm được

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng doanh nghiệp Nhà nước không được phân cấp, phân quyền, cái gì cũng xin thì "không làm được, mất cơ hội kinh doanh".

Vĩ Mô 07/10/2024 14:16
Lo 'trượt' mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch nói gì?

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 12,7 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, việc thực hiện mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm nay là rất thách thức.