Tại Chỉ thị số 03 ngày 4/2 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Theo đó, ngành giao thông vận tải cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM, sân bay Long Thành.
Ngoài ra, trong năm nay, các đơn vị phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương và cơ chế, chính sách đầu tư đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra vào ngày 15/2.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải, ông Lê Quyết Tiến, Cục Trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, trong năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc được hoàn thành, tập trung tại 28 dự án và dự án thành phần, theo Báo Chính phủ.
Trong đó, với 17 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, với tổng chiều dài 889 km, có 13 dự án có tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu, gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, tổng chiều dài 610 km; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51,5 km; Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29 km; Bến Lức - Long Thành, trừ cầu Phước Khánh, dài 55 km.
Bên cạnh đó, có 4 dự án đang cần tháo gỡ khó khăn gồm: dự án Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5 km; dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 18 km. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Ban Quản lý dự án 85 tiếp tục phối hợp với địa phương để hoàn thành giải phóng mặt bằng và giải quyết dứt điểm việc cung vật liệu đá, đất đắp.
Đối với 11 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, với tổng chiều dài 299 km, có hai dự án thành phần 3 Biên Hoà - Vũng Tàu và thành phần 7 Vành đai 3 TP HCM với tổng chiều dài 26 km có tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
9 dự án với tổng chiều dài 158 km cần tháo gỡ về mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng gồm: Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang và Hà Giang; thành phần 1, 3 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 TP HCM; thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu; thành phần 1 Biên Hoà - Vũng Tàu.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 1.820 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, nếu hoàn thành toàn bộ 1.188 km đang triển khai trong năm nay, ngành giao thông vận tải sẽ vượt mục tiêu 3.000 km cao tốc mà Chính phủ đã đặt ra.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% thì NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và nếu tăng trưởng GDP đạt 10% thì tín dụng có thể sẽ tăng 18 - 20%.
Trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng hơn 1,39 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến công tác nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất cả nước, đều trên 80.000 tỷ đồng. Theo sau đó lần lượt là: Bình Dương, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hoá, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thái Bình và Kiên Giang.