Trên thị trường trái phiếu chính phủ lớn nhất thế giới, các nhà đầu tư đang không ngừng phát tín hiệu cảnh báo đến chính quyền Tổng thống Donald Trump. Dường như một bộ phận nhà đầu tư đang rất bất bình với các kế hoạch tài khoá của nhà lãnh đạo 78 tuổi.
Tính đến phiên 22/5, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đã vượt mốc quan trọng 5% trong ngày thứ hai liên tiếp, phá mức đỉnh vào cuối năm 2023. Hiện tại, lợi suất đang dao động quanh mức 5,088%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 15 điểm cơ bản kể từ đầu tuần.
Niềm tin của các nhà đầu tư đối với trái phiếu kho bạc bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ bậc cao nhất vào cuối tuần trước. Đến giờ, tình hình càng trở nên xấu đi khi nhu cầu đối với lô trái phiếu kho bạc kỳ hạn 20 năm thấp bất ngờ.
Trên thực tế, các nhà đầu tư không hề hành động vô cớ. Lý do đằng sau hành động của họ là dự luật thuế có thể khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ phình to thêm hàng nghìn tỷ USD, giữa lúc nhu cầu đối với các tài sản tài chính Mỹ trên toàn cầu thu hẹp.
Vào sáng sớm ngày 22/5, các đảng viên Cộng hoà tại Hạ viện đã hợp sức thông qua dự luật thuế của ông Trump với kết quả sít sao 215 - 214. Tất cả đảng viên Dân chủ đều bỏ phiếu chống, bên cạnh hai đảng viên Cộng hoà khác.
Không lâu sau, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã đăng tải một bài viết khen ngợi thành tựu này. Ông nhấn mạnh thêm: “Đây có thể coi là văn bản pháp luật quan trọng nhất từng được ký trong lịch sử đất nước chúng ta!”
Giờ đây, dự luật đang trên đường đến Thượng viện. Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà lưu ý họ sẽ yêu cầu điều chỉnh đáng kể dự luật trước khi đồng ý bỏ phiếu, cho thấy con đường phía trước của kế hoạch mới sẽ không dễ dàng.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đang gia tăng áp lực lên các đảng viên Cộng hoà, kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng phê duyệt dự luật. Nhà Trắng còn phát đi thông điệp rằng, phản đối dự luật đồng nghĩa với “sự phản bội”.
Siêu dự luật dài hơn 1.000 trang đặt mục tiêu hoàn thành những lời hứa mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống, từ vấn đề thuế thu nhập cho đến an ninh biên giới.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) - một tổ chức phi đảng phái - ước tính các điều khoản thuế trong dự luật mới sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD trong một thập kỷ tới.
Họ cũng nhận thấy việc cắt giảm các chương trình xã hội như Medicaid hay tem phiếu thực phẩm sẽ giúp chính phủ liên bang tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ USD. Song, những khoản cắt giảm này nhiều khả năng sẽ tác động đến các hộ gia đình thu nhập thấp nhất, trong khi củng cố nguồn lực cho những người giàu có.
Trong khi CBO ước tính dự luật sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm 3.800 tỷ USD, một phân tích khác từ Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm cho rằng gói tài khoá đó sẽ làm thâm hụt phình to thêm 3.300 tỷ USD.
Bên dưới là một số tác động tiềm tàng của dự luật, dựa theo phân tích của CBO. Tuy nhiên, công chúng cần lưu ý rằng Thượng viện có thể sẽ thay đổi đáng kể nội dung dự luật trong thời gian tới.
- Ước tính hơn 8 triệu người có thể mất quyền tiếp cận bảo hiểm Medicaid. Đảng Cộng hoà cho biết họ đang nhắm đến những người lớn khoẻ mạnh và những người nhập cư không có giấy tờ, nhưng những người thụ hưởng khác cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Thu hẹp Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) khoảng 230 tỷ USD trong 10 năm. Tính trung bình mỗi tháng thì SNAP đang hỗ trợ cho khoảng 12,5% dân số Mỹ.
- Gia hạn chương trình cắt giảm thuế mà ông Trump ban hành năm 2017. Chương trình này sẽ hết hạn vào cuối năm nay, vì vậy nếu Mỹ không gia hạn, hầu hết các hộ gia đình đều sẽ phải đóng thêm tiền thuế.
- Không đánh thuế đối với tiền boa và tiền làm thêm giờ.
- Chi thêm 50 tỷ USD để tiếp tục xây dựng bức tường biên giới của ông Trump.
- Cam kết chi khoảng 150 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng để thúc đẩy ngành đóng tàu và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome.
Đối với bất kỳ nền kinh tế nào, các khoản chi tiêu như trên đều là những con số khổng lồ, đòi hỏi các nhà lập pháp phải cân nhắc thiệt hơn. Mỹ rõ ràng không phải là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là khi xét đến thói quen vay nợ lâu nay của siêu cường số một thế giới.
Thế nhưng, bất chấp những tiếng nói phản đối bên trong Quốc hội (bao gồm cả phe Dân chủ lẫn một số đảng viên Cộng hoà), chính quyền Tổng thống Trump vẫn muốn thúc đẩy siêu dự luật mới.
Nếu dự luật đến được bàn làm việc của ông Trump, nó có thể gây hậu quả nặng nề cho hệ thống tài khoá, thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ. Thị trường lẫn nền kinh tế toàn cầu cũng khó thoát khỏi hệ luỵ.
Tổng thống Trump trình bày kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome tại Phòng Bầu dục, ngày 20/5/2025. (Ảnh: AP).
Tính đến cuối năm 2024, nợ công của Mỹ đã vượt quá 36.200 tỷ USD. Con số này tương đương 122% tổng sản phẩm quốc hội (GDP) và đang tăng khoảng 1.000 tỷ USD mỗi ba tháng.
Tỷ lệ nợ trên GDP đạt mức cao nhất trong đại dịch COVID năm 2020, chạm mức 126%. Hiện tại, Mỹ là một trong 10 nền kinh tế có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới.
Ba phần tư trong tổng khối nợ công - tương đương gần 27.200 tỷ USD - do các chủ nợ trong nước nắm giữ. Trong đó, khoảng 15.160 tỷ USD do các nhà đầu tư và tổ chức tư nhân nắm giữ; 7.360 tỷ USD do các cơ quan nội bộ của chính phủ Mỹ và các quỹ tín thác nắm giữ; và 4.630 tỷ USD do Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ.
Trong số các cá nhân không liên quan đến chính phủ Mỹ, huyền thoại đầu tư Warren Buffett - thông qua tập đoàn Berkshire Hathaway của ông - là người nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc nhất (khoảng 314 tỷ USD).
Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ phần nợ còn lại, trị giá hơn 9.000 tỷ USD. Nhật Bản, Anh và Trung Quốc là ba chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, theo dữ liệu tính đến tháng 3 năm nay của Bộ Tài chính Mỹ.
Nợ công đã tăng trong nhiều năm qua, dưới thời tổng thống Dân chủ lẫn Cộng hoà. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump gắn liền với việc thông qua đạo luật cắt giảm thuế lớn và chi tiêu cứu trợ đại dịch.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden cũng ghi nhận thâm hụt ngân sách do đạo luật kích thích kinh tế hậu đại dịch, đạo luật đầu tư hạ tầng và đạo luật phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước.
Nợ công cũng phình to dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống George W. Bush, chủ yếu là do chính sách cắt giảm thuế và các biện pháp để ứng phó khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Lần gần đây nhất ngân sách liên bang đạt trạng thái cân bằng và khối nợ đi xuống là trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton.
Để tạo điều kiện cho chính phủ chi tiêu và dễ dàng vay nợ hơn, kể từ năm 1960, Quốc hội đã tăng, đình chỉ hoặc thay đổi các điều khoản của trần nợ công tổng cộng 78 lần.
Nhìn từ quá khứ có thể thấy, Mỹ quả thực đã từng có những giai đoạn nợ công cao, nhưng chúng có xu hướng xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, suy thoái hoặc các cú sốc lớn khác. Nói cách khác, thâm hụt ngân sách thường thấp hơn trong giai đoạn nền kinh tế ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Hiện tại, Mỹ không hứng chịu bất kỳ cuộc chiến tranh hay suy thoái nào để giải thích cho tốc độ tăng nhanh chóng của nợ công. Chỉ đơn giản vì chính phủ đã chi tiêu nhiều hơn số tiền thuế thu được trong hai thập kỷ qua nên nợ tăng lên.
Giờ đây, siêu dự luật của Đảng Cộng hoà sẽ nới rộng mức thâm hụt ngân sách bằng cách thúc đẩy các chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quân sự, dù một phần được bù đắp bằng việc cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác.
Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm ước tính nợ công có thể lên đến 129% GDP vào năm 2034 nếu Mỹ triển khai gói dự luật kể trên.
Các tổ chức nghiên cứu về ngân sách khác, chẳng hạn như Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đã công bố những dự báo xa hơn. Nhóm này ước tính nếu không có bất kỳ thay đổi nào với các chính sách hiện hành, nợ công sẽ tương đương 156% GDP vào năm 2055.
Trong khi đó, một ước tính khác, giả định rằng tất cả điều khoản tạm thời của dự luật thuế được gia hạn vĩnh viễn, cho thấy nợ công có thể gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2055.
Ở diễn biến khác, việc lãi suất tăng cao trong vài năm qua đã khiến chính phủ Mỹ phải tốn kém hơn khi vay tiền. Điều đó càng đẩy nhanh quỹ đạo tăng của khối nợ liên bang.
Năm ngoái, chi phí lãi vay của Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục hơn 1.130 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên chính phủ chi nhiều tiền cho việc trả lãi hơn là đầu tư cho quân đội và chương trình Medicare.
Moody’s - cơ quan hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ hồi tuần trước - nhấn mạnh gánh nặng thanh toán lãi vay là một yếu tố dẫn đến quyết định của họ. Về mặt kỹ thuật, động thái của Moody’s cho thấy có nguy cơ cao là Mỹ không thể trả được nợ trong tương lai.
Theo thời gian, các nhà kinh tế lo ngại rằng chính phủ sẽ gặp rắc rối khi khối nợ trở nên quá lớn vì các nhà đầu tư có thể sẽ yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn để nắm giữ trái phiếu kho bạc dài hạn. Đòi hỏi đó chỉ khiến lãi suất tăng cao hơn.
Lãi suất cao có thể tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế. Trái phiếu kho bạc là xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Lợi suất của các trái phiếu này quyết định nhiều loại lãi suất khác nhau, từ lãi vay mua nhà, vay nợ cá nhân tại Mỹ cho đến lãi suất của các chứng khoán nợ trên khắp thế giới.
Lãi suất tăng cao còn khiến Mỹ hay bất kỳ nền kinh tế nào khác khó vay tiền khi họ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn như đại dịch, chiến sự hay suy thoái.
Dự đoán vấn đề vay nợ của Mỹ trong tương lai đi kèm với rất nhiều yếu tố khó đoán. Ngoài một cuộc khủng hoảng không lường trước, những thay đổi về chi tiêu liên bang, thuế, lãi suất, sức mạnh của đồng USD hay nhân khẩu học đều có thể thay đổi bức tranh nợ trong những năm tới.
Tổng thống Trump và một số nghị sĩ Đảng Cộng hoà đã nắm bắt sự khó đoán này để lập luận rằng các dự báo ngân sách là không đáng tin cậy và việc cắt giảm thuế trong dự luật mới sẽ tạo ra đủ tăng trưởng kinh tế để giúp Mỹ trả nợ.
Song, những lập luận như vậy lại mâu thuẫn với các đánh giá từ một loạt phân tích phi đảng phái. Quy mô chính xác của nợ công trong tương lai vẫn chưa chắc chắn, nhưng theo hầu hết mọi giả định, nợ của Mỹ đều sẽ tăng mạnh nếu “dự luật to lớn và tuyệt vời” của Đảng Cộng hoà trở thành luật.
Bà Natasha Sarin, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Yale Budget Lab, cảnh báo Mỹ có thể đang tiến vào vùng nguy hiểm.
“Mọi cuộc khủng hoảng luôn có vẻ xa vời cho đến khi chính bạn đã thực sự ở trong khủng hoảng. Chúng tôi không biết chính xác bờ vực ở đâu... Nhưng chúng tôi biết rằng chúng ta đang tiến gần đến điểm đó”, bà nói.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng USD giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/5 dưới áp lực bán tháo của giới đầu tư, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp thuế 50% lên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1/6.
Ông Trump tiết lộ thuế quan áp dụng với Apple và các hãng điện thoại thông minh khác sẽ sẵn sàng triển khai vào cuối tháng 6.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Mỹ đã công bố kế hoạch mua hàng trăm triệu USD memecoin $TRUMP. Sau đó, các cổ phiếu này đều bất ngờ chứng kiến mức tăng giá mạnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên cuối tuần sau lời đe doạ áp thuế mới của Tổng thống Trump.