Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 14:55

Thuế đối ứng gõ cửa, F&B Việt xoay xở sao?

Theo chuyên gia, thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, có tác động gián tiếp nhưng sâu rộng lên ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng trong nước.

Ông Đỗ Duy Thanh - CEO FnB Director và Horeca Business School. (Đồ hoạ: Hưng Trịnh).

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành ẩm thực (F&B) trong nước (nhà hàng, quán ăn, cà phê)?

Điều cần lưu ý trước tiên là biến số quan trọng nhất lúc này chính là kết quả đàm phán giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ. Khi chưa rõ thuế đối ứng sẽ áp lên nhóm hàng cụ thể nào, phạm vi ảnh hưởng đến đâu, thì các doanh nghiệp ẩm thực chưa bị ảnh hưởng trực tiếp về mặt thuế suất. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ngành này nằm ngoài vùng rủi ro.

Ngành ẩm thực – với cấu trúc phục vụ chủ yếu khách nội địa – sẽ chịu tác động mạnh về sức mua và tâm lý tiêu dùng. Khi các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ hay điện tử bị siết thuế, hệ quả tất yếu là hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm sản lượng, giảm giờ làm, cắt nhân sự và lương thưởng.

Điều này tạo nên một làn sóng giảm thu nhập diện rộng, đặc biệt ở các tỉnh công nghiệp – nơi người lao động là khách hàng chính của phân khúc quán ăn bình dân, nhà hàng chuỗi và các mô hình F&B tầm trung.

Tác động tiếp theo là sự chững lại trong đầu tư và mở rộng quy mô. Khi thị trường rơi vào trạng thái phòng thủ, cả nhà đầu tư lẫn các thương hiệu đang scale-up sẽ tạm dừng kế hoạch mở chi nhánh, nhượng quyền hay cải tiến không gian. Những thương hiệu yếu về dòng tiền, chưa tối ưu vận hành, hoặc đang chạy theo tăng trưởng ảo sẽ nhanh chóng lộ ra điểm yếu.

Một yếu tố khác đáng lưu ý là áp lực chi phí đầu vào có thể gia tăng, đặc biệt với các nhà hàng – quán cà phê sử dụng thiết bị, công cụ hoặc nguyên liệu nhập khẩu (ví dụ: máy pha cà phê, bếp, thịt bò, phô mai, trái cây nhập...). Dù chưa bị đánh thuế trực tiếp, nhưng các biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu và biến động tỷ giá cũng có thể đẩy chi phí lên cao trong vài tháng tới.

Tóm lại, ngành ẩm thực không nằm trong nhóm hàng bị áp thuế, nhưng lại ở vị trí hứng chịu hậu quả tiêu dùng sụt giảm, đầu tư chững lại và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Vậy doanh nghiệp F&B Việt nên làm gì để ứng phó? Trong bối cảnh biến động chưa rõ hồi kết, điều tốt nhất doanh nghiệp có thể làm là chủ động, không hoảng loạn – và tuyệt đối không chờ đợi. Khi thị trường đang ở trạng thái bất định, cơ hội sẽ đến với những người có năng lực kiểm soát tốt nhất, chứ không phải người chờ “bình yên trở lại”.

Thứ nhất, cần tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng hiệu quả và linh hoạt. Không phải lúc để phình to bộ máy hay làm thương hiệu rầm rộ, mà là lúc để tinh gọn quy trình, giảm lãng phí và tăng hiệu suất vận hành. Cần rà soát lại toàn bộ: định mức nguyên vật liệu, số ca làm, quy trình chế biến, thời gian phục vụ, tỷ lệ huỷ món, tỷ lệ món không sinh lời...

Thứ hai, kiểm soát dòng tiền chặt chẽ – không chỉ qua báo cáo kế toán, mà bằng dữ liệu vận hành thực tế theo tuần, theo ngày, theo từng điểm bán. Những doanh nghiệp sống sót trong khủng hoảng đều là những đơn vị hiểu rõ tình hình tài chính của mình tới từng món ăn, từng khung giờ và từng nhóm khách.

Thứ ba, giữ khách hàng cũ – bằng trải nghiệm và dịch vụ vượt mong đợi. Khi người tiêu dùng thận trọng hơn, họ sẽ chỉ quay lại những nơi họ cảm thấy được trân trọng, được hiểu và cảm thấy giá trị bỏ ra là xứng đáng. Doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo đội ngũ, chuẩn hóa dịch vụ, cải tiến menu theo mùa và phát triển chương trình thành viên thiết thực (tích điểm, ưu đãi sinh nhật, combo quay lại...).

Thứ tư, ưu tiên mô hình tối ưu chi phí – nhưng không đánh đổi chất lượng. Các mô hình như quán ăn văn phòng, café mang đi, hoặc nhượng quyền có kiểm soát chặt sẽ phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Mở rộng phải đi kèm kiểm soát chi phí từng điểm, từng người, từng ca vận hành.

Cuối cùng, biến giai đoạn này thành “giai đoạn củng cố nội lực.” Khi thị trường trầm lắng, chính là lúc thích hợp nhất để viết lại SOP, đo lại KPI thực tế, đánh giá hiệu suất nhân sự và tái đào tạo đội ngũ. Nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn phục hồi sau này với một hệ thống vững vàng, một đội ngũ hiểu việc và một thương hiệu có bản sắc.

Ông Đỗ Duy Thanh - CEO FnB Director và Horeca Business School

CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 09:36
Nhà cung cấp lớn nhất của Apple rót thêm tiền đầu tư vào Việt Nam

Apple phụ thuộc nhiều vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 09:04
Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm nguồn vốn mới từ đâu?

Một câu chuyện rất gian nan của các doanh nghiệp bất động sản là nguồn vốn để có thể vực dậy. Nguồn vốn của nhóm này chủ yếu đến từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và một phần ứng trước từ khách hàng. Với những gì đã diễn ra, doanh nghiệp bất động sản phải chắc chắn thực hiện được hoạt động xây dựng, bàn giao thì mới có thể lấy lại được niềm tin từ khách hàng, nhà đầu tư.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 08:26
'Khó dự báo kịch bản thị trường BĐS Việt Nam khi Mỹ áp thuế 46%'

Với việc Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị Mỹ áp mức thuế đối ứng cao nhất với 46%, chuyên gia cho rằng tâm lý các nhà đầu tư bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 07:59
Đơn vị nào làm kiểm toán cho Phạm Thoại trong vụ việc thu 16 tỷ tiền từ thiện?

Công ty kiểm toán này được thành lập từ năm 2019 với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng.