Kinh doanh & Thị trường 23/07/2025 14:24

Tiền người Việt chảy vào túi Google, Microsoft, Netflix… đã đến lúc 'đòi lại sân nhà’?

Sự phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ nhập khẩu không chỉ tiềm ẩn rủi ro về chủ quyền dữ liệu mà còn là bài toán chiến lược buộc Việt Nam phải tự chủ để đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.

Trong một bài viết gửi truyền thông ngày 23/7, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại Đại học RMIT, đưa ra những phân tích về Luật Công nghiệp công nghệ số mới được ban hành của Việt Nam.

Theo ông, luật này không chỉ là một bước đi chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ số cho toàn khu vực Đông Nam Á.

Là một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những căng thẳng thương mại toàn cầu. Tiến sĩ Sreenivas Tirumala nhận định, các diễn biến gần đây đã cho thấy sự phụ thuộc của Việt Nam không chỉ vào thị trường quốc tế mà còn vào công nghệ nhập khẩu. Sự phụ thuộc này thể hiện rõ trong các lĩnh vực quan trọng như điện toán đám mây, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xem xét lại chiến lược số của mình. Thay vì tiếp tục dựa vào hạ tầng và nền tảng nước ngoài, việc đẩy nhanh quá trình tự chủ thông qua đầu tư vào công nghệ trong nước là một hướng đi cần thiết. Luật Công nghiệp công nghệ số được xem là một khung pháp lý kịp thời để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

 Ông Nguyễn Đức Toàn - Tổng giám đốc Google Cloud Việt Nam, thuyết trình trong một sự kiện tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu phần lớn hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm phần cứng, phần mềm, và các dịch vụ đám mây. Các công nghệ này chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ và Israel, đi kèm với chi phí cao và những hạn chế về quyền kiểm soát dữ liệu.

Tiến sĩ Tirumala chỉ ra một rủi ro cụ thể: “Các dịch vụ từ Google, Microsoft và Amazon chịu sự điều chỉnh của luật xuất khẩu Mỹ nên có thể hạn chế quyền truy cập cho nước ngoài tùy theo quan hệ địa chính trị với nước này”.

Việc phát triển các nền tảng và công cụ trong nước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này. Các sản phẩm nội địa sẽ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu theo quy định của Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về quyền riêng tư và chủ quyền dữ liệu mà Luật Công nghiệp công nghệ số đặt ra.

Không chỉ ở hạ tầng, thị trường tiêu dùng số cũng bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee và Grab. Tuy nhiên, bài học từ Ấn Độ cho thấy các nền tảng nội địa hoàn toàn có thể cạnh tranh. Ông dẫn chứng, “Các nền tảng nội địa như Ola và Rapido đã thành công trong việc cạnh tranh với Uber bằng cách cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu địa phương”.

Theo ông, các nền tảng Việt Nam có thể đi theo con đường tương tự, đặc biệt khi nhận được các ưu đãi tài chính và hỗ trợ từ luật mới. Ví dụ, việc phát triển công cụ AI tạo sinh “made in Việt Nam” sẽ giúp mở rộng quyền truy cập và loại bỏ các thiên kiến tiềm tàng từ lợi ích chính trị hoặc thương mại của nước ngoài.

Điểm nhấn quan trọng nhất trong phân tích của Tiến sĩ Tirumala là tiềm năng vươn ra khu vực của ngành công nghệ Việt Nam. Một khi bùng nổ, ngành công nghệ thông tin trong nước không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn có thể mở ra cơ hội xuất khẩu lớn.

Ông lập luận rằng vị trí chiến lược, sự tương đồng văn hóa với các nước ASEAN và trình độ số ngày càng tăng giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm dịch vụ số trong khu vực. Việt Nam có thể cung cấp các giải pháp được tùy chỉnh, chi phí hợp lý cho các nước láng giềng.

Ông nêu rõ: “Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sang các nước như Campuchia và Thái Lan – những thị trường có thể mong muốn dịch vụ được “địa phương hóa” hơn là sản phẩm quốc tế đại trà”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Việt Nam có lợi thế lớn với 51,7% dân số dưới 34 tuổi tính đến năm 2024. Đây là một lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ, là tài sản quý giá cho nền kinh tế số.

Tuy nhiên, một thách thức đáng kể cũng được chỉ ra: “chỉ 28,8% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên – điều này cho thấy khoảng cách đáng kể giữa cung và cầu kỹ năng.”

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Tirumala đề xuất một số giải pháp. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo sát với thực tế, học hỏi mô hình đào tạo nghề kép của Đức. Chính phủ cũng nên đưa công nghệ thông tin vào chương trình học từ sớm và hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhỏ cung cấp các khóa học nâng cao kỹ năng, giúp những người không có điều kiện học đại học dễ dàng tiếp cận hơn.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 23/07/2025 22:24
AI Hay đã bị 24 quỹ từ chối trong 6 tháng trước khi nhận đầu tư 10 triệu USD

Dù là startup về GenAI duy nhất dành riêng cho người Việt và có những thành tựu nhất định, song theo tiết lộ từ COO của AI Hay, họ đã gặp muôn vàn khó khăn khi đi gọi vốn. Trong 6 tháng, AI Hay đã bị 24 quỹ từ chối đầu tư, trước khi nhận được đầu tư 10 triệu USD ở Series A đầu tháng 7.

Kinh doanh & Thị trường 23/07/2025 22:07
Quy hoạch hệ sinh thái công nghiệp TP HCM theo chuỗi giá trị mới

TP HCM đã và đang hướng đến mô hình phát triển khu công nghiệp bền vững, với việc triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất - khu công nghiệp.

Kinh doanh & Thị trường 23/07/2025 21:03
Khu công nghiệp sinh thái: Từ giải pháp xanh đến lợi thế cạnh tranh

Phát triển khu công nghiệp sinh thái không chỉ là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi năng lượng mà còn là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kinh doanh & Thị trường 23/07/2025 18:57
Kết quả Vietlott Mega 6/45 ngày 23/07/2025: Jackpot hơn 25,5 tỷ đồng đã tìm thấy chủ sở hữu

Cập nhật kết quả quay số Vietlott Mega 6/45 hôm nay (23/07/2025), giải thưởng lớn jackpot giá trị hơn 25,5 tỷ đồng hiện đã có chủ nhân may mắn trúng giải.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO