Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Shinhan dự báo rằng sau hai năm đẩy mạnh cho vay khách hàng doanh nghiệp, nhóm bán lẻ sẽ phục hồi và sẽ là điểm nhấn của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2024 - 2025.
"Chúng tôi giữ nguyên dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng ở mức 15% cho năm 2024 và 24% cho năm 2025", các chuyên gia phân tích dự báo.
Trong nửa đầu năm,nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong khicho vay nhóm khách hàng cá nhân mức tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn còn chậm.
Tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá giữa các ngân hàng và các nhóm ngân hàng. Tính trong 6 tháng đầu năm mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân đạt 9,06% trong khi nhóm có vốn Nhà nước (Big4) chỉ đạt mức tăng trưởng 6,65%.
Tính riêng 18 ngân hàng niêm yết, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,92%, tăng 1,82 điểm % so với cùng kỳ năm 2023 (6,1%). Nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong nửa đầu năm có thể kể đến Techcombank, ACB, HDBank, LPBank và MSB.
Các chuyên viên chứng khoán nhận định tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện so với năm trước, nhờ vào các hoạt động tăng trưởng đầu tư công, mở rộng hoạt động sản xuất, nhu cầu đi vay người dân có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Về cơ cấu cho vay, hoạt động sản xuất phục hồi làm tăng nhu cầu cho vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong khi như cầu cá nhân vay mua nhà (dài hạn) chưa phục hồi như kỳ vọng. Điều đó dẫn đến cơ cấu cho vay ngắn hạn tăng từ 52% cuối 2023 lên 57% vào cuối quý II còn cho vay dài hạn giảm từ 34% năm 2022 về mức 29 – 30% năm 2023 – 2024.
Cùng với đó lãi suất duy trì ở mức thấp cũng là một yếu tố quan trọng giúp đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân đã giảm rất nhanh trong nửa đầu năm 2024 và mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã quay về vùng lãi suất thấp của các năm COVID 2021 – 2022.
Các chuyên gia của Chứng khoán Shinhan cho rằng lãi suất có thể ổn định tại vùng này trong phần còn lại của năm 2024 và có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.
Dựa trên dự phóng tăng trưởng GDP cả năm 2024 vào khoảng 6%, mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng của nền kinh tế ước khoảng 13 – 14%. Con số này dự kiến sẽ tốt hơn trong năm 2025 với 15%.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng cơ cấu tín dụng sẽ có sự thay đổi khi nhóm tín dụng bán lẻ sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 và dẫn dắt đà tăng trưởng chung của nền kinh tế như giai đoạn 2021 - 2022. Tăng trưởng cho vay cá nhân phục hồi sẽ giúp cho cơ cấu cho vay dài hạn cải thiện về 34-35% trong hai năm tới.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng có cải thiện so với cùng kỳ, chất lượng tài sản của ngân hàng tiếp tục gặp áp lực. Nợ xấu duy trì ở mức cao, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục tăng làm giảm lợi nhuận các ngân hàng, bộ đệm dự phòng cũng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm.
Theo tổng hợp từ Chứng khoán Shinhan, trong nửa đầu năm, dư nợ nhóm 2 tăng nhẹ 1,27% so với cuối năm 2023, tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm về mức 1,8%.Nợ nhóm 2 ổn định và giảm so với mức đỉnh, nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình trước đây.
Tính đến cuối quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu bình quân các ngân hàng đạt 1,98%, tăng so với 1,76% cuối quý IV/2023. Nguyên nhân được cho là đến từ phần lớn nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cũng đã mỏng đi, từ mức bình quân 106,1% cuối quý IV/2023 xuống mức 92,35% vào cuối quý II/2024. Chi phí rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng dư nợ cho vay bình quân tương đối ổn định và duy trì ở mức 1,19%.
Theo chuyên gia của Chứng khoán Shinhan, áp lực nợ xấu vẫn sẽ duy trì ở mức cao tới cuối năm 2024: "Chúng tôi cho rằng với hoạt động xoá nợ diễn ra tập trung vào quý IV, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ gia tăng ghi nhận chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong nửa cuối năm 2024".