Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 13 ngân hàng có thuyết minh chi tiết, tổng dư nợ cho vay cá nhân tính đến hết ngày 31/3 đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2024. Dù tăng trưởng dương, con số này vẫn thể hiện sự hồi phục khá dè dặt khi thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng chung của nhóm này (4,8%).
Mức tăng trưởng nhẹ phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của cả ngân hàng lẫn người vay trong bối cảnh sức mua yếu, thu nhập người dân chưa phục hồi mạnh và lo ngại về tình trạng nợ xấu trong lĩnh vực bán lẻ.
Trong số các ngân hàng được khảo sát, MB là nhà băng có dư nợ cho vay cá nhân cao nhất, đạt 341.419 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2024. Danh mục cho vay của MB chủ yếu đến từ cho vay các tổ chức kinh tế với 434.610 tỷ đồng trong quý này, chiếm 54,5% tổng danh mục; cho vay cá nhân đạt 341.419 tỷ đồng, chiếm 42,81% tổng danh mục.
Tương tự, nếu nhìn vào danh mục cho vay theo ngành, MB đã tăng dư nợ của mảng bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo sát nút MB là VPBank với 314.436 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm trước. Tiếp đó là VIB và Techcombank cũng đạt mức dư nợ đáng kể, lần lượt là 257.155 tỷ đồng và 252.223 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt là 1% và 2,4% so với thời điểm cuối năm 2024.
Một số ngân hàng có mức tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung như MSB (tăng 3,5%), Techcombank (tăng 2,4%) và TPBank (tăng 2,1%). Trong đó với Techcombank, tín dụng cho khách hàng cá nhân trong quý tăng chủ yếu đến cho vay ký quỹ, cho vay kinh doanh tiểu thương, hộ gia đình và vay tín chấp.
Ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm như VietABank (giảm 13,9%), SeABank (giảm 8,2%) và PG Bank (giảm 1,3%), nhiều khả năng cho thấy có thể ngân hàng đang tái cơ cấu danh mục tín dụng hoặc thắt chặt điều kiện cho vay đối với khách hàng cá nhân.
Mặc dù quy mô tuyệt đối tăng nhẹ, tỷ trọng cho vay cá nhân trên tổng tín dụng lại giảm tại hầu hết ngân hàng trong danh sách khảo sát. Tính đến cuối quý I/2025, tỷ trọng trung bình là 38,4%, giảm so với mức 39,7% cuối năm 2024.
Theo thống kê, chỉ có 5/13 ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân/cho vay khách hàng trên 40% trong quý đầu năm 2025 (dựa trên BCTC các ngân hàng có công bố chi tiết về cơ cấu cho vay theo khách hàng). Những ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân trên 70% có thể được xếp là nhóm chuyên cho vay cá nhân bao gồm duy nhất cái tên VIB.
Theo đó, VIB tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng cho vay cá nhân, đạt 77% trên tổng dư nợ, dù giảm nhẹ so với 78,6% cuối năm trước. Theo ngay sau VIB là ngân hàng BVBank với tỷ trọng bán lẻ cao chiếm 68,2% tổng cho vay khác hàng; tuy nhiên so với cuối năm 2024, tỷ trọng này có giảm đi 2,3 điểm %.
Trong khi đó, hai ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ như TPBank và VPBank lại hạ tỷ trọng cá nhân xuống so với cuối năm 2024 lần lượt 1,3 điểm % và 1,8 điểm %, xuống mức 47,6% và 43,1%. Hiện nay, VPBank đang cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn cả khách hàng cá nhân.
Đồng thời, xu hướng giảm tỷ trọng cho vay cá nhân diễn ra ngân hàng mẹ và ngân hàng hợp nhất, cho thấy khẩu vị tín dụng của VPBank tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2025.
Tương tự, những ngân hàng có quy mô lớn như MB, Techcombank cũng đều giảm nhẹ tỷ trọng cho vay cá nhân. Các ngân hàng như SHB (15%), SeABank (19,4%) và VietABank (1,9%) có tỷ trọng thấp, cho thấy định hướng tín dụng nghiêng nhiều về phía khách hàng doanh nghiệp, hoặc các khoản cho vay ngắn hạn, có tài sản đảm bảo lớn.
Trong nhóm 13 ngân hàng công bố cơ cấu kể trên, VIB là ngân hàng dẫn đầu về tỷ trọng cho vay cá nhân với 77% (giảm 1,6 điểm % so với cuối năm 2024), điều này hàm ý rằng phần lớn các khoản tín dụng mà VIB cấp đều dành cho đối tượng khách hàng là cá nhân. Tính đến cuối quý I/2025, số dư cho vay khách hàng của ngân hàng là 334.158 tỷ, tăng 3,1% so với năm 2024.
Đáng chú ý, MSB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng số dư cho cá nhân cao nhất trong nhóm khảo sát với 3,5%, tuy nhiên tỷ trọng cho vay cá nhân lại giảm 1,3 điểm % so với cuối năm ngoái, hiện ở mức 24,8%.
Trong nhóm 13 ngân hàng khảo sát, MB là ngân hàng duy nhất ghi nhận tỷ trọng cho vay cá nhân tăng trưởng dương so với thời điểm cuối năm 2024, từ mức 42,7% lên 42,8%, tăng nhẹ 0,1 điểm %.
Mặc dù có những bước chậm rãi trong quý đầu năm nhưng bán lẻ vẫn được các chuyên gia phân tích kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng tín dụng của năm 2025.
Chứng khoán Shinhan dự báo rằng sau hai năm đẩy mạnh cho vay khách hàng doanh nghiệp, nhóm tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi, tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 và dẫn dắt đà tăng trưởng chung của nền kinh tế như giai đoạn 2021 - 2022. Tăng trưởng cho vay cá nhân phục hồi sẽ giúp cho cơ cấu cho vay dài hạn cải thiện về 34 - 35% trong hai năm tới.
Đồng quan điểm,Chứng khoán MBS kỳ vọng tín dụng bán lẻ sẽ đóng góp tỷ trọng lớn hơn vào tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng nhờ nhu cầu gia tăng và mức nền thấp trong năm trước.
Trao đổi với người viết, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định trước đây tín dụng cá nhân là một miếng bánh chưa được màu mỡ lắm, chưa được quan tâm nhiều vì độ rủi ro cao, đặc biệt là vấn đề về nợ xấu. Bên cạnh đó, những quy trình phê duyệt khoản vay, thủ tục cho vay cá nhân rất phức tạp và tốn chi phí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại sự chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và tự động hoá các quy trình đã giúp các ngân hàng có thể phê duyệt khoản vay, thực hiện các công việc mà không cần tốn nhiều chi phí nhân sự, đồng thời hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty tài chính về phân khúc này.
Theo chuyên gia, với mức thu nhập người dân và trình độ dân trí càng ngày càng cao, đặc biệt tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng gia tăng dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng nhiều hơn và sẽ vay với số tiền lớn hơn.
"Do đó, miếng bánh này ngày càng được mở rộng hơn và các ngân hàng cũng tham gia sâu hơn vào phân khúc này", TS Huân nhấn mạnh.