Ngày 19/11, ông Chris Blank - Nhà sáng lập đồng thời là cựu CEO chuỗi Pharmacity, thông báo khai trương hệ thống nhà thuốc mới có tên Phượng Hoàng. Theo ông, mục tiêu của Phượng Hoàng không phải là chiến thắng theo cách thông thường mà là tiếp tục cuộc hành trình, tiếp tục phát triển, cải thiện và tạo ra những giá trị bền vững.
Trong những hình ảnh khai trương nhà thuốc do ông Chris Blank đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, vị trí của Phượng Hoàng được đặt ngay đối diện Long Châu - chuỗi nhà thuốc có quy mô lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, cách thiết kế cửa hàng của Phượng Hoàng cũng mang "hơi hướng Long Châu".
Theo tìm hiểu, nhà thuốc Phượng Hoàng thuộc CTCP Nhà thuốc Phượng Hoàng. Công ty này được thành lập vào tháng 5/2024, có trụ sở tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Người đại diện pháp luật hiện là bà Cao Mai Ngọc Anh – Giám đốc công ty.
Tại thời điểm thành lập, CTCP Nhà thuốc Phượng Hoàng có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, trong đó bà Cao Mai Ngọc Anh nắm 91,79% vốn. Hai cá nhân khác là Vũ Lê Kim Ngân và Nguyễn Khánh Hoàng lần lượt sở hữu 8,2% vốn, 0,01% vốn.
Sau đó 4 tháng (9/2024), công ty giảm vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng xuống 10 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông có sự thay đổi. Bà Ngọc Anh nắm 97,49% vốn, bà Kim Ngân nắm 2,5% vốn, ông Khánh Hoàng giữ 0,01% vốn. Vai trò của ông Chris Blank không được hiện diện trong các báo cáo.
Trước Phượng Hoàng, ông Chris Blank được biết đến là nhà sáng lập Pharmacity - đơn vị đi đầu trong mảng bán lẻ dược phẩm theo chuỗi. Năm 2022, ông Chris Blank rời vị trí Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật Pharmacity.
Dù có vẻ chọn cách “đối đầu” với Long Châu nhưng kể từ khi ra mắt Phượng Hoàng chưa cho thấy họ sẽ là đối thủ xứng tầm với ông lớn bán lẻ dược phẩm.
Đơn cử, sau 4 ngày khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM, trên Fanpage Phượng Hoàng không cập nhật thêm thông tin mới.
Phượng Hoàng vẫn chưa có website bán hàng. Trong khi số hotline cung cấp gần như không liên lạc được.
Sự thiếu chỉn chu khi ra mắt này đặt ra câu hỏi liệu Phượng Hoàng có thực sự nghiêm túc trong chiến lược cạnh tranh với những Long Châu, An Khang hay với cả chính Pharmacity?
Và liệu rằng Phượng Hoàng có đi vào "vết xe đổ" như người "anh em" đã từng? Trước Phượng Hoàng, Pharmacity từng là người tiên phong và đứng đầu về quy mô khi sở hữu hơn 1.100 nhà thuốc (tháng 8/2022) nhưng lại "hụt hơi" sớm nhất trên cuộc đua mở rộng mạng lưới của mình.
Tính đến ngày 17/9/2024, Pharmacity chỉ còn 898 cửa hàng. Con số này cách rất xa mục tiêu 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc của Pharmacity vào năm 2025.
Nguyên nhân khiến Pharmacity đi lùi do chiến lược tiếp cận chưa phù hợp tại VIệt Nam. Từ 2022 trở về trước, chuỗi này đi theo hướng một nhà thuốc hiện đại học tập các nước phát triển - nhà thuốc tiện lợi nơi khách hàng đến không chỉ để mua thuốc mà còn mua các sản phẩm mỹ phẩm và FMCG khác (tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc chiếm khoảng 70% danh mục sản phẩm) cũng như việc nhấn mạnh đến mô hình self-service (tự phục vụ).
“Mô hình này theo chúng tôi đánh giá là chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại của khách hàng Việt Nam khi tìm đến một nhà thuốc với mục đích chủ yếu là mua thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, chiến lược giá bán cao hơn so với các nhà thuốc khác cũng làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của Pharmacity”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Hệ quả là Pharmacity liên tục ghi nhận lỗ ròng trong các năm gần đây. Theo số liệu của VDSC có được cho đến năm 2022, Pharmacity ghi nhận lỗ lũy kế 2.350 tỷ đồng (số liệu năm 2023 chưa được công bố).
Theo VDSC, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 nhà thuốc, trong đó, nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số với khoảng 85% thị phần. Tuy nhiên, thực tế, những chuỗi nhỏ như Phượng Hoàng trên thị trường là không hiếm.
Chẳng hạn chuỗi Trung Sơn hiện diện ở các tỉnh phía Nam. Chuỗi này có mặt từ những năm 1997 nhưng đến cuối năm ngoái mới chỉ sở hữu 140 nhà thuốc - rất khiêm tốn so với Long Châu hay An Khang - thành lập từ năm 2018.
Năm ngoái, mặc dù Trung Sơn được tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo mua lại 51% cổ phần với giá trị ước tính khoảng 30 triệu USD (khoảng 705 tỷ đồng) nhưng đến nay Trung Sơn vẫn chưa cho thấy lợi thế rõ ràng trong cuộc cạnh tranh top đầu với ba chuỗi lớn.
Nhìn vào cục diện thị trường có thể thấy Phượng Hoàng cần có một chiến lược bài bản nếu muốn trở thành đối thủ của Long Châu hay bất cứ "ông lớn" nào trong ngành hơn là "trống rong cờ mở" với những chiến dịch marketing ồn ào từ đầu.
Lần đầu tiên VARS công bố Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử dành riêng cho các Sàn Giao dịch bất động sản gồm 5 chương và 22 điều.
Quốc hội yêu cầu tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân và đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, đẩy giá.
Quốc hội giao Chính phủ tập trung phát triển nhà xã hội cho thuê tại đô thị bằng vốn đầu tư công và thu hút nguồn lực để cải tạo chung cư cũ.
Ba thửa số 108-112B-114 đường Hồng Hà, 428 và 430 Nguyễn Tất Thành, TP HCM vướng sai phạm về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo Thanh tra Chính phủ.