Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép nhằm đối phó làn sóng phòng vệ thương mại

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang gia tăng xuất khẩu phôi thép – sản phẩm bán thành phẩm ít bị đánh thuế hơn – sang các thị trường như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm né tránh các hàng rào thuế quan ngày càng dày đặc trên toàn cầu.

 

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang né tránh thuế ở các thị trường như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách xuất khẩu thép bán thành phẩm, làm suy yếu hàng rào thuế quan đối với làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đang khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại trước đà gia tăng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị thấp, theo nguồn tin của Reuters. 

Xuất khẩu thép đạt mức kỷ lục từ quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới đã làm dấy lên làn sóng bảo hộ thương mại trên toàn cầu, với 38 cuộc điều tra chống bán phá giá từ nhiều quốc gia kể từ tháng 1 năm ngoái. Các đối tác thương mại lớn như Việt Nam và Hàn Quốc đã áp thuế, lập luận rằng doanh nghiệp trong nước bị tổn hại bởi thép giá rẻ từ Trung Quốc.

Đáp lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc chuyển sang thép phôi – một dạng bán thành phẩm – vốn thường ít bị đánh thuế hơn. Theo dữ liệu hải quan, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, xuất khẩu thép phôi đã đạt 4,72 triệu tấn, gấp ba lần cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong cùng giai đoạn.

“Các nhà xuất khẩu Trung Quốc buộc phải tận dụng mọi cơ hội có thể để bán hàng khi bị kìm hãm bởi thuế quan và nhu cầu nội địa yếu,” ông Tomas Gutierrez, phụ trách dữ liệu tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, nhận định và cho biết xu hướng này bắt đầu từ mùa thu năm ngoái. “Bất cứ khi nào xuất khẩu thép phôi có lãi, họ sẽ xuất khẩu.”

Năm thị trường xuất khẩu thép phôi hàng đầu là Indonesia, Philippines, Arab Saudi, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu hải quan. Các nước như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có áp thuế với một số sản phẩm thép thành phẩm, nhưng không áp dụng với thép phôi.

Tương tự, các thị trường lớn như Hàn Quốc hay Việt Nam cũng không áp thuế lên thép phôi, loại sản phẩm có thể được gia công thành thép thành phẩm sử dụng trong xây dựng và sản xuất.

Các nhà phân tích tại Mysteel nhận định, chính sự thiếu vắng các rào cản thương mại đối với thép phôi so với thép thành phẩm đã thúc đẩy đà tăng xuất khẩu nhanh chóng. Một phần nhu cầu cũng đến từ hình thức tái xuất, khi các nước Đông Nam Á nhập thép phôi từ Trung Quốc, gia công rồi tái xuất sang châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế 50% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên thép nhập khẩu đã gây gián đoạn hoạt động tái xuất này và việc chuyển hàng sang Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn.

Lượng xuất khẩu thép phôi của Trung Quốc từ năm 2024 đến tháng 5/2025 (Đơn vị: Triệu tấn, nguồn: Hải quan Trung Quốc, MySteel, Reuters)

Động lực thúc đẩy làn sóng xuất khẩu – dù là thép phôi hay thành phẩm – chính là nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và lĩnh vực bất động sản lao đao, không đủ sức hấp thụ khối lượng sản xuất khổng lồ của ngành thép. Trong nhiều tháng qua, ngành thép đã liên tục cân nhắc việc cắt giảm sản lượng. 

Làn sóng xuất khẩu thép phôi tăng mạnh đã khiến Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) đưa ra cảnh báo, kêu gọi các nhà sản xuất nên tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

 Số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại các nước áp dụng lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2024 và 2025 (Nguồn: Cơ quan Thông tin Phòng vệ Thương mại Trung Quốc, Reuters)

Theo thông tin được truyền thông địa phương đăng tải hồi tháng trước, CISA đã khuyến nghị chính phủ hạn chế xuất khẩu thép phôi để ngành duy trì mục tiêu xuất khẩu sản phẩm thép chất lượng cao.

Nguồn tin Reuters cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc áp thuế xuất khẩu đối với thép phôi, song chi tiết về việc có áp thuế hay mức thuế bao nhiêu vẫn chưa được chốt. Theo đánh giá từ các công ty tư vấn Mysteel và Fubao, giá trị gia tăng từ thép phôi thấp hơn khoảng 400–500 nhân dân tệ (tương đương 56–70 USD) so với các sản phẩm thép thành phẩm.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngành gạo Ấn Độ hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu vì thị trường dư cung

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ đang phải cắt giảm dự báo tăng trưởng khi thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung do nước này dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. Xuất khẩu giảm, giá lao dốc đang bóp nghẹt biên lợi nhuận của các nhà cung cấp.

Ngành phân bón Nga đặt mục tiêu chiếm 25% thị phần thế giới năm 2030

Các nhà sản xuất phân bón Nga dự kiến sẽ nâng thị phần toàn cầu từ 20% hiện nay lên 25% vào năm 2030, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), nhờ chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia thuộc nhóm BRICS.

PVOIL sẽ bán thí điểm xăng sinh học E10 từ tháng 9/2025

Theo lộ trình của Chính phủ và định hướng mới nhất của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ bắt buộc sử dụng xăng sinh học E10 trên toàn quốc và thị trường sẽ không còn các loại xăng khoáng như hiện nay.

Giá lúa gạo hôm nay 17/7: Gạo nguyên liệu giảm nhẹ, lúa tiếp tục đi ngang

Giá lúa gạo hôm nay (17/7) ghi nhận điều chỉnh giảm 50 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu, trong khi giá lúa tiếp tục duy trì ổn định. Bangladesh quyết định nhập khẩu 400.000 tấn gạo nhằm kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng thiết yếu này và bổ sung kho dự trữ.