Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo nếp nhưng tăng mua các loại gạo thơm từ Việt Nam

Việc Trung Quốc phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, chủng loại gạo xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này. Tuy vậy, nhu cầu đối với các loại gạo thơm như ST21, ST24... lại tăng cao.

Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc giảm trong khi gạo thơm tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của nước ta, tuy nhiên xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm đã giảm mạnh 27,5% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 466.225 tấn với trị giá 242,74 triệu USD.

Việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID” phong tỏa để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, chủng loại xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này.

Được biết gạo nếp vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng qua với khối lượng 223.464 tấn, nhưng so với cùng kỳ giảm mạnh 53,1%. Tỷ trọng gạo nếp trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 48% từ mức 74% của cùng kỳ.

Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu nếp lớn nhất sang Trung Quốc và đồng thời đây cũng đang là thị trường tiêu thụ nếp số 1 của Việt Nam chiếm hơn 60% tỷ trọng.

Tại Trung Quốc, gạo nếp chủ yếu được sử dụng để làm bánh bao, cháo và các món tráng miệng, nhưng do dịch bệnh nên việc đi lại của người dân Trung Quốc có nhiều hạn chế và điều này đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với các loại thực phẩm làm từ gạo nếp.

Tuy nhiên, điều tích cực là Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu các loại gạo thơm, đặc biệt là gạo ST21, ST24 từ Việt Nam. Lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đã tăng 58,6% lên 188.459 tấn.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo Japonica, gạo trắng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay.

 Tỷ trọng các chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Đánh giá về nhu cầu gạo của Trung Quốc trong những tháng tới, các doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu sử dụng gạo nếp tăng cao trong các dịp Lễ Tết cao điểm cuối năm sẽ thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu của nước này.

Ngoài ra, tình hình sản xuất lúa gạo không thuận lợi do hạn hán có thể thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu nhiều gạo hơn.

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết một số khu vực của tỉnh Giang Tô và An Huy của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng nắng nóng kéo dài. Thời tiết đã dịu đi sau những trận mưa gần đây, nhưng lượng mưa phân bố không đồng đều và hạn hán vẫn tiếp diễn cục bộ.

Theo Cục thống kê Trung Quốc, Giang Tô và An Huy chiếm khoảng 11,5% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc vào năm 2021.

Còn trong báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo tiêu thụ gạo của Trung Quốc niên vụ 2022-2023 đạt 156,6 triệu tấn, tăng nhẹ so với 156,29 triệu tấn của niên vụ trước đó.

Đáng chú ý, Trung Quốc dự kiến tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2023. Lượng gạo dự trữ cuối kỳ của Trung Quốc dự kiến ​​giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 109 triệu tấn.

Việt Nam tụt xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu gạo vào Trung Quốc

Với sự sụt giảm hơn 27% Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu gạo vào Trung Quốc từ vị trí số một của năm ngoái, thị phần gạo của Việt Nam tại Trung Quốc cũng giảm từ 22,5% xuống còn 11,5%, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Ấn Độ vươn lên đứng đầu về xuất khẩu gạo vào Trung Quốc với 1,5 triệu tấn, tăng mạnh 2,6 lần so với cùng kỳ và chiếm 36,9% nhập khẩu gạo của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng đến hơn 72% lượng gạo nhập khẩu từ Pakistan và Thái Lan, đồng thời tăng gấp 3 lần lượng gạo nhập khẩu từ Lào...

Những tháng đầu năm nay, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan để thay thế khẩu phần thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá lúa mì, lúa mạch tăng cao do xung đột giữa Nga và Ucraina.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo, tăng mạnh 43,3% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Lào… nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam và Myanmar.

Tính riêng trong tháng 7, nhập khẩu gạo của nước này đạt 500.000 tấn, giảm 24,2% so với tháng trước nhưng tăng đến 72,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc nhập khẩu gạo từ các thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2022, (Số liệu từ Hải quan Trung Quốc, biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá thép xây dựng hôm nay 2/12: Giảm nhẹ vì áp lực chốt lời

Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều nay vì áp lực chốt lời sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào cuối tuần trước. Trong khi đó, giá quặng sắt tăng nhẹ khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc cải thiện.

Giá lúa gạo hôm nay 2/12: Tăng từ 200 – 400 đồng/kg ở một số loại gạo

Giá lúa gạo hôm nay (2/12) tại An Giang tăng từ 200 – 400 đồng/kg, trong đó lúa OM 18 chạm mốc 9.200 đồng/kg. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có xu hướng sụt giảm, nước này hiện chỉ đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu gạo của nước ta sau Philippines và Indonesia.

Giá sầu riêng hôm nay 2/12: Ổn định ở mức cao đối với loại đẹp

Giá sầu riêng hôm nay 2/12 không có nhiều thay đổi so với cuối tuần trước tại các vùng trồng chính trên cả nước. Trong khi đó, sản xuất sầu riêng bền vững là một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp cần hướng tới.

Cá tra Việt Nam tại Trung Quốc đang chịu áp lực cạnh tranh từ cá lóc

Trang Undercurrent News dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp thuỷ sản Trung Quốc cho biết cá lóc nuôi tại nước này đang nhanh chóng chiếm ưu thế so với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Hiện, cá tra đang nắm giữ 40% thị phần cá chế biến.