Kinh tế Quốc tế 26/04/2025 10:53

Trung Quốc loay hoay: Xuất khẩu sang Mỹ mắc thuế quan, bán trong nước vướng nhu cầu yếu

Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp để giúp đỡ những công ty bị tổn thương vì thuế quan của Mỹ. Song, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với thách thức lớn ở thị trường nội địa.

 Một nhà máy dệt may ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Lời trải lòng của một chủ doanh nghiệp 

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 4, Bắc Kinh đã kêu gọi các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Nhưng với bà Li, chủ một cơ sở sản xuất xe đạp tập trung hoàn toàn vào khách Mỹ, quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Li đăng ký tham gia chương trình trên JD.com, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Công ty hứa hẹn sẽ rót 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 27,4 tỷ USD) để giúp các nhà xuất khẩu chuyển đổi sang bán hàng trong nước.

Nhưng những ngày sau, đơn đăng ký của bà vẫn không được xử lý. Bà cho biết: “Chúng tôi liên lạc với JD để mở một gian hàng trên mạng, nhưng họ bảo chính sách đó chỉ áp dụng với những tiểu thương đã vận hành gian hành riêng từ trước".

"Bộ phận dịch vụ khách hàng thậm chí còn chưa nghe nói đến bất kỳ biện pháp hỗ trợ đặc biệt nào cho các công ty xuất khẩu như chúng tôi”, nữ doanh nhân nói thêm.

Theo bà Li, rắc rối chính là hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc đều là những công ty sản xuất theo hợp đồng. Họ sản xuất hàng cho các thương hiệu nước ngoài, nhưng không có quyền bán chúng trong nước. 

Bà giải thích: “Xe đạp của chúng tôi gắn logo của khách hàng. Nếu bán chúng tại Trung Quốc thì tôi sẽ vi phạm luật bảo hộ nhãn hiệu. Chúng tôi không có thương hiệu riêng nên còn chẳng được cấp phép bán hàng.

Nhưng công ty tôi xuất khẩu số xe đạp trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ mỗi năm. Điều đó hẳn phải có giá trị nào đó chứ?”

 

Quá đắt với thị trường nội địa

Từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc lên mức tối đa 245%, Bắc Kinh đã chuẩn bị để các nhà xuất khẩu chuyển đổi thị trường. Các biện pháp hỗ trợ chủ yếu được triển khai thông qua hội trợ triển lãm, trợ cấp và các kênh bán hàng thương mại điện tử.

Những nền tảng như JD.com, ứng dụng tạp hóa Freshippo và các nhà bán lẻ khổng lồ bao gồm Yonghui Superstores đã khởi động các chương trình bán hàng trong nước dành riêng cho hàng hóa vốn nhằm mục đích xuất khẩu.

Hồi tháng 3, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nỗ lực của Bắc Kinh không phải giải pháp tạm thời mà là một phần của chiến lược lâu dài nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng trong nước.

Song, nhiều nhà xuất khẩu cảnh báo hàng hóa của họ rất khó bán trong thị trường nội địa. Bà Li chỉ ra: “Xe đạp xuất khẩu có chất lượng cao và tốn nhiều phi chí sản xuất. Dù chúng tôi bán lỗ thì chúng vẫn quá đắt với đa số người Trung Quốc”.

Bà Zhao, chủ một nhà máy ở tỉnh Sơn Đông, cũng đối mặt với thách thức tương tự. Nhà máy của bà sản xuất thiết bị nhà bếp kiểu phương Tây cho các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã suy nghĩ kỹ về việc bán trong nước, nhưng sản phẩm không phù hợp với thị trường nội địa. Nấu ăn theo kiểu phương Tây không phổ biến tại Trung Quốc”.

Giống nhiều nhà xuất khẩu khác, công ty bà Zhao chuyên sản xuất theo hợp đồng và không có thương hiệu riêng, do đó bà không thể bán hàng trên hầu hết sàn thương mại điện tử.

Bà kể với tờ South China Morning Post (SCMP): “Thuế quan gây ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi. Sau khi Mỹ công bố các mức thuế, khoảng 30% khách hàng Mỹ của tôi đã hủy đơn”.

Công nhân đóng gói bàn phím tại nhà máy Logitech International ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Quy mô không phải tất cả

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 524,7 tỷ USD trong năm 2024, tương đương 8% doanh số bán lẻ toàn quốc.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tuyên bố thị trường nội địa là “mạng lưới an toàn đáng tin cậy” cho các nhà xuất khẩu. CCTV nhấn mạnh thị trường trong nước lớn gấp hơn 10 lần thị trường xuất khẩu sang Mỹ.

Nhưng các nhà xuất khẩu chỉ ra quy mô thị trường không phải là tất cả. Bà Zhou là một chủ nhà máy dệt may ở tỉnh Chiết Giang đã sản xuất ga gối đệm và rèm cửa cho khách hàng Mỹ từ năm 2014. Sản phẩm của bà đơn giản là không phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong nước.

Bà nói rõ: “Kích cỡ giường và rèm ở hai nước hoàn toàn khác nhau. Và khách hàng của chúng tôi chủ yếu dùng polyester, nhưng người Trung Quốc muốn vải cotton. Ý tưởng bán hàng trong nước là không khả thi. Chúng tôi sẽ phải chờ xem Mỹ làm gì tiếp theo”.

Bà Xie Cheng, người điều hành một nhà máy dệt gia dụng cho khách hàng Mỹ ở tỉnh Giang Tô, cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.

Bà cho biết: “Lượng hàng tồn kho của chúng tôi rất lớn. Việc đẩy số hàng đó ra thị trường nội địa sẽ gây ra rắc rối, bởi Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề thừa công suất... Thị trường nội địa không còn chỗ cho chúng tôi”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 26/04/2025 20:55
Tổng thống Mỹ bảo vệ chính sách thuế quan và trục xuất người nhập cư trái phép

Về vấn đề nhập cư và an ninh nội địa, ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là tội phạm.

Kinh tế Quốc tế 26/04/2025 19:46
Singapore không đạt được thỏa thuận giảm thuế với Mỹ

Quan chức Singapore cho biết mặc dù Mỹ chưa sẵn sàng hạ mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa Singapore nhưng hai bên nhất trí sẽ tìm hiểu cách thức để tăng cường quan hệ kinh tế.

Kinh tế Quốc tế 26/04/2025 13:44
Anh không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ

Tại cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Anh, hai bên không thống nhất được quan điểm về thuế khi phía Mỹ đưa ra những yêu cầu mới, trong đó có việc cắt giảm thuế với ôtô nhập khẩu vào Anh.

Kinh tế Quốc tế 26/04/2025 10:06
S&P 500 tiếp đà tăng khi NĐT kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến thuế quan đã qua

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần với kết quả mạnh mẽ khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến thuế quan đã qua đi.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO