Trung Quốc ngừng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ

Nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 3 phần lớn đều giảm, thậm chí ngừng hẳn, khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một leo thang, theo Bloomberg.

Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 3 đã ngừng hẳn sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm khi các tuyến vận tải đường biển bị thay đổi do cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc công bố hôm 20/4, các lô hàng LNG của Mỹ giao cho khách hàng Trung Quốc trong quý I/2025 đã giảm 70%. Đây là thời gian gián đoạn dài nhất kể từ cuộc chiến thương mại diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump khi Trung Quốc không tiếp nhận hàng từ Mỹ trong khoảng 400 ngày.

Theo tính toán của RIA Novosti dựa trên số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Mỹ là 1 trong 5 nhà cung cấp lớn nhất LNG cho Trung Quốc với 4,15 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ 194.200 tấn LNG, trị giá 125,4 triệu USD, nhưng tháng 2 giảm xuống còn 65.800 tấn, trị giá 31,4 triệu USD và tháng 3 thì ngừng hẳn.

Xung đột địa chính trị một lần nữa “chia tách” người mua và người bán LNG của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên đến 125% đối với hàng hóa từ Mỹ đã khiến doanh nghiệp nước này chuyển hướng sang tìm nguồn cung từ Indonesia, Australia và Brunei.

Kim ngạch nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Indonesia trong tháng 3 tăng 70% lên 330,7 triệu USD, nhập khẩu từ Australia tăng 18% lên 778,4 triệu USD.

Trong khi nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Mỹ giảm, thậm chí ngừng hẳn, nhập khẩu khí đốt qua đường ống dẫn khí, chủ yếu từ Nga, trong quý I lại tăng nhẹ, mặc dù khối lượng vẫn thấp hơn so với vận chuyển đường biển.

Theo bà Daniela Li, nhà phân tích tại BloombergNEF, Trung Quốc hiện dựa vào than đá và năng lượng tái tạo thay vì LNG để đảm bảo an ninh năng lượng trước những biến động thương mại. Tổng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trong năm nay dự báo tăng nhẹ nhưng nhập khẩu LNG có thể giảm 12% so với năm ngoái nếu các mức thuế vẫn ở mức trên 100% trong vòng 6 tháng tới.

Ngoài LNG, nhập khẩu nhiều mặt hàng khác từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 3 cũng giảm mạnh, thậm chí ngừng hẳn – lúa mỳ. Mỹ chiếm 17% tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2024.

Hồi tháng 2, Trung Quốc áp thuế trả đũa 10-15% đối với sản phẩm năng lượng từ Mỹ và thuế suất tương tự đối với nông sản trong tháng 3. Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc thậm chí giảm mạnh hơn sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang với việc 2 bên liên tục nâng thuế suất trả đũa lẫn nhau.

Nhập khẩu đồng của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 3 giảm hơn 1/2 xuống còn 22.000 tấn. Nhập khẩu bông cùng kỳ giảm 90% xuống còn 14.000 tấn, trong khi nhập khẩu ngô giảm xuống còn 800 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Tuy nhiên, nhập khẩu đậu nành và dầu thô của Trung Quốc lại tăng khi tương ứng tăng 12% lên 2,44 triệu tấn và 25% lên 542.000 tấn. Hiện Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới - vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ cho đến khi nguồn cung từ Nam Mỹ được cải thiện vào vụ thu hoạch.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI

Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025 thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI.

Dự báo giá heo hơi ngày 22/4: Thị trường phía Nam sẽ tiếp tục đi lên

Theo dự báo của các chuyên gia, heo hơi tại khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng giá trong ngày mai do thị trường này đang có xu hướng đi lên.

Giá lúa gạo hôm nay 21/4: Lúa giữ nhịp tăng, gạo giảm nhẹ theo xu hướng điều chỉnh

Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều trong ngày đầu tuần. Cám gạo, cám gạo chiết ly là một trong 4 mặt hàng nông sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

VASEP kiến nghị 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản đối phó với thuế đối ứng của Mỹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn, giữ thị phần và nâng cao khả năng cạnh tranh do việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.