Quan hệ thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. (Ảnh minh hoạ: iStock).
Hôm 4/4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế quan 34% đối với tất cả hàng hoá Mỹ bắt đầu từ ngày 10/4. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Mỹ công bố thuế quan mới nhắm vào 180 đối tác thương mại của nước này.
“Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức huỷ bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết bất đồng thương mại thông qua tham vấn bình đẳng, tôn trọng và hai bên cùng có lợi”, Bộ Tài chính Trung Quốc bày tỏ trong một tuyên bố.
Hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế đối ứng tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Khoảng 60 đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn.
Mức thuế đối ứng với hàng hoá Trung Quốc là 34%. Nhà Trắng lưu ý thuế đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng gộp cùng với các mức thuế hiện hành. Vì vậy, hàng hoá xuất khẩu từ đất nước tỷ dân sang Mỹ sẽ phải chịu tổng mức thuế quan là 54%.
Thuế quan tối thiểu sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4. Chính quyền ông Trump công bố thuế đối ứng nhằm mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá với thế giới và thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước.
Thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Trung Quốc đã thu hẹp sau năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao.
Trong tuyên bố mới, Bộ Tài chính Trung Quốc tiếp tục chỉ trích quyết định của Mỹ là “không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế”, làm suy yếu “nghiêm trọng” lợi ích của Trung Quốc và gây nguy hiểm cho “sự phát triển kinh tế, sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ở diễn biến khác, Trung Quốc còn thêm 11 doanh nghiệp Mỹ vào “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” mà chính quyền Bắc Kinh khẳng định đã vi phạm các quy tắc thị trường hoặc cam kết hợp đồng.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thêm 16 thực thể Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và cho biết sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 7 mặt hàng đất hiếm bao gồm samarium, gadolinium và terbium.
Giữa lúc Trung Quốc công bố loạt biện pháp đáp trả, các đối tác thương mại khác của Mỹ đang tạm hoãn trả đũa với hy vọng sẽ có thêm các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phía Liên minh châu Âu vẫn lên tiếng sẵn sàng đáp trả.
Trung Quốc là cái tên đứng đầu danh sách các đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Vào năm 2024, Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại khoảng 295,4 tỷ USD với Trung Quốc, con số vượt xa bất kỳ đối tác nào khác.
Tuy nhiên, đây chưa phải là mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử giao thương Mỹ - Trung. Mức kỷ lục cho đến nay là 418 tỷ USD vào năm 2018, thời điểm ông Trump bắt đầu khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.
Sau nhiều vòng áp thuế trả đũa lên hàng hoá của nhau, hai nước đã ký thoả thuận thương mại vào năm 2020, trong đó Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm hàng hoá Mỹ. Kết quả là, xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Trung Quốc đã có xu hướng tăng trong vài năm qua, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.
Xét theo kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Mỹ vào năm 2024, Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau Mexico. Trong khi đó, nếu xét theo tổng kim ngạch thương mại hàng hoá hai chiều, Trung Quốc là đối tác lớn thứ ba, sau Mexico và Canada.
Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa đưa ra tuyên bố thận trọng về chính sách tiền tệ, bất chấp lời thúc giục hạ lãi suất từ Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump khẳng định việc Trung Quốc áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ cho thấy Bắc Kinh đang hoảng loạn.
Số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 3, tạm thời đảm bảo rằng thị trường lao động vẫn ổn định.
Một bài thơ ra đời cách đây 130 năm chính là bí quyết giúp Warren Buffett bình tĩnh dù thị trường chứng khoán cắm đầu vì thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.