Vĩ Mô 10/03/2023 11:03

TS. Lương Hoài Nam: Du lịch Việt Nam đang đi lùi, cần sớm 'mở toang' cánh cửa visa để cứu doanh nghiệp

Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, cần coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế và luôn luôn theo dõi, điều chỉnh chính sách visa của chúng ta để đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước khác.

Phát biểu tại Hội thảo 'Mở visa để phục hồi du lịch' do Báo Thanh niên tổ chức sáng 10/3, TS. Lương Hoài Nam,Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) nhấn mạnh so với Thái Lan, du lịch của Việt Nam không còn đường lùi bởi nếu cứ đi lùi và không cải tổ được thì liệu có còn ngành hàng không và ngành du lịch Việt Nam nữa hay không.

"Nếu như trước dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng 1/2 Thái Lan thì sau dịch COVID-19, mục tiêu khách đến quốc tế của Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan", ông Nam nói. 

Nhấn mạnh sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp du lịch và hàng không đang rất xấu, TS. Nam nêu thực tế, hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất. Nhiều khách sạn ngay ở TP HCM rao bán để có tiền trả nợ, các phố du lịch đìu hiu, không có cơ hội kinh doanh. 

Hàng không Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, các hãng đều báo lỗ trong năm 2022, theo TS. Lương Hoài Nam nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, việc này sẽ xảy ra ngày càng nhiều, uy hiếp sự tồn vong của ngành vận tải hàng không Việt Nam.

Ông Nam cho rằng, trong bối cảnh sức khoẻ ngành hàng không và du lịch đang vô cùng xấu, sự cởi mở về visa sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hàng không, du lịch, lan toả đến các ngành kinh tế khác, thu hút nguồn ngoại tệ,…

“Tháo gỡ những vướng mắc về visa giúp các doanh nghiệp tiếp tục đứng vững và phát triển”, chuyên gia nói.

TS. Lương Hoài Nam cũng chỉ ra một vấn đề, bất động sản nghỉ dưỡng không có đầu ra do du lịch kém phát triển là một trong những lý do khiến doanh nghiệp gặp khó. Vì vậy, thúc đẩy thị trường du lịch cũng một phần giúp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. 

TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB). (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan đến vấn đề “cởi trói” visa, TS. Lương Hoài Nam cho biết, so với Thái Lan hiện đang miễn visa cho 68 nước, Singapore miễn visa cho 178 quốc gia thì việc mở cửa cho 24 quốc gia của Việt Nam vẫn là rất thấp. Đồng thời, thời gian lưu trú cũng thấp, khách chỉ được miễn visa một lần duy nhất.

Chuyên gia nêu 6 đề xuất liên quan đến chính sách visa để hỗ trợ vực dậy ngành hàng không, du lịch.

Thứ nhất, mở rộng chính sách miễn visa cho các quốc gia với số lượng ngang bằng Thái Lan, thời hạn nâng lên 30-45 ngày. Đặc biệt, phải áp dụng cho phép đi lại nhiều lên trong khoảng thời gian cho phép bởi xu hướng du lịch hiện nay là khách quốc tế đi nhiều điểm đến, nhiều quốc gia trong một chuyến du lịch.

Nếu khách du lịch quốc tế bay vào Việt Nam sau đó sang Singapore và khi về lại phải vòng sang Thái Lan để bay về nước thì liệu sân bay Long Thành có trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế được hay không?, ông Nam đặt vấn đề.

Các quốc gia được kiến nghị miễn visa bao gồm: EU, Canada, Australia, New Zealand, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, thân thiện với Việt Nam, một số quốc gia Trung Đông, Tây Á. Đồng thời, kéo dài thời gian áp dụng chính sách lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường bay đến các quốc gia này.

Thứ hai, với các nước lớn, đông dân mà Việt Nam chưa thể miễn visa, nên tiến hành đàm phán cấp visa song phương dài hạn nhiều năm.

Thứ ba, miễn visa cho các đoàn tổ chức hội nghị, du lịch MICE, cho các phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng. Đối tượng siêu giàu này theo chuyên gia cũng nên miễn visa cho họ để sân bay có thêm nguồn thu.

Thứ tư, cần đầu tư nâng cấp hệ thống e-visa để khách quốc tế dễ dàng xin visa.

Thứ năm, coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế và luôn luôn theo dõi, điều chỉnh chính sách visa để đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước khác.

Thứ sáu, ứng dụng mạnh công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu trong công tác xuất nhập cảnh như các nước đang làm. 

 

Một điểm tiêu cực từ chính sách visa là việc các công ty du lịch lợi dụng để làm dịch vụ. "Có visa thì sẽ có dịch vụ visa, những tiêu cực này sẽ làm méo mó hết hình ảnh, chính sách của Nhà nước về visa", ông Nam nói.

Đây cũng là một vấn nạn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty du lịch, không tập trung vào chất lượng mà tập trung vào quan hệ để xin visa. Vì vậy, việc thay đổi chính sách về visa cũng giúp xoá sổ những vấn nạn liên quan đến chính sách này trong ngành du lịch, chuyên gia nhìn nhận.

 

 

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 28/10/2024 22:55
Đánh giá ngay nguy cơ, rủi ro với sản phẩm giá rẻ trên sàn thương mại điện tử

Sự xuất hiện của các sản phẩm giá rẻ trên sàn thương mại điện tử Temu bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam đang làm “nóng” các phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Vĩ Mô 28/10/2024 22:10
Dự án 1 luật sửa 7 luật: Giải quyết những vấn đề cấp bách, vướng mắc trong nền kinh tế

Dự án 1 luật sửa 7 luật được kỳ vọng là Dự án luật quan trọng, nếu được thông qua sẽ kỳ vọng tháo gỡ được những vấn đề lớn, mang tính cấp bách, điểm nghẽn của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trả lời báo giới xung quanh Dự án Luật này.

Vĩ Mô 28/10/2024 16:35
Quốc gia sở hữu 5/20 quỹ đầu tư FDI lớn nhất thế giới muốn hỗ trợ Việt Nam làm trung tâm tài chính

Bộ trưởng Bộ Đầu tư UAE Mohammed Bin Hassan Al Suwaidi khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng.

Vĩ Mô 28/10/2024 15:49
Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 47% kế hoạch trong 10 tháng

Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân đầu tư công tính đến ngày 31/10 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.