02/07/2025 07:04

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Tỷ giá tăng cao do hai nguyên nhân, độ trễ chính sách tiền tệ còn lớn

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, việc tỷ giá tăng nóng trong những thời gian gần đây xuất phát từ hai nguyên nhân là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lớn và ảnh hưởng từ căng thẳng về thuế quan.

Tỷ giá "dậy sóng" trong thời gian gần đây khi liên tục tăng cao, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ giá trung tâm trong ngày 1/7 đạt 25.058 VND/USD, tăng thêm 6 đồng so với ngày hôm trước và tăng 716 đồng so với đầu năm - mức kỷ lục trong nhiều năm qua.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 24/6, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt neo trên mốc 26.300 USD, ghi nhận tăng đáng kể với mức điều chỉnh từ 10 đến 91 đồng. 

Đồng thời, NHNN đã đẩy giá bán USD tại Sở giao dịch lên 26.260 VND/USD, tương ứng mức tăng 31 đồng so với phiên giao dịch trước đó, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm, giá bán USD đã tăng thêm 810 đồng, tương đương tăng gần 3,2%.

Mức giá này được hiểu là giá chặn trên của NHNN đối với tỷ giá USD, tức khi tỷ giá chạm mức này thì NHNN sẽ bán USD từ dự trữ ngoại hối để cân bằng thị trường.

Dẫn số liệu từ báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 24/6, VND mất giá khoảng 2,6%-3% trên thị trường chính thức và 2,2% trên thị trường tự do. 

Theo VDSC, tính đến ngày 24/6, VND mất giá khoảng 2,6%-3% trên thị trường chính thức và 2,2% trên thị trường tự do (Ảnh: Wichart)

Trao đổi với người viết, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, nhận định tỷ giá VND/USD chịu áp lực rất lớn trong nửa đầu 2025, luôn ở trong trạng thái tăng kịch trần so với hạn mức NHNN đưa ra. 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tỷ giá biến động trong thời gian vừa qua, theo chuyên gia lý do xuất phát từ hai yếu tố, thứ nhất là do chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ và thứ hai là những vấn đề căng thẳng về thuế quan.

Đối với nguyên nhân thứ nhất, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao, theo TS Huân, khi lãi suất tại Mỹ được giữ ở mức cao, đồng USD trở nên hấp dẫn hơn và duy trì giá trị mạnh, từ đó tạo ra áp lực tăng tỷ giá.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam lại đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ (bao gồm phần bù rủi ro tỷ giá) lớn. 

Chuyên gia cho ví dụ lãi suất trong nước hiện vào khoảng 4–5%, tương đương với mức lãi suất tại Mỹ, nhưng kỳ vọng mất giá của Việt Nam đồng so với USD lại khá cao, khoảng 4–5% mỗi năm.

"Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như nhà đầu tư Mỹ, dù gửi tiền tại Việt Nam với lãi suất tương đương trong nước, cũng khó cảm thấy hài lòng. Bởi nếu quy đổi từ VND sang USD, thì sẽ bị mất giá, phần lãi suất nhận được gần như bị triệt tiêu, thậm chí lợi nhuận thực tế có thể âm. Trong khi đó, đầu tư tại Mỹ với cùng mức lãi suất 4–5% vẫn mang lại lợi nhuận dương", chuyên gia lý giải. 

Về nguyên nhân thứ hai, theo chuyên gia, đến từ một số yếu tố bên ngoài như vấn đề căng thẳng từ thuế quan, bất ổn địa chính trị cũng phần nào tác động đến tỷ giá trong nước. 

Theo TS Huân trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam dường như đang chấp nhận đánh đổi ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Đây là một định hướng chính sách đã được cân nhắc từ đầu năm.

 

Tỷ giá nửa cuối năm 2025: Biến số lớn nhất đến từ chính sách thuế của Mỹ

Nhận định về triển vọng tỷ giá trong nửa cuối năm 2025, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian tới là quyết định của Mỹ về mức thuế áp lên Việt Nam. Đây được xem là biến số lớn và mang tính quyết định đối với diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm. 

Theo ông Huân, trong trường hợp Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa từ Việt Nam, áp lực tỷ giá sẽ lớn. Lý do là khi thuế cao, thặng dư thương mại sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Đồng thời, có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không những chững lại mà thậm chí có thể bị đảo chiều, chuyển dịch ra khỏi Việt Nam.

Ngược lại nếu mức thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh khác và thấp hơn Trung Quốc, thì dòng vốn chảy vào không thay đổi nhiều. Còn nếu như mà thấp hơn Trung Quốc và cao hơn các đối thủ cạnh tranh thì cái dòng chảy về vốn có thể bị thay đổi, thậm chí là thặng dư thương mại  cũng có thể bị thay đổi, tuy nhiên không đáng kể. 

TS Huân cảnh báo rằng nếu Việt Nam bị áp mức thuế tương đương với Trung Quốc, thì đây sẽ là trường hợp rủi ro cao nhất, tỷ giá sẽ căng thẳng. Không loại trừ khả năng dòng vốn FDI sẽ đảo ngược và chảy khá mạnh.

Trong kịch bản trung tính hơn, khi thuế của Việt Nam cao hơn một số đối thủ nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc, tỷ giá sẽ vẫn chịu áp lực, nhưng mức độ rủi ro sẽ đỡ hơn.

Kịch bản lý tưởng nhất, theo ông Huân, là khi mức thuế Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam tương đương với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực. 

 PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân -Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Hạ An).

Ở góc độ phân tích của các chuyên gia VDSC, thời hạn gia hạn thuế đối ứng gần kề cùng với chênh lệch âm lãi suất VND-USD trở lại trong tháng 6 đã làm gia tăng áp lực lên triền vọng tỷ giá USD/VND, tuy nhiên, các chuyên gia VDSC đánh giá mức mất giá hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát kèm với sự chủ động của NHNN.

"Những áp lực này có thể được gỡ bỏ dần nếu kết quả đàm phán trong kỳ vọng và NHNN can thiệp trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất VND-USD", nhóm phân tích cho hay. 

Theo VDSC, trong nửa cuối năm 2025, cân đối cung-cầu ngoại tệ vẫn sẽ căng thẳng khi thặng dư thương mại đã giảm dần trong các tháng gần đây; dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển khi câu chuyện thuế quan rõ ràng hơn và áp lực tăng trưởng dẫn đến việc thúc đẩy tín dụng và đầu tư công, từ đó quan ngại về kỳ vọng lạm phát tăng trong tương lai có thể khiến nhu cầu tích trữ USD gia tăng.

Chính sách tiền tệ có độ trễ lớn, cần cải thiện kênh truyền dẫn

Đánh giá về hiệu quả và sự linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ điều hành tỷ giá trong thời gian qua, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng độ trễ của chính sách tiền tệ vẫn còn lớn. Tuy nhiên, ông lưu ý độ trễ này không chỉ xuất phát từ động thái nhà điều hành mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

"Để nâng cao hiệu quả, việc rút ngắn độ trễ chính sách là điều cần thiết, đặc biệt thông qua việc cải thiện kênh truyền dẫn chính sách. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt là một yếu tố then chốt giúp tăng hiệu quả điều hành tiền tệ trong thời gian tới", chuyên gia nhấn mạnh. 

TS Huân cho biết thêm hiện Việt Nam vẫn đang sử dụng kết hợp giữa công cụ thị trường và các biện pháp hành chính như hạn mức tăng trưởng tín dụng. 

Tuy nhiên, ông cho rằng cần tăng cường vai trò của công cụ thị trường, tiến tới giảm dần và loại bỏ dần công cụ hành chính. Khi các công cụ thị trường như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được vận hành hiệu quả, hệ thống sẽ linh hoạt hơn và phù hợp với cơ chế thị trường.

 

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo chính sách cũng là yếu tố then chốt giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả.

Ông dẫn ví dụ từ Fed, nơi mà hệ thống dự báo có sai số rất nhỏ giúp họ có thể can thiệp sớm, can thiệp trước khi biến động xảy ra, chứ không chờ đến khi rủi ro hiện hữu mới hành động.

Vị chuyên gia nhấn mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ, thời điểm can thiệp là yếu tố quyết định. Nếu đợi đến khi lạm phát xảy ra mới áp dụng biện pháp kiểm soát, thì hiệu quả sẽ rất thấp do độ trễ thường kéo dài 3–6 tháng.

"Khi biện pháp bắt đầu phát huy tác dụng, có thể lạm phát đã không còn nữa mà nền kinh tế lại đối mặt với một vấn đề khác. Do đó, cần xây dựng hệ thống mô hình dự báo định lượng, thậm chí ứng dụng AI và dữ liệu lớn để phân tích, đưa ra các kịch bản và biện pháp điều hành sớm trước khi rủi ro thực sự diễn ra", ông Huân nhấn mạnh. 

Minh Nguyệt
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO