Vĩ Mô 08/11/2024 12:37

TS. Nguyễn Tú Anh: 2025 Fed buộc phải hạ lãi suất, Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, năm 2025 Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ba kênh sẽ bơm tiền ra nền kinh tế 2025

Đánh giá tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” diễn ra sáng 8/11, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

"Tôi cho rằng Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí mức giảm còn nhiều hơn bởi 'di sản' mà ông Joe Biden để lại cho tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là khối nợ khổng lồ 35.700 tỷ USD, lãi suất năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ", ông Tú Anh nói. 

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: BTC).

Trong khi đó, chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.

Điểm thứ hai là trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ lên 33,4% nhưng từ năm 2013 đạt đỉnh và bây giờ xu hướng giảm dần, hiện nay còn khoảng 23,5%. Điều này có nghĩa là nếu xu hướng người nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ càng thấp thì khả năng Mỹ in tiền và ảnh hưởng đến cả thế giới vì lạm phát của USD sẽ càng  ít đi.

Như vậy, chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. 

Yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là Trung Quốc. Nước này đanng đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước.

"Từ tất cả những điều trên, tôi đánh giá dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống mà từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn", ông nói.

Ông Tú Anh đánh giá, cán cân thanh toán năm 2025 sẽ dương. Đồng thời, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh rất quyết liệt. Bên cạnh đó, là việc tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém. Đây là ba kênh sẽ bơm tiền ra nền kinh tế trong năm 2025 với mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh tăng trưởng. 

Động lực tăng trưởng 2025 đến từ đầu tư công

Với động lực tăng trưởng 2025, theo ông Tú Anh sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư, trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi, kỳ vọng của nền kinh tế đầu tư tư nhân có thể sẽ tăng lên.

Năm 2024 nhiều người nói rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nới lỏng tiền tệ. Bản chất đúng là NHNN đang tìm mọi cách để đưa tiền ra, nhưng chúng ta thấy là tiền khó ra. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng 8,8%, không thấp so với cùng kỳ những năm trước nhưng cung tiền M2 tăng thấp. 

Cung tiền M2 tăng thấp dẫn lãi suất không giảm được, tỷ lệ tăng huy động vốn tức tốc độ tăng huy động trên hệ thống ngân hàng chỉ 5,8% làm chi phí huy động vốn của ngành ngân hàng tăng lên.

Do đó, một trong những đột phá tôi hy vọng trong 2025, tiền của đầu tư công sẽ có những quyết sách làm mới, đẩy tiền ra được nhanh, khi đẩy tiền ra được nhanh trên đầu tư công, tiền nhà nước ra được nhanh, giảm bớt tiền ở kho bạc nhà nước.

"Khi tiền ra thị trường nhiều thì thị trường 1 huy động dễ dàng hơn, giảm áp lực cho ngân hàng có thể duy trì được lãi suất thấp", ông đánh giá.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng ADB Việt Nanm. (Ảnh: BTC).

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng các động lực tăng trưởng ở phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu.

Trong năm 2024, xuất nhập khẩu và đầu tư là động lực rất tốt cho Việt Nam, đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực, nhưng xuất khẩu tăng trưởng nhanh lại dựa trên nền yếu của năm trước.

Sang đến năm 2025, thị trường thế giới hạ nhiệt, triển vọng xuất khẩu năm 2025 sẽ không duy trì được như năm nay. Nhìn lại động lực trong nước, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến động lực thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.

"Năm nay, đầu tư tư nhân thì lại yếu, thể hiện được tăng trưởng tín dụng khó khăn. Trong bối cảnh cầu nội địa, đầu tư nội địa yếu, cần dựa vào dư địa tăng chi tiêu Chính phủ. Như vậy, động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên", Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhìn nhận.

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 08/11/2024 12:32
Chuyên gia ADB và Dragon Capital: Không phải lạm phát hay lãi suất, 'Trump' mới là từ khóa cho triển vọng kinh tế năm 2025

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, ẩn số và yếu tố tác động lớn nhất tới triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2025 sẽ là nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.

Vĩ Mô 08/11/2024 10:49
Ông Phan Đức Hiếu: Sẽ có nhiều quyết sách lớn về kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khoá XV kỳ vọng từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế sẽ được khai thông, bứt phá.

Vĩ Mô 08/11/2024 08:55
[LIVE Phiên 1] Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: Bối cảnh vĩ mô và xu hướng dịch chuyển dòng vốn

Hôm nay (8/11), Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” chính thức diễn ra. Diễn đàn có sự hiện diện của 24 diễn giả là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đầu tư, tài chính.

Vĩ Mô 08/11/2024 08:25
Nhìn về 2025: Lạc quan nhưng thận trọng

Đa số báo cáo phân tích vĩ mô mà tôi đọc được trong giai đoạn quý III/2024 đều đánh giá, tầm nhìn về 2025 là lạc quan một cách thận trọng. Điều đó được hình thành bởi 4 nhân tố chính: (1) lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục sụt giảm, (2) rủi ro địa chính trị sẽ kéo dài, (3) tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2025 sẽ chậm hơn 2024, và (4) rủi ro về thương chiến cũng như biến đổi khí hậu sẽ khiến căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO