Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến "Triển vọng tín nhiệm Việt Nam 2025: Nắm bắt cơ hội trước bất định toàn cầu, mở ra kỷ nguyên phát triển mới" do VIS Rating tổ chức, TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho hay, trong năm 2025 mặc dù sức khoẻ tài chính của các ngân hàng đã được cải thiện tuy nhiên vẫn đối mặc với một số thách thức từ nợ xấu.
Ông phân tích trong quý IV/2024 tỷ lệ tăng nợ xấu của ngành ngân hàng đã giảm dần tạo ra tín hiệu tốt. Quy mô về tài sản, vốn tự có của các ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng đã lớn hơn rất nhiều, quản lý rủi ro được áp dụng theo Basel II và trung bình tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam ở mức 12,4%, tức là rất cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Thứ nhất là Thông tư 06, với việc cơ cấu lại các khoản nợ đã hết hạn vào 31/12/2024. Khi Thông tư này hết hiệu lực, bức tranh nợ xấu sẽ rõ hơn, có thể có những khoản nợ tái cơ cấu sẽ không chuyển lên được nhóm nợ ít rủi ro hơn.
Thứ hai là mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao lên tới 16%. Điều này sẽ khả thi nếu nền kinh tế đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, nên kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài và đó là những yếu tố chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt được thì với sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.
"Bên cạnh đó, nếu giá thị trường bất động sản giảm để đẩy nhanh thanh khoản thì sẽ dẫn đến rủi ro giá trị của các khoản thế chấp bằng bất động sản giảm và sẽ làm gia tăng nguy cơ về nợ xấu", ông Tú Anh phân tích.
Cuối cùng là cán cân thanh toán, nếu chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn ở mức cao thì có thể dự báo cán cân thanh toán sẽ tiếp tục âm như nhiều quý vừa qua và sẽ làm cho dự trữ ngoại hối không những không tăng mà còn giảm. Cùng với việc lỗi và sai xót ở mức rất cao như hiện nay thì có thể làm cho dự trữ ngoại hối không tăng lên được và rất khó để đưa tiền ra.
"Khi cung tiền không tăng được thì rất khó để tăng tín dụng như kỳ vọng và khả năng các khoản nợ tái cơ cấu, nợ nhóm 3, nhóm 4 được cải thiện nên các nhóm cao hơn sẽ rất hạn chế", ông Tú Anh nói.
Hội thảo trực tuyến "Triển vọng tín nhiệm Việt Nam 2025: Nắm bắt cơ hội trước bất định toàn cầu, mở ra kỷ nguyên phát triển mới". (Ảnh chụp màn hình).
Phân tích kỹ hơn về những động lực tăng trưởng năm 2025, ông cho biết, về tổng cầu, năm 2025 sẽ là một năm được thúc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, cùng với các chính sách tiền tệ và tài khoá theo hướng nới lỏng một cách thận trọng thì có thể sẽ làm cho lượng cung vốn, cung tiền được đẩy mạnh ra ngoài, qua đó thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam vẫn đang được xem là một điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay tháng 1, đầu tư FDI đã tăng trưởng khá mạnh.
Khi Chính phủ thực hiện tinh gọn bộ máy thì khoản chi dành cho hoạt động này cũng là một khoản vốn lớn đổ vào trong nền kinh tế, tạo nguồn cung vốn cho các định chế tài chính hoặc cho các hoạt động khởi nghiệp phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài được hứa hẹn là sẽ phát triển trong năm 2025.
Xét về tổng cung, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài cũng giúp nâng cao sản lượng tiềm năng và năng suất nhân tố tổng hợp của nền kinh tế. Các dự án lớn được triển khai và hoàn thành cũng giúp nâng cao hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Đặc biệt, từ quý IV/2024 có thể thấy sự cải thiện của thị trường bất động sản. Một trong những yếu tố quan trọng là khung pháp lý cho thị trường bất động sản được hoàn thiện từ việc Ba Luật Đất Đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.
Ông Tú Anh cho rằng, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, có hai yếu tố sẽ tác động tích cực lớn với nền kinh tế là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước và chuyển đổi số.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ giảm bớt các đầu mối trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính thì môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thời gian chờ đợi các thủ tục sẽ được rút ngắn. Điều này giúp cho hoạt động của Nhà nước hiệu quả hơn và doanh nghiệp cũng phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cùng với sự đổi mới của bộ máy nhà nước, các hoạt động đầu tư liên quan đến các hạ tầng số và chuyển đổi số đang được đẩy nhanh và thực hiện một cách rất quyết liệt. Điều này được kỳ vọng trong 5 năm tới sẽ tạo ra nền tảng hạ tầng số phát triển.
Với tác động từ việc ông Trump làm Tổng thống Mỹ, ông Tú Anh cho rằng, Việt Nam đang được hưởng lợi những cũng đứng trước nhiều bất định.
Mỹ là một quốc gia nhập khẩu lớn, do đó họ luôn cần nguồn cung chế biến, chế tạo một cách cạnh tranh để phục vụ cho nhu cầu của họ. Trong những năm trước đây, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, điều này làm cho Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ và có thể đe doạ vị trí dẫn đầu của Mỹ nên Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang thực hiện các chính sách để có thể đối đầu với Trung Quốc.
Vì vậy, Mỹ đang chuyển sang các đối tác nhỏ hơn, có nhiều đòn bẩy hơn trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những quốc gia chưa bị Mỹ nhắm tới. Rất có thể, khi gây thương chiến khắp nơi, Mỹ vẫn chừa lại một số quốc gia với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu chế biến, chế tạo cho Mỹ giá rẻ và cạnh tranh", ông Tú Anh nói.
Tuy nhiên, rủi ro là Việt Nam đang có thặng dư rất lớn về thương mại đối với Mỹ. Rất có thể ông Trump sẽ đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị để duy trì lợi ích cho cả hai bên và tận dụng lợi ích mà chúng ta đang có, vị chuyên gia này cảnh báo.
Cả nước hiện có 10 tỉnh thành không đạt cả ba tiêu chuẩn diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Xuân Đông, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, bị Thủ tướng cảnh cáo do có vi phạm trong công tác, ngày 21/2.
Lãnh đạo nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay, thậm chí ở mức cao hơn.
Phát biểu tại Hội nghị với Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh kiến nghị hàng loạt vấn đề trong đó có việc: Nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành; chấp thuận dự án khu du lịch phức hợp tại Khu Kinh tế Vân Đồn.