Một trong những giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ ra là đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN, đơn vị này đã chỉ đạo các Sở giao dịch chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán.
Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh và trách nhiệm của các định chế trung gian thông qua việc tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty chứng chỉ quỹ theo đề án được Chính phủ phê duyệt.
Theo các chuyên gia, thị trường thứ cấp còn rất sơ khai và việc chào bán ra công chúng hạn chế cũng là những thách thức của thị trường TPDN.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings chỉ ra rằng, trong khi mỗi năm có khoảng 200 – 350 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ, số dư trái phiếu lưu hành khoảng 1,3 triệu tỷ đồng đến từ 627 doanh nghiệp thì lượng chào bán ra công chúng còn quá ít với chỉ 10-14 doanh nghiệp thực hiện phát hành/năm. Trái phiếu chào bán trên thị trường quốc tế cũng rất ít, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận các khoản vay ngoại tệ.
Nếu như có thị trường thứ cấp tập trung và thanh khoản tốt thì việc nhà đầu tư đột ngột yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn sẽ được xử lý dễ dàng và bớt nghiêm trọng hơn. Do chưa có thị trường thứ cấp tập trung nên khi gặp tính huống này, các nhà phát hành của Việt Nam dễ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Ông Thuân cũng đề xuất cần khai thông kênh phát hành chào bán đại chúng bởi trước đây kênh này đã bị “bỏ quên” bởi việc phát hành riêng lẻ quá dễ dãi.
Phát hành chào bán đại chúng với các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin và có thể tiếp cận được bất kỳ đối tượng nhà đầu tư nào, cả tổ chức và cá nhân. Chỉ có điều để “tránh vết xe đổ” thì thông tin cần minh bạch và “hàng hóa” cần được xác định chất lượng. Điều này tránh việc nhà đầu tư đại chúng mua với lãi suất thấp nhưng hóa ra lại là hàng rủi ro cao hoặc ngược lại, ông Thuân đánh giá.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cần xây dựng cơ chế chính sách để tất cả các thành phần tham gia thị trường từ nhà phát hành đến các nhà đầu tư đều phải minh bạch. Không chỉ các doanh nghiệp được đánh giá xếp hạng ở mức AAA mới được phát hành trái phiếu mà toàn bộ doanh nghiệp đều có quyền phát hành, quan trọng là phải đảm bảo tính minh bạch.
Những doanh nghiệp startup, những doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi đầu rất cần vốn, họ có quyền phát hành trái phiếu nhưng mức lãi suất sẽ đi kèm với rủi ro, rủi ro cao thì lãi suất cao, lên tới vài chục % là chuyện hết sức bình thường, ông Quỳnh cho biết.
Mấu chốt là tính minh bạch, đây là trách nhiệm chung của tất cả các thành phần của thị trường chứ không chỉ của nhà phát hành. Chỉ khi nào lấy lại được niềm tin thì mới có thể lấy lại được thanh khoản của thị trường.
Theo UBCKNN, trên thị trường TPDN, khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Cụ thể, quý I là 134.800 tỷ đồng, quý II là 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 10 là 6.800 tỷ đồng, trong tháng 11 là 1.850 tỷ đồng.
Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành. Tính đến ngày 25/11/2022, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.
Cũng theo số liệu từ UBCKNN, các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là các nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ, sở hữu lần lượt 45,3% và 23,91% tổng khối lượng phát hành. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm 9,44% tổng khối lượng phát hành.
Trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động mua lại TPDN trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021. Trong khi đó, khối lượng TPDN đáo hạn tháng 12/2022 là 42.200 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản là 19.287 tỷ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo), tổ chức tín dụng là 9.828 tỷ đồng, doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỷ đồng (riêng VinFast là 7.120 tỷ đồng), doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỷ đồng.
Trong năm 2023, khối lượng đáo hạn cả năm là 282.167 tỷ đồng. Riêng quý I/2023, dự kiến đến hạn 35.900 tỷ đồng, trong đó: Trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 17.900 tỷ đồng (97,8% có tài sản đảm bảo), doanh nghiệp xây dựng là 9.000 tỷ đồng, doanh nghiệp dịch vụ là 5.300 tỷ đồng, công ty chứng khoán là 1.500 tỷ đồng. Về cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 60,9% (trong đó các tổ chức tín dụng nắm giữ 38,5%), nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 39,1% (tương đương 14.000 tỷ đồng).
UBCKNN đánh giá, thị trường TPDN có nhiều khó khăn do sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư, một số doanh nghiệp sai phạm bị xử lý cũng như việc một số tin đồn thất thiệt về một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền.
Ủy ban Chứng khoán vừa phạt hành chính Rạng Đông Holding vì công bố thông tin sai lệch, lỗ hơn trăm tỷ nhưng báo cáo tài chính ghi lãi.
Quỹ đầu tư EQT Private Capital Asia đã hoàn tất thương vụ mua PropertyGuru với giá 6,7 USD/cổ phiếu.
CD Group được biết đến với hàng loạt dự án bất động sản ở Bắc Ninh. Dự kiến vào quý I năm tới, doanh nghiệp này sẽ bắt đầu thi công xây dựng CCN Cách Bi gần 1.400 tỷ đồng tại thị xã Quế Võ.
PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tháng 11 đạt 276 tỷ đồng, nâng lũy kế từ đầu năm lên thành 1.876 tỷ đồng.