Theo báo cáo mới nhất của USDA, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024–2025 được dự báo đạt 25,8 triệu bao. Con số này đã được điều chỉnh giảm 1,5 triệu bao so với dự báo ban đầu là 27,3 triệu bao, song vẫn cao hơn mức 24,4 triệu bao của niên vụ 2023–2024.
Trong nửa đầu niên vụ, Việt Nam đã xuất khẩu 12,15 triệu bao, giảm 23% so với cùng kỳ 2023 - 2024. Sự sụt giảm xuất khẩu được ghi nhận ở nhiều thị trường lớn như Nhật Bản (giảm 28%), Italy (giảm 27%), Mỹ (giảm 22%), Tây Ban Nha (giảm 19%) và Đức (giảm 9%).
USDA nhận định nguyên nhân chủ yếu là do giá cà phê nội địa tăng cao khiến nông dân giữ hàng chờ giá, dẫn đến khan hiếm nguồn cung cho các hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, giá cà phê nội địa biến động mạnh khiến các nhà xuất khẩu e dè trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh, khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào chế biến sâu như cà phê hòa tan, rang xay và sản phẩm từ cà phê.
Sản lượng xuất khẩu cà phê theo tháng (*Tháng 5-9 niên vụ 2024/2025 là dự báo) - Nguồn: USDA
Trong niên vụ 2024 - 2025, xuất khẩu cà phê chế biến (hòa tan và rang xay) ước đạt 2,8 triệu bao, và được dự báo tăng lên 3,3 triệu bao trong niên vụ 2025 - 2026. Tỷ trọng cà phê chế biến trong tổng xuất khẩu đã tăng từ 8,8% năm 2022 lên 9,6% năm 2024.
Năm 2024, cà phê nhân vẫn chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ so với mức 91,2% vào năm 2022. USDA cho rằng sự gia tăng tỷ trọng cà phê chế biến phản ánh nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường châu Á và các thị trường khác.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá xuất khẩu trung bình của cà phê Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 là 3.792 USD/tấn. Trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu, có 5 quốc gia châu Âu bao gồm Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga và Hà Lan có giá trị đơn vị nhập khẩu trung bình dưới 4.000 USD/tấn.
Đức là thị trường lớn nhất trả khoảng 3.390 USD/tấn, trong khi Italy có mức giá thấp nhất là 3.260 USD/tấn. Ngược lại, các thị trường châu Á đang đưa ra mức giá cao hơn. Trong đó, Philippines trả mức giá cao nhất là 4.424 USD/tấn, tiếp theo là Trung Quốc (4.166 USD) và Indonesia (4.197 USD).
USDA nhận định, những xu hướng này cho thấy vai trò ngày càng tăng của khu vực châu Á trong việc thúc đẩy xuất khẩu giá trị cao và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào xuất khẩu cà phê thô.
Về thị trường, bên cạnh các đối tác truyền thống như EU, Mỹ và Nhật Bản, các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia đang trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng. Trong nửa đầu niên vụ 2024 - 2025, nhóm thị trường châu Á nhập khẩu khoảng 1,85 triệu bao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.
Dù khối lượng giảm, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu niên vụ, giá xuất khẩu trung bình đạt 5.630 USD/tấn, tăng 143% so với cùng kỳ. Giá cà phê nội địa dao động quanh 125.000 đồng/kg, cao hơn 130% so với năm trước. Theo USDA, điều này khiến doanh nghiệp khó thu mua số lượng lớn, dẫn đến tồn kho xuất khẩu giảm mạnh, phần lớn cà phê hiện nay đang được nông dân nắm giữ.
Tuy vậy, theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 54,8 nghìn tấn cà phê, trị giá 312,1 triệu USD, tăng lần lượt 24,7% về lượng và 59% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu đạt 881,8 nghìn tấn, tương đương 5,03 tỷ USD, tăng nhẹ về lượng (1,1%) nhưng tăng mạnh về trị giá (62,6%).
Giá thép và quặng sắt tăng tuần thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng cải cách ngành thép Trung Quốc.
Giá vàng trong nước trưa nay (5/7) đồng loạt “án binh bất động” trên toàn thị trường. Vàng miếng SJC tiếp tục neo ở mức 120,9 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và vàng nữ trang cũng giữ nguyên sau đợt giảm nhẹ trước đó.
Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư dự án và chuyển đổi các nhà máy điện than sang năng lượng sinh khối tại Việt Nam.
Giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch thưa thớt do nghỉ lễ vào thứ Sáu (4/7), khi thị trường hướng sự chú ý đến cuộc họp OPEC+ cuối tuần này và khả năng các quốc gia thành viên sẽ quyết định tăng sản lượng.