USDA: Tiêu thụ gạo toàn cầu đạt kỷ lục trong khi sản lượng dự báo giảm

USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Tuy nhiên, tiêu thụ dự báo tăng 2 triệu tấn lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn.

Sản lượng gạo toàn cầu dự báo giảm

Trong báo cáo tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

USDA cho biết sản lượng gạo ở Ấn Độ có thể giảm 0,9% trong niên vụ 2022-2023, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ vụ 2015-2016. Sản lượng của nước này dự kiến ​​đạt 128,5 triệu tấn so với mức kỷ lục 129,7 triệu tấn trong vụ trước. Chủ yếu là do sự phân bố không đồng đều của gió mùa Tây Nam.

Sau lúa mì, Ấn Độ đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu gạo do diện tích gieo trồng trong vụ mùa này đã giảm khoảng 13% so với năm trước do thiếu mưa ở các bang trồng lúa chính, dẫn đến việc tăng giá của loại ngũ cốc này. Giá gạo tại thị trường nội địa Ấn Độ đã tăng 4 - 6% trong một tháng qua và tăng hơn 7% so với năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng sản lượng gạo thấp hơn tại Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới bởi nước này đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, chiếm 40% thương mại toàn cầu, telegraphindia đưa tin. 

Tại châu Âu, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo xay xát của châu Âu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 1,3 triệu tấn, giảm mạnh 21% (366.000 tấn) so với vụ trước do hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thế kỷ.

Tương tự, sản lượng gạo của Bangladesh cũng được dự báo giảm 200.000 tấn xuống còn 35,6 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng dự báo sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn tại Brazil, Ghana, Hàn Quốc, Madagascar, Philippines, Nga, Tanzania và Mỹ.

Trong đó, sản lượng của Mỹ giảm mạnh nhất, giảm 500.000 tấn xuống còn 5,6 triệu tấn. Sản lượng tại Ai Cập dự báo ở mức 2,9 triệu tấn, không đổi so với mức thấp bất thường trước đó do tiếp tục thực thi các hạn chế về diện tích trồng lúa.

Ngược lại, sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn trong niên vụ 2022-2023 tại Australia, Myanmar, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka và Thái Lan. Đặc biệt, Campuchia, Trung Quốc, Nepal và Pakistan dự kiến ​​sẽ thu hoạch vụ mùa kỷ lục trong vụ 2022-2023.

Diễn biến cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến 2022-2023 theo báo cáo tháng 8 của USDA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Tiêu thụ đạt mức cao kỷ lục mới

Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

So với niên vụ trước, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.

USDA cũng sửa đổi ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 lên mức 516,7 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn, tương ứng gần 3% so với một năm trước đó và là mức cao kỷ lục thứ hai sau niên vụ 2022-2023.

Ấn Độ chiếm phần lớn trong sự điều chỉnh này với tiêu thụ ước tính đạt kỷ lục 108,4 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, cao hơn gần 1,5 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 7% so với niên vụ 2020-2021.

Vào ngày 2/5, Chính phủ Ấn Độ đã nâng mức phân bổ hàng tháng theo các chương trình an ninh lương thực trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2022. Lượng gạo phân bổ hàng tháng của Chính phủ Ấn Độ theo chương trình an ninh lương thực trong giai đoạn này sẽ tăng 36% so với các tháng trước đó.

Trong tháng này, tồn kho cuối kỳ trong niên vụ 2022-2023 được USDA điều chỉnh giảm 4,2 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 3% so với niên vụ 2021-2022, xuống còn 178,5 triệu tấn và là năm sụt giảm thứ ba liên tiếp.

Sự điều chỉnh này là do nguồn cung của Ấn Độ nhỏ hơn với mùa vụ thấp hơn dự kiến. Dự trữ cuối kỳ của Ấn Độ trong niên vụ 2022-2023 được dự báo đạt 35,5 triệu tấn, thấp hơn 9% so với dự báo trước đó và giảm hơn 3% so với vụ 2021-2022.

Trong khi đó, Trung Quốc một lần nữa chiếm phần lớn mức giảm hàng năm trong tổng lượng hàng tồn kho toàn cầu, với lượng gạo dự trữ cuối kỳ của Trung Quốc dự kiến ​​giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 109 triệu tấn.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2023 tương đương 2022

Thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 được USDA điều chỉnh tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng không thay đổi so với mức kỷ lục 54,7 triệu tấn của năm 2022.

So với niên vụ trước, các lô hàng xuất khẩu từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Guyana, Pakistan, Paraguay, Thái Lan và Uruguay dự kiến ​​sẽ tăng lên trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 250.000 tấn lên mức kỷ lục 22 triệu tấn và chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.

Mặc dù sản lượng giảm nhưng Ấn Độ vẫn có nguồn cung gạo xuất khẩu lớn và giá cả cạnh tranh. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ thậm chí còn nhiều hơn tổng khối lượng của ba nhà xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại. Ngoài gạo xát nguyên hạt, Ấn Độ còn xuất khẩu khối lượng kỷ lục gạo tấm giá rẻ, chủ yếu đến Trung Quốc, Tây Phi và Việt Nam.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của Brazil, Myanmar, Campuchia, Nga và Việt Nam dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2023.

Số liệu từ USDA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Về nhập khẩu, Trung Quốc ​​sẽ có mức tăng nhập khẩu lớn nhất trong năm 2023, dự kiến đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2022. Trung Quốc ​​sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.

Trong khi đó, Philippines được dự báo vẫn sẽ là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với khối lượng đạt 3,1 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, giảm 100.000 tấn so với kỷ lục 3,2 triệu tấn của năm 2022.

Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ nhập khẩu kỷ lục 2,5 triệu tấn gạo vào năm 2023, tăng 100.000 tấn so với năm 2022.

Ngoài ra, Nigeria dự kiến ​​sẽ nhập khẩu trở lại 2,2 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo đồ. Tương tự, nhập khẩu gạo của Mỹ cũng dự kiến đạt 1,4 triệu tấn, mức cao nhất được ghi nhận. Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo trong năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Thương mại gạo toàn cầu niên vụ 2018-2019 đến 2022-2023 theo báo cáo tháng 8 của USDA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá tiêu ngày 20/4 tiếp đà tăng đến 2.500 đồng/kg

Giá tiêu tăng 1.000 - 2.500 đồng/kg tại các tỉnh thành trọng điểm. Giá cao su trên hai sàn giao dịch tăng giảm không đồng nhất.

Giá heo hơi ngày 20/4 tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg ở nhiều nơi

Ghi nhận mới nhất cho thấy, giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại các địa phương trên toàn quốc. Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phát huy thế mạnh chăn nuôi.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng trở lại vào cuối tuần ngày 20/4

Giá cà phê trên hai sàn giao dịch thế giới đồng loạt tăng trở lại.

NHNN sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng

Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố, khối lượng được phép đặt thầu từ 14 đến 20 lô.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO