Mỹ sắp trải qua một thay đổi lớn vào năm 2025 khi tổng thống mới bước vào Nhà Trắng, nhưng giới chuyên gia vẫn sẽ tranh cãi nhau về một số vấn đề cũ.
Phố Wall đang chia rẽ về các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó một số ý kiến cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ chấm dứt việc hạ lãi suất vào năm tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ khép lại công việc của năm 2024 bằng cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 17 - 18/12. Những người lạc quan hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất thêm lần nữa, số khác không kỳ vọng vào khả năng này.
Một số ngân hàng Phố Wall còn dự đoán Fed sẽ đều đặn cắt giảm lãi suất trong năm 2025, đưa lãi suất xuống mức trung lập khoảng 3,25%. Lãi suất trung lập là lãi suất không kích thích hay kiềm chế tăng trưởng.
Song, không phải ai cũng có chung suy nghĩ đó. Các nhà phân tích tại những ngân hàng như Deutsche Bank cảnh báo các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể cản đường Fed hạ lãi suất, ví dụ như thuế quan.
Ông Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank cho thị trường Mỹ, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 26/11 rằng công chúng nên cân nhắc hai điều.
"Điều thứ nhất là bức tranh kinh tế hiện nay: sức mua của người tiêu dùng vẫn bền bỉ, thị trường lao động vẫn vững mạnh và ổn định hơn những gì chúng ta tưởng và lạm phát trong vài tháng qua đã lên cao hơn.
Tôi nghĩ bạn sẽ thấy rõ điều này khi Fed cập nhật dự báo vào tháng 12. Dự báo sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đi xuống còn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát thì đi lên”.
Theo ông Luzzetti, nhiều khả năng những yếu tố trên sẽ khiến Fed ngừng chiến dịch giảm lãi suất, nhưng chính sách mới của chính phủ Mỹ sẽ khiến các tính toán của Fed càng thêm phức tạp.
Ông nói tiếp: “Cộng với đó là các chính sách mà chúng ta dự kiến ông Donald Trump sẽ thực hiện, bao gồm gia hạn các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017 - hoặc thậm chí là giảm mạnh hơn nữa - và nâng cao thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thuế quan sẽ gây áp lực gia tăng lạm phát. Tất cả những yếu tố trên có thể củng cố tăng trưởng và áp lực giá. Tôi dự đoán lạm phát vào năm 2025 sẽ cao hơn 2,5%, lãi suất trung lập gần 4% và do đó Fed phải duy trì lãi suất trên 4%".
Cuộc họp tháng 12 trùng với thời điểm Fed công bố các dự báo cập nhật về lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng GDP và những chỉ tiêu khác.
Ông Luzzetti cho rằng các báo cáo tháng 12 của Fed sẽ không phản ánh môi trường lạm phát cao hơn dưới thời ông Trump. Thay vào đó, công việc này sẽ được lùi sang tháng 3 năm sau.
Theo tờ Fortune, quan điểm của ông Luzzetti trái ngược với một số đồng nghiệp trên Phố Wall. Ví dụ ông Brian Rose, nhà kinh tế cấp cao của UBS, vẫn giữ nguyên dự báo rằng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong suốt năm tới.
Ông viết trong lưu ý ngày 26/11: “UBS vẫn dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất 125 điểm cơ bản (bps) trong năm 2025, đưa phạm vi lãi suất xuống khoảng 3,25% - 3,5%, phù hợp với ước tính của chúng tôi về mức lãi suất trung lập. Nhưng nếu lạm phát thực tế cao hơn dự kiến của chúng tôi thì nhiều khả năng Fed sẽ để lãi suất ở gần mức 4%”.
Sau cuộc họp tháng 11, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang duy trì lãi suất trong khoảng 4,5 - 4,75%.
Gần sang năm 2025, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tính ổn định của nguồn cung hàng hóa và nỗi lo rắc rối sẽ nhân lên gấp bội nếu Mỹ áp dụng các chính sách thúc đẩy lạm phát.
Trong năm 2025, ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, là thành viên có quyền bỏ phiếu về lãi suất trong FOMC.
Vị quan chức khẳng định ông đã sẵn sàng để đối phó với tác động lan tỏa từ những sự kiện này. Ông Goolsbee nói với trang The Overshoot: “Tôi và các đồng nghiệp phải xác định xem liệu những sự kiện đó là cú sốc nguồn cung tạm thời hay vĩnh viễn. Việc này rất quan trọng.
Và sau đó chúng tôi phải xét xem liệu những sự kiện đó chỉ khiến chi phí gia tăng một lần, hay sẽ dẫn đến vòng xoáy tăng giá cả và ảnh hưởng đến kỳ vọng tương lai?”
Ông giải thích: “Kiến thức phổ thông cho thấy ngân hàng trung ương không nên thắt chặt chính sách tiền tệ trong một cú sốc nguồn cung, thay vào đó phải cố gắng ngăn chặn tác động thứ cấp lên lạm phát.
Ví dụ, ngân hàng trung ương không thể làm gì với tác động trực tiếp khi giá xăng dầu gia tăng - chắc chắn nó sẽ khiến lạm phát đi lên. Nhưng các quan chức phải cố không để vòng xoáy tiền lương - giá cả xảy ra, cố ngăn kỳ vọng về lạm phát lên cao đến mức không thể kiểm soát. Cách làm này có lẽ vẫn đúng.
Thật sự, Fed không thể tìm ra cách mới ngoài những kiến thức phổ thông cho đến khi đã xong việc và hiểu được bao nhiêu phần của lạm phát là do nguồn cung thúc đẩy, bao nhiêu là do nhu cầu gây ra”.
Ngân hàng sẽ "đánh giá" việc giao dịch những loại tiền điện tử hàng đầu như bitcoin và ethereum, nhưng hiện tại khả năng hoạt động của họ trong các thị trường này vẫn "cực kỳ hạn chế".
Kết thúc cuộc họp vào ngày 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất lần thứ tư trong năm nay và để ngỏ khả năng nới lỏng hơn nữa vào năm 2025.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng công khai suy đoán rằng tạp chí Time sẽ không bao giờ chọn ông là “Nhân vật của năm”. Tuy nhiên, giờ đây ông đã được xướng tên hai lần.
Đồng USD đang nhận được những dự báo lạc quan từ các quỹ đầu cơ đến những nhà quản lý tài sản, nhờ nền kinh tế Mỹ kiên cường và căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu.