Vĩ Mô 19/01/2025 08:55

Việt Nam đứng trước nguy cơ 'chưa giàu đã già'

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ "dân số vàng” nhưng với tốc độ già hoá nhanh như vài năm trở lại đây, "cánh cửa" trở thành quốc gia giàu có đang dần khép lại.

Hiện quy mô dân số của Việt Nam vượt mốc 100 triệu người là nguồn lực vững vàng để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đây là nền tảng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng để tăng trưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dù quy mô và cơ cấu dân số có nhiều lợi thế, song Việt Nam vẫn chủ yếu vẫn gia công, lắp ráp cho doanh nghiệp nước ngoài, trình độ lao động còn thấp, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế, phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. 

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh các báo cáo cho thấy Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. 

"Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. [...] Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?", Tổng Bí thư đặt vấn đề.

"Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là 'ngộ nhận', là 'tự huyễn hoặc', là 'tự ru mình' không", ông Tô Lâm cho biết.

Với ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài.

"Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn.

"Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm 'lắp ráp - gia công', là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Điều này cho thấy, muốn đạt được mục tiêu "giàu" trước khi dân số "già", Việt Nam cần đột phá mạnh mẽ hơn. Bởi dù Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc song với tốc độ già hoá tăng rất nhanh như vài năm trở lại đây, cánh cửa sẽ nhanh chóng khép lại.

Tốc độ già hoá dân số tăng nhanh

Một trong những lợi thế mà của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là lao động giá rẻ và cơ cấu dân số trẻ. Tuy nhiên, lợi thế này đang dần mất đi khi chỉ số già hoá năm 2024 đã mức 60,2% năm 2024, tăng tới 11,4 điểm % so với năm 2019 và 16,9 điểm % so với năm 2014.

 Táp dân số năm 2019 và 2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,4% (giảm 0,6 điểm % so với năm 2019), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% (giảm 1,0 điểm % so với năm 2019) và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% (tăng 1,6 điểm % so với năm 2019).

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.

Đặc biệt, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của dân số là 27,3, cũng tăng 2,1 năm so với năm 2019 và tổng tỷ suất sinh (TFR) chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.

Với mục tiêu trở thành quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao đến năm 20230 và đến năm 2045 là nước có sẽ trở thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần có một nền tảng vững chắc, trong đó cơ cấu dân số cũng là một yếu tố quan trọng.

Tận dụng cơ hội 'dân số vàng'

Theo ước tính về cơ cấu dân số thì đến năm 2036, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng và bắt đầu đối diện với già hóa dân số. Còn theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2041.

Đánh giá về mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2025, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng muốn đạt được mục tiêu đề ra thì năm 2025, Việt Nam phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất là 8%. Đến giai đoạn năm 2026 - 2030, phải phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số ở mức khoảng 10%.

"Sau đó từ năm 2031 - 2045 đạt 6,5 đến 7%. Bởi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần cho dù chúng ta nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vì lúc bây giờ quy mô kinh tế của Việt Nam rất lớn tỷ lệ tăng trưởng sẽ chậm dần do phải so sánh với mức nền rất cao của giai đoạn trước", ông Lực nói.

Để đạt được mức tăng trưởng này, Việt Nam cần vươn mình, đột phá trong tăng trưởng nếu không sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và đánh mất cơ hội, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời kỳ dân số vàng chính là một trong những giải pháp quan trọng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: H.A).

Nhấn mạnh về mục tiêu đột phá trong tăng trưởng, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian dài thì động lực phải đến từ phía cung chứ không phải đến từ phía cầu như: Tiêu dùng, đầu tư ngắn hạn hay xuất nhập khẩu. Phía cung của nền kinh tế là phải cải thiện được năng lực sản xuất, động lực sản xuất, tăng năng suất lao động.

Và một động lực mà tất cả các quốc gia thành công trong việc thoát bẫy thu nhập trung bình đều phải làm đó là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuyên gia cần hai yếu tố: Không thể đào tạo chất lượng cao đều chi phí rẻ nhưng cả xã hội, học viên và Nhà nước hiện nay đều chưa chấp nhận được việc chi phí giáo dục ở mức cao.

"Không thể nào trở thành một quốc gia phát triển mà chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện và muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, công nghệ cao,...thì phải chấp nhận đầu tư", ông Thành cho hay.

Giải pháp đột phá chất lượng nguồn nhân lực khi mà người đi học muốn trả chi phí quá cao còn Nhà nước muốn xã hội hoá để dành ngân sách cho hạ tầng thì cần có một Quỹ hỗ trợ dành riêng cho các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ đóng góp một phần và phần còn lại huy động từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.

Các chương trình đào tạo và từng ngành, lĩnh vực nếu đạt được chuẩn quốc tế, không phân biệt là trường công hay trường tư thì cần được hỗ trợ và sinh viên được cấp học bổng. Điều này sẽ khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo mà không tạo gánh nặng cho cơ quan Nhà nước, không tạo áp lực trong thiết kế chính sách.

"Hiệu quả của chương trình này là sẽ có nhiều tài năng của Việt Nam được học qua các chương trình chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn nước ngoài", ông Thành phân tích.  

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 19/01/2025 10:55
Hai trạm dừng trên cao tốc qua Bình Thuận hoạt động từ 20/1

Hai trạm dừng chân trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được đưa vào khai thác tạm phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1.

Vĩ Mô 19/01/2025 10:25
Lập tổ chỉ đạo triển khai dự án đường sắt tốc độ cao

Bộ Giao thông Vận tải vừa lập Tổ chỉ đạo triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Vĩ Mô 19/01/2025 09:22
Hiệp hội logistics Hà Nội: Giới hạn giờ lái xe làm giảm thu nhập tài xế

Việc giới hạn giờ lái xe sẽ khiến tài xế giảm thu nhập 20-30%, còn ngành vận tải giảm năng suất, đẩy giá cước tăng cao.

Vĩ Mô 19/01/2025 08:50
Cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị tuyên 30 tháng tù án treo

Ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh uỷ, cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá, bị toà án tỉnh tuyên 30 tháng tù án treo - thấp hơn 6 tháng tù so với đề nghị của VKS.